04/10/2011 09:33 GMT+7

Đừng "cầm dao đằng lưỡi"

XUÂN TOÀN
XUÂN TOÀN

TT - Việc Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) chính thức cắt hợp đồng với nhà thầu Beijing IWHR Corporation (Trung Quốc) thi công dự án thủy điện Dakr’tih (Đắk Nông) do chậm tiến độ là động thái mạnh mẽ đối với tình trạng “kéo rê” tại nhiều dự án nhà máy điện của nhiều nhà thầu Trung Quốc.

Do nhiều lý do khác nhau nên nhiều trường hợp các nhà thầu nước ngoài dù không đủ năng lực về vốn, công nghệ nhưng vẫn trúng thầu nhiều dự án lớn. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng trong khi chờ sửa Luật đấu thầu, hoàn thiện về khung pháp lý đối với tình trạng trên, giải pháp trước mắt nhằm ngăn chặn nạn kéo rê là doanh nghiệp trong nước, các chủ đầu tư phải tự bảo vệ mình. Và cách làm của CC1, dù là giải pháp bất khả kháng, song cũng đã hạn chế đến mức thấp nhất có thể những thiệt hại về nhiều mặt do nhà thầu gây ra.

Tuy nhiên, để CC1 đưa ra được quyết định trên, doanh nghiệp này đã chặt chẽ ngay từ khi đàm phán ký kết hợp đồng với các điều khoản ràng buộc nên phía nhà thầu đành phải chấp nhận.

Thời gian qua không chỉ riêng trong lĩnh vực xây dựng, ở nhiều lĩnh vực kinh tế khác không ít doanh nghiệp trong nước do không chú trọng ngay từ khâu ký kết hợp đồng, đặc biệt là các điều khoản của phụ lục đi kèm, nên khi xảy ra việc các nhà thầu, đối tác chây ì hay “lật kèo”... đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, chấp nhận ôm phần thiệt về mình.

Bài học xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang Trung Quốc thời gian qua dù đắt giá nhưng vẫn lặp đi lặp lại. Dưa hấu, chuối, vải thiều...và mới đây là khoai mì giá bị rớt thảm hại, thậm chí các loại trái cây, rau phải đổ bỏ khi các đối tác phía Trung Quốc đột ngột ngưng mua hàng hoặc tự ý hạ giá mua.

Một tài xế chuyên chở trái cây từ ĐBSCL sang Bằng Tường (Trung Quốc) cho biết đã chứng kiến nhiều chủ hàng trong nước phải đổ cả xe tải chuối, chôm chôm... trị giá cả trăm triệu đồng do doanh nghiệp Trung Quốc ép giá, cố tình kéo dài thời gian mua hàng. Dẫn đến hệ quả trên hầu hết là do các doanh nghiệp trong nước “nắm đằng lưỡi” trong các thương vụ mua bán. Nhiều doanh nghiệp vẫn quen “buôn hàng chợ”, giao kèo bằng miệng... Rất ít doanh nghiệp quan tâm ký kết hợp đồng, hoặc có hợp đồng cũng không chú ý nhiều đến các điều khoản ứng xử như thế nào khi xảy ra sự cố.

Nền kinh tế đang hội nhập sâu với thế giới trên nhiều lĩnh vực khác nhau, do vậy để tránh những thiệt hại trong giao thương, đầu tư, cách tốt nhất là doanh nghiệp trong nước phải biết tự bảo vệ mình. Chủ động về mặt pháp lý thông qua việc ký hợp đồng với các điều khoản chi tiết, rõ ràng là cách làm tốt nhất để bảo vệ mình.

Từ câu chuyện của CC1, có chuyên gia cho rằng cần có thêm nhiều doanh nghiệp như CC1, tức là doanh nghiệp phải biết “cầm dao đằng cán” để thôi phát sinh những dự án dở dang, thêm nhiều nhà máy đi vào hoạt động đúng tiến độ, hàng hóa được tiêu thụ theo đúng hợp đồng đã ký kết...

Hiệp hội ngành nghề cũng cần có những khuyến cáo, tư vấn cho các doanh nghiệp, thậm chí có thể đưa ra những cẩm nang để làm tốt hơn, phòng tránh những thủ thuật, mưu mẹo mà đối tác nước ngoài áp dụng để kiếm lợi. Đó cũng là cách nâng cao hiệu quả đầu tư không chỉ cho bản thân doanh nghiệp mà cả nền kinh tế.

XUÂN TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên