06/02/2012 08:07 GMT+7

Nhức nhối tai nạn đường sắt

VÕ MINH
VÕ MINH

TT - Một tín hiệu không vui đối với an toàn giao thông đường sắt trên tuyến đường sắt Bắc - Nam là ngay trong những ngày đầu năm đã liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông ở những đường ngang giao cắt với đường sắt gây thương vong cho nhiều người.

Điển hình là vụ tai nạn giao thông thảm khốc giữa đoàn tàu Thống Nhất TN3 với ôtô 52P-4310 xảy ra ngày 1-2 tại tỉnh lộ 628, đoạn qua xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) làm bảy người trong một gia đình thương vong (trong đó có bốn trường hợp tử vong).

Tiếp đó, ngày 3-2 ở thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục (Hà Nam) tàu SE13 tông chết ba người dân khi ba nạn nhân này băng ngang qua đường sắt. Cũng trong ngày 3-2, tại thôn Thượng Phúc, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh (Hà Nội), ôtô 16 chỗ đã va chạm với tàu hỏa SB4 đang chạy hướng về Hà Nội. Vụ va chạm khiến tài xế ôtô tử nạn và sáu người khác trên xe bị thương.

Có nhiều nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông đường sắt, nhưng nguyên nhân chính lại rơi vào trường hợp người qua đường sắt thiếu quan sát, chủ quan trước khi băng qua đường ngang nên gây ra những cái chết đau thương như thế. Vụ tai nạn giao thông đường sắt ở Quảng Ngãi làm bốn người chết, ba người bị thương thì lỗi chính là do tài xế ôtô “ung dung” phóng xe băng qua đường (vừa lái xe vừa nghe điện thoại), bất chấp tín hiệu báo có tàu sắp chạy qua.

Ngay cả ba trường hợp bị tàu cán chết do đi bộ băng ngang đường sắt ở Hà Nam ngày 3-2 cũng do thiếu quan sát, chủ quan khi qua đường ngang.

Đường sắt và đường bộ là hệ thống giao thông rất phức tạp. Bởi vậy ở nhiều nước quy định rất rõ khi người điều khiển phương tiện qua đường ngang giao cắt với đường sắt, hành động đầu tiên không phải là băng qua ngay đường sắt mà phải giảm tốc độ, quan sát hai bên đường ray với một khoảng cách xa, khi đã cảm thấy thật sự an toàn mới băng qua, đồng thời nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về an toàn đường sắt.

Thế nhưng, người điều khiển phương tiện khi qua đường ngang giao nhau với đường sắt ở Việt Nam còn lắm mối nguy hiểm: phóng nhanh, vượt ẩu, không chấp hành hiệu lệnh an toàn đường sắt, thiếu quan sát, chủ quan...

Có trường hợp khi gác chắn đang được nhân viên gác tàu kéo lại thì người đi đường vẫn cố tìm cách vượt qua để rồi nhận lấy hậu quả bị tàu tông chết!

Trong khi đó cũng phải thừa nhận so với nhiều nước trên thế giới thì hệ thống đường sắt ở ta chưa bằng và thiếu an toàn. Cụ thể là còn nhan nhản đường ngang qua đường sắt thiếu gác chắn, đèn báo hiệu, chuông báo... để đảm bảo an toàn cho người dân qua lại.

Cùng một lúc ngành đường sắt Việt Nam không thể kham nổi việc xây dựng các gác chắn dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam, và cũng không “đua” kịp với việc tự ý mở đường ngang trái phép nhiều như nấm ở các địa phương có đường sắt chạy qua. Lộ trình đảm bảo an toàn giao thông đường sắt vì vậy cần phải chờ trong nhiều năm nữa.

Và, trong cái sự chờ này, mỗi người dân khi qua đường sắt phải tự bảo vệ lấy mình. Sự chủ quan, thiếu quan sát khi qua đường ngang sẽ là ẩn họa khôn lường.

Tai nạn giao thông đường sắt thật sự nhức nhối vào dịp đầu năm. Cùng với việc nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông khi qua đường ngang của người dân, ngành đường sắt nên tính toán đến việc xây dựng các gác chắn ở các điểm đường ngang (ưu tiên hàng đầu cho các tuyến đường ngang có ôtô qua lại).

Mỗi địa phương phải hành động để ngăn chặn nạn lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, đảm bảo tuyến đường sắt Bắc - Nam của đất nước hoạt động trong sự thuận tiện, an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất những tai nạn đau lòng như những ngày qua.

VÕ MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên