27/12/2011 09:36 GMT+7

Khái niệm đạo đức công chức đang rối

NGUYÊN TÂN - NGUYỄN MINH NHỊ
NGUYÊN TÂN - NGUYỄN MINH NHỊ

TT - Tin hai ông Nguyễn Thanh Lèo - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Sóc Trăng và ông Trần Văn Tân - giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe loại 3 - đánh cờ tướng ăn tiền mỗi ván từ 1 đến 5 tỉ đồng làm nhiều người ngao ngán lắc đầu mấy hôm nay.

Phó giám đốc sở đánh cờ tướng mỗi ván 5 tỉ đồng

Dù hành vi đánh bạc nói trên đã thuộc về phạm vi điều chỉnh của Bộ luật hình sự, nhưng vẫn không thể không đề cập khía cạnh đạo đức công chức khi hai công bộc nhà nước ở một tỉnh nghèo khó như Sóc Trăng ăn chơi vô độ bằng tiền tỉ...

Việc cán bộ công chức (CBCC) ở nhiều cấp có những hành vi, lối sống trụy lạc, bê bối, suy đồi đã không còn xảy ra đơn lẻ mà trở nên đa dạng và mức độ ngày càng không thể chấp nhận. Có thể kể vụ trung tá Nguyễn Văn T., điều tra viên Công an thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh gạ tình, tiền vợ của bị can; thẩm phán của TAND tỉnh Cà Mau vào nhà nghỉ với vợ anh xe ôm; phó chánh án TAND thành phố Sóc Trăng bị bắt quả tang nằm ôm vợ người khác trên võng; vụ một cô gái chết đuối trong buổi tiệc ăn nhậu bê bối có mặt hai quan chức Viện KSND huyện Cần Giuộc, Long An...

Để xử lý những hành vi liên quan đến đạo đức như trên, ngoài việc xem xét kỷ luật theo điều lệ Đảng (nếu người vi phạm là đảng viên) thì văn bản pháp luật được áp dụng là Luật CBCC và một số văn bản pháp luật chuyên ngành. Thế nhưng, hầu hết văn bản này lại quy định hết sức sơ sài, chung chung về vấn đề đạo đức. Chẳng hạn, Luật CBCC quy định hết sức ngắn gọn như sau: đạo đức của CBCC là “phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong hoạt động công vụ”.

Sau phần quy định ngắn gọn về đạo đức CBCC, Luật CBCC dành hẳn một mục đề cập “những việc CBCC không được làm liên quan đến đạo đức công vụ”. Thế nhưng, trong phần này có một số việc dường như chẳng liên quan gì đến những nội hàm “cần, kiệm, liêm, chính”. Chưa nói, cũng trong mục này có những điều khoản có vẻ như thừa và nhầm lẫn giữa khái niệm vi phạm đạo đức và vi phạm pháp luật. Ví dụ, quy định CBCC không được “sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật”. Đã “trái pháp luật” thì bất kể ai đều sẽ bị xử lý theo pháp luật, chứ đâu chỉ có CBCC! Cách thức quy định như trên khiến cho khái niệm đạo đức công chức trở nên rối mù, khó hiểu.

Ngoài Luật CBCC, còn có những văn bản pháp luật chuyên ngành quy định về tiêu chuẩn, đạo đức đối với một số chức danh nghề nghiệp. Ví dụ, thẩm phán (Luật tổ chức tòa án nhân dân, pháp lệnh thẩm phán và hội thẩm của tòa án nhân dân), điều tra viên (pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự), kiểm sát viên (Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân, pháp lệnh kiểm sát viên)... Tuy nhiên, khi đề cập tiêu chuẩn đạo đức của những chức danh trên, pháp luật cũng chỉ quy định ngắn gọn và chung chung rằng người đó phải có “phẩm chất đạo đức tốt”.

Với những quy định mù mờ như trên, nếu “căng” ra để áp dụng đối với những vụ việc liên quan đến đạo đức vừa qua thì có thể sẽ gây lấn cấn, tranh cãi. Tuy nhiên, hầu hết những người liên quan đều là đảng viên nên khi xảy ra vụ việc còn có quy trình xem xét, kỷ luật về mặt Đảng. Phải thừa nhận đây là một quy trình có ý nghĩa cực kỳ lớn trong việc làm trong sạch đội ngũ đảng viên. Tuy nhiên xét về lý, quy trình nói trên chỉ có giá trị trong phạm vi nội bộ Đảng và mức kỷ luật cao nhất là bị khai trừ ra khỏi Đảng. Do đó, không thể coi đây là một quy trình xử lý về đạo đức nghề nghiệp.

Như vậy, một quy trình xử lý dựa trên một bộ quy chuẩn đạo đức về nghề nghiệp rõ ràng, có triết lý sẽ tốt hơn. Triết lý bao trùm của một bộ quy tắc đạo đức nằm ở chỗ nhằm mục tiêu xây dựng, vun bồi niềm tin của xã hội đối với nghề nghiệp, đồng thời phải điều chỉnh được tất cả hành vi của CBCC có thể làm tổn hại đến uy tín, thanh danh nghề nghiệp mà CBCC đó đang phụng sự. Vì vậy, công thức có thể là đạo đức CBCC = đạo đức người bình thường + đạo đức nghề nghiệp.

Ví dụ, một người dân có thể ngồi nhậu cả ngày ngoài đường nhưng một quan tòa thì không thể được vì hình ảnh đó có thể làm mất đi tính uy nghiêm của quan tòa. Có một thực tế là mỗi ngành nghề đều có những đặc điểm riêng biệt và yêu cầu riêng về nghề nghiệp. Do vậy, nên có một bộ quy tắc đạo đức riêng cho từng ngành nghề, thay vì quy định chung cho tất cả như Luật CBCC hiện nay.

NGUYÊN TÂN - NGUYỄN MINH NHỊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên