24/12/2011 08:15 GMT+7

Không thể công khai kiểu đối phó

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Gần đây, năm nào cũng ít nhất hai lần dư luận lại “nóng” lên vì Tập đoàn Điện lực VN (EVN), đó là đầu năm tăng giá và mùa khô thiếu điện.

Bao giờ cũng có những câu hỏi về minh bạch chi phí, giá thành. Song đến nay dư luận mới được biết lương lãnh đạo EVN, theo công bố, là dưới 40 triệu đồng/tháng và Bộ Lao động - thương binh & xã hội vội vã nhập cuộc thanh tra.

Nhưng câu chuyện công khai, minh bạch không nên theo kiểu dư luận ồn lên thì vào cuộc, dịu xuống lại thôi...

Chẳng hạn khi dư luận rộ lên chuyện lương lãnh đạo EVN có thể lên tới trên 1,5 tỉ đồng/năm, thì lãnh đạo tập đoàn này mới lên giao lưu trực tuyến khẳng định đó chỉ là tin đồn, phỏng đoán. Lúc này các văn bản của Bộ LĐ-TB&XH phê duyệt đơn giá tiền lương hằng năm cho EVN mới được biết đến. Và ông Đinh Quang Tri, phó tổng giám đốc EVN, cũng công khai lương lãnh đạo EVN chỉ 40 triệu đồng trở xuống.

Tất nhiên ở TP, những người có thu nhập 20-30 triệu đồng/tháng không phải hiếm. Lãnh đạo cả một tập đoàn, lương 40 triệu không phải quá lớn, sao không thể công khai, phải để dư luận ồn lên mới nói lại? Giá cứ tăng, điện cứ thiếu nên bức xúc với ngành điện chắc còn nhiều. Nếu như EVN chủ động công khai ngay các vấn đề người dân quan tâm như lương thưởng, đầu tư ngoài ngành, tổn thất điện năng... mỗi lần tăng giá điện thì chắc dư luận cũng chia sẻ hơn, người dân cảm thấy được tôn trọng hơn.

Tại VN có rất nhiều cơ quan giám sát. Các tập đoàn ngoài bộ chủ quản còn có Bộ Tài chính và nhiều cơ quan khác có quyền yêu cầu báo cáo, có quyền kiểm tra. Tuy nhiên, thường cứ sau khi dư luận lên tiếng, các cơ quan này mới tuyên bố đi thanh tra, kiểm tra rồi tuyên bố “sai đến đâu xử đến đó”...

Đương nhiên là sai đến đâu sẽ phải xử đến đó, nhưng nếu các cơ quan chức năng chủ động phát hiện và xử lý thì những sai phạm sẽ được ngăn chặn sớm, hệ quả có thể giảm đi nhiều. Điều quan trọng hơn là qua việc chủ động ngăn chặn, chủ động thông tin cho công chúng, khả năng răn đe và ngăn ngừa vi phạm cũng sẽ lớn hơn.

Mấy năm gần đây, cơ quan nào cũng khẳng định quyết tâm công khai, minh bạch như một bằng chứng về sự lành mạnh và tầm vóc của mình. Nhiều cơ quan họp báo theo quý nhưng những vấn đề tế nhị, nhạy cảm lại được giấu đi, hoặc chỉ trả lời qua loa, không cụ thể. Ai cũng biết các doanh nghiệp xăng dầu thời gian qua đã “công khai” con số lỗ.

Tuy nhiên, chỉ khi tân bộ trưởng Bộ Tài chính quyết liệt, các cơ quan đi kiểm tra cả tháng mới phát hiện những vấn đề bản chất, những con số cụ thể về khoản lỗ đó. Chính vì thế những kết quả thanh tra, kiểm tra khác cũng cần có quy định công khai với một quy trình cụ thể. Không nên để người dân thường xuyên phải giật mình, nghe các cơ quan rùng rùng vào cuộc, rồi có khi lại phải giật mình về chính việc đó, nhưng được nhìn bằng khía cạnh khác hoặc do một cơ quan khác công bố...

Tuần qua, thật đáng mừng là các cơ quan chức năng đã giúp người dân hiểu hơn, có nhiều thông tin hơn về điện lực, xăng dầu. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều lĩnh vực khác như đường sắt, hàng không, dầu khí, than khoáng sản... cũng cần công khai thông tin.

Nếu coi các tập đoàn, tổng công ty là trụ cột, quả đấm thép thì người dân cần được biết các trụ cột đó đang đóng góp và thụ hưởng thế nào, có lãng phí, sai phạm gì không để có biện pháp chấn chỉnh...

Công khai, minh bạch không thể là phong trào, không thể chạy theo dư luận như một biện pháp ứng phó. Công khai, minh bạch chỉ có thể là công cụ lành mạnh hóa nền kinh tế, chống tiêu cực, móc ngoặc khi nó được chủ động đưa ra với những tiêu chí cụ thể, giúp người dân hiểu rõ bản chất của vấn đề, sự việc...

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên