Điều quan trọng nhất khi xây dựng viện phí là đảm bảo hai yêu cầu: phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội và thu nhập bình quân ở địa phương và có cơ cấu tính viện phí (tiền do người bệnh trả bao nhiêu được chi cho bác sĩ, cho trang thiết bị, thuốc...). Người bệnh nhìn vào cơ cấu đó thấy giá xứng đáng hoặc chưa xứng đáng với dịch vụ đã được cung cấp.
Khi viện phí đảm bảo hai yêu cầu đã nêu thì khi chỉ định dịch vụ, thầy thuốc cần căn cứ vào thực trạng người bệnh, hướng tới yêu cầu điều trị khỏi bệnh bằng chi phí phù hợp. Đó là yêu cầu thứ ba của minh bạch.
Hiện nay có nhiều người, nhiều nơi kêu viện phí thấp, cần tăng nhưng tăng phải phù hợp, đảm bảo ba yêu cầu của tính minh bạch. Nói khách quan, viện phí ban hành năm 1995 đã quá lỗi thời, nhưng giá dịch vụ ban hành năm 2006 không hẳn là thấp.
Vấn đề ở đây là phải làm thế nào để viện phí hướng tới tính đúng tính đủ, phù hợp với chất lượng dịch vụ được cung cấp. Nói như vậy bởi giá dịch vụ y tế hiện nay chưa minh bạch, ở chỗ người ta chưa thấy giá dịch vụ hợp lý so với chất lượng được cung cấp. Như “giường bệnh theo yêu cầu” giá 300.000-500.000 đồng/giường thì đi lại phải thuận tiện, nhưng nhiều bệnh nhân phòng dịch vụ, giường dịch vụ chưa được nhận sự thuận tiện đó.
Khi bắt tay vào xây dựng viện phí mới, Bảo hiểm xã hội VN và Bộ Y tế đã thống nhất nguyên tắc viện phí sẽ bao gồm các chi phí trực tiếp phục vụ người bệnh, như vật tư y tế, thuốc, điện nước, duy tu bảo dưỡng...
Không đưa vào viện phí những chi phí mà ngân sách nhà nước đã chi trả, như ở tuyến tỉnh Nhà nước hỗ trợ 70 triệu đồng/giường bệnh/năm. Chi phí khác thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động như mũ, găng tay, khẩu trang, áo blouse... không được đưa vào giá viện phí. Ngân sách bố trí cho y tế luôn luôn tăng, tính đúng tính đủ viện phí thì thế nào là đủ?
Ngân sách cấp cho bệnh viện các chi phí thường xuyên, điện nước, lương cán bộ, sửa chữa nhỏ, sửa chữa lớn thì có khấu hao. Vậy bệnh viện thiếu ở khâu nào? Nếu thiếu tiền trả lương thì khi đi thuyết trình ngân sách phải tính số lượng cán bộ, phần lương tăng thêm thì đã có dịch vụ tự chủ tài chính theo nghị định 43. Cái đó cũng cần có câu trả lời rõ ràng.
Nếu viện phí minh bạch, bảo hiểm và người bệnh đều sẵn sàng chi trả. Trả viện phí đúng, đủ nhưng yêu cầu hai việc: chi phí khám chữa bệnh đúng với chất lượng dịch vụ được cung cấp và không được thu thêm của người bệnh những chi phí mà bảo hiểm đã chi trả (hiện tượng này khá phổ biến, nhiều vật tư y tế đã có trong kết cấu giá viện phí, bảo hiểm đã chi trả nhưng bệnh viện vẫn yêu cầu người bệnh mua).
Minh bạch viện phí sẽ có lợi cho cả ba bên người bệnh, bệnh viện và bảo hiểm. Bệnh viện sẽ được trả đúng, đủ những chi phí đã bỏ ra. Người bệnh trả đúng những gì họ được nhận, chứ không phải những chi phí họ không biết, trả phí hai lần. Còn quỹ bảo hiểm thì biết mình trả cái gì, đúng hay không, từ đó chủ động trong sử dụng quỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận