Thế nhưng với tôi, loạt bài ấy còn thiếu hình ảnh của những nhà giáo, những người thầy đầu tiên đi tiên phong trong lĩnh vực mở trường dân lập, được xem là bước đột phá trong lĩnh vực giáo dục.
Thuở ấy họ là những người thầy nổi tiếng, chỉ cần nhắc tên là đã nhận được ngay biết bao sự kính trọng của các thế hệ học trò. Những người thầy ấy nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực: văn chương, y học, lịch sử, khoa học... Thậm chí đến bây giờ, tên tuổi của nhiều người thầy đã đi vào lịch sử giáo dục nước nhà. Thế nhưng, có một điều cũng buồn thay, chính vì “bước chân vào dân lập” mà hình ảnh của nhiều người thầy trong số ấy đã không còn nguyên vẹn.
Những người thầy hiền lành, yêu thương học trò... đã không tự vệ nổi trước cuộc cạnh tranh quyết liệt tiền - quyền của thị trường khi họ đóng vai trò nhà quản lý, một vai không sở trường. Cũng vì xung đột tiền - quyền mà có người thầy còn bị người thân mình hành hung, đánh chảy máu đầu ngay trong sân trường. Cũng vì xung đột tiền - quyền mà những người thầy đã không tiếc lời sỉ vả “đối thủ” của mình trong các cuộc họp hội đồng quản trị, chưa kể lôi nhau lên mặt báo để tố nhau, rồi đưa phong bì cho học trò mình - là nhà báo - để “nói giúp cho thầy một tiếng”. Một nhà giáo rất nổi tiếng hiện đã qua đời từng chua chát nói rằng: “Khi đi họp hội đồng quản trị, được phát một cái nhẫn vàng to lắm, tôi buồn quá! Tôi làm giáo dục để mong đóng góp cho xã hội, nhưng lợi nhiều quá, họ chia cho tôi bằng cách phát nhẫn vàng”.
Giấc mơ một trường dân lập “không vụ lợi, lợi nhuận được tái đầu tư vào giáo dục” giờ đã tan như bong bóng. Những người thầy ấy đã phải buông lý tưởng, nhiệt huyết của mình trước những khó khăn “bên trong” như: “định giá tài sản vô hình và hữu hình”, phân chia tài sản sao cho đảm bảo quyền lợi cổ đông, lo đối phó với hội đồng quản trị, nội bộ tố nhau liên tục... Còn “bên ngoài” là tìm mọi cách, kể cả vi phạm quy chế tuyển sinh để tìm nguồn tuyển sinh viên.
“Cơn sóng lớn” đã ập tới và những người thầy ấy lại một lần nữa nguy cấp, khi mà một thế hệ nhà đầu tư bước vào lĩnh vực giáo dục mang theo phong cách doanh nghiệp với tâm lý: hiệu trưởng, giảng viên là người làm thuê, sinh viên là khách hàng và ai nắm cổ đông nhiều nhất là ông chủ. Cuộc chiến mới nổ ra khi những người thầy ấy sẵn sàng bị cho thôi chức, bởi bất đồng giữa ban giám hiệu và hội đồng quản trị ngày càng tăng cao. Tên của các thầy đã xuất hiện nhiều hơn trên báo. Nhưng buồn thay lại xuất hiện trong những bài viết về rối ren tư thục, về bất ổn nội bộ trường mình.
Vẫn biết nhân vô thập toàn, vẫn biết những vất vả mà những người thầy mô phạm ấy phải gánh chịu là quá nặng nề, vẫn biết là không thể nào lường trước chuyện gì sẽ đến trong một nền giáo dục luôn biến động khôn lường..., nhưng khi ngẫm lại mới thấm thía một điều rằng đến với “cuộc chơi tư thục”, những người thầy ấy đã mất nhiều quá.
Điều thấm thía ấy cũng chính là nỗi buồn trong bức tranh đầy gam màu buồn của các trường tư thục hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận