01/09/2011 07:03 GMT+7

Giáo dục khai sáng

 TS HỒ THIỆU HÙNG
 TS HỒ THIỆU HÙNG

TT - Ngày khai giảng năm học mới đang đến gần. Guồng máy giáo dục sẽ lại được huy động hết công suất cho việc dạy và học. Trong bối cảnh giáo dục “phải đổi mới căn bản và toàn diện” nhằm phục vụ công cuộc đào tạo nguồn nhân lực, tương lai của nước nhà đang được định hình qua tầm vóc trí tuệ và bản lĩnh của thế hệ ngồi trên ghế nhà trường hôm nay. Tầm vóc này phụ thuộc vào mức độ được khai sáng của thế hệ trẻ.

Khai sáng được hiểu là khơi nguồn, tạo điều kiện cơ bản và tiên quyết để con người nhận ra, biết cách khai thác, phát huy các tiềm năng vốn có của mình mà tận dụng các cơ hội trong cuộc sống, giúp người đó sáng mắt, sáng lòng để tìm thấy con đường sống thiện mỹ phù hợp với năng lực và thiên hướng của mình.

Giáo dục khai sáng là cung cấp cho người học những hiểu biết cơ bản, thiết thực với nhu cầu thời đại. Thay vì ra sức tăng thời gian học và cường độ học, nhà trường phải chọn cách “bảo đảm... những tri thức chắc chắn, thiết thực, phù hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ đi những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế” như Bác Hồ đã viết trong thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng ngày 31-10-1955. Rất mong nhà trường chúng ta sẽ sớm thay đổi theo lời dạy trên để học sinh khỏi phải học đến mụ mẫm đầu óc, đến sợ học. Tất nhiên sự thay đổi này phải thể hiện cả trong chương trình học lẫn đánh giá và thi cử.

Ngoài ra, cần khơi dậy lòng ham học, hướng dẫn cách học và tự học. Khẩu hiệu mỗi ngày đến trường là một ngày vui chỉ có thể thành hiện thực khi lòng ham học của học sinh được hình thành và bồi dưỡng trong mỗi môn học, tiết học, giờ hoạt động trong và ngoài nhà trường. Nhà trường không nên tự đặt cho mình và cũng đừng để mình bị áp đặt một mục tiêu đầy tham vọng đối với từng con người là đào tạo họ thành “người phát triển toàn diện” nên cứ phải nhồi nhét kiến thức suốt từ lớp 1 đến khi tốt nghiệp đại học. Đây là tham vọng phi thực tế và phản khoa học.

Nhà trường không có phép nhiệm mầu nào để thay thế con người - chủ thể của phát triển - trong việc tự đào tạo mình suốt đời bởi quy tắc học tập 25/75 cho biết là nhà trường chỉ cung cấp được chừng 25% hiểu biết cần thiết cho con người, 75% còn lại anh ta phải tự tìm kiếm, học hỏi trong đời sống thực tế, phải tự đào tạo suốt đời. Để tránh tình trạng người có học lại thành “thất học” suốt quãng đời sau khi ra trường, nhà trường phải gieo hạt giống ham học suốt đời vào lòng người học, phải hướng dẫn họ cách học và tự học.

Đồng thời nhà trường phải giúp người học biết tư duy độc lập. Thế hệ trẻ Việt Nam dứt khoát phải “con hơn cha”. Vậy nên muốn đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, trước hết phải yêu cầu nhà trường giúp người học biết tư duy độc lập, khuyến khích họ dám hoài nghi “chân lý”, biết đặt câu hỏi, không sợ sai, không sợ trái “bài văn mẫu”. Mọi nền khoa học sẽ trở nên tù đọng, đứng yên rồi chết nếu không có hoài nghi khoa học.

Và cuối cùng, đừng để lãng phí các tiềm năng bẩm sinh của con người. Hầu như người bình thường nào sinh ra cũng đều có tiềm năng trở thành thiên tài. Các tiềm năng bẩm sinh này có thể bị thui chột hoặc nảy nở mạnh mẽ phần lớn dưới ảnh hưởng của giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội. Khoa học cho rằng người bình thường chỉ mới khai thác được chưa quá 1% năng lực của bộ não và chỉ cần huy động được từ 3-5% là đã có thể trở thành thiên tài.

Sự hứng thú, cao hơn nữa là đam mê trong học tập, đó chính là “nút bấm” sẽ khơi nguồn một hay nhiều thế mạnh đang tiềm ẩn nơi người học. “Nút bấm” này phải được gia đình cùng nhà trường và xã hội phát hiện và phát triển.

Khác với khai giảng chỉ diễn ra định kỳ vào một thời điểm nhất định của nhà trường, khai sáng con người là việc làm liên tục, suốt đời, suốt các thế hệ bởi cả ba môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Giáo dục Việt Nam phải thật sự thành nền giáo dục khai sáng.

 TS HỒ THIỆU HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên