Phóng to |
Sáng 19-7, ông Nguyễn Tài Anh, tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 (bìa trái), cùng các đồng nghiệp đến báo Tuổi Trẻ đóng góp 40 triệu đồng cho “Góp đá xây Trường Sa” - Ảnh: T.Đạm |
Là một người lính hải quân gắn bó với Trường Sa từ năm 1975 đến tận 1994, tôi vẫn tự coi mình như một “công dân Trường Sa trọn đời”. Và hôm nay, sau khi đọc xong bài cuối của hồ sơ dài kỳ “Một thời vác đá xây Trường Sa” của Tuổi Trẻ về những đồng đội tôi từ thuở đầu, ký ức của một người lính lại sống dậy, nguyên vẹn, mặn chát.
Ngày ấy, hơn 30 năm trước, chúng tôi ở trên Thuyền Chài - một hòn đảo nhỏ đến nỗi nước lên thì đảo chìm, không có một hạt đất nên không có sinh vật gì sống nổi, chỉ có người lính và những con chim biển. Trung đội sống trong lều lợp bằng một tấm bạt trên những chiếc giường sắt nhiều tầng. Nước rút thì lính nằm tầng thấp, nước lên đến đâu, chuyển tầng đến đấy, nhưng chẳng ai muốn lên tầng cao nhất vì mùi phân chim ở bên trên tấm bạt, và lũ chim quàng quạc quấy rối, rắc rệp vào người.
Thời ấy, đồng đội tôi, một anh lính người miền biển, thô tháp và hồn nhiên, đã đề xuất với thượng tướng tư lệnh hải quân Giáp Văn Cương một ý tưởng kỳ lạ: “Có hòn đảo bé bằng cái lỗ mũi thế này mà kẻ thù cứ rình rập, khổ quá, hay bố cho chúng con giấu đi”. “Giấu là giấu thế nào?”. “Cứ cho chúng con mỗi đứa cái xẻng, chúng con đào cát hất xuống biển, chỉ ba tiếng, không, chỉ tiếng rưỡi là đảo biến mất. Chúng nó có tài thánh cũng chả tìm ra mà chiếm”! Tôi cứ nghĩ thể nào tư lệnh cũng xạc cho cậu ấy một trận vì tội “mất lập trường”, ít nhất là cắt phép. Thế mà ông lấy xuồng bơi ra tàu, rồi quay lại, đưa cho lính mỗi người cái xẻng con: “Tặng cậu đấy, để cậu giấu đảo!”. Người lính đỡ lấy cái xẻng đứng lặng. Cậu ấy tên thật là Tròn. Nguyễn Văn Tròn.
Khi tư lệnh Giáp Văn Cương quay lại đảo để kiểm tra trước khi tàu nhổ neo về đất liền, Tròn đang hì hục xắn từng thớ đá san hô đắp quanh cái doi cát lập lờ chỉ rộng chừng 3 manh chiếu mà lính đảo gọi là “Hotel Thái Dương”, để giữ cho cát khỏi bay. “Mày đang giấu đảo à?”. “Không, con dựng xây bờ cõi bố ạ. Mà đúng ra là chúng con “buông neo” cho Tổ quốc khỏi bị trôi dạt!”. Người lính thì cười, còn tư lệnh thì ứa nước mắt. “Tao biết chúng mày ở đây khổ lắm. Nhưng đây là đất đai hương hỏa ông bà mình, mất đảo là mất biển, mất nước, nên bằng mọi giá bố con mình phải giữ con ạ”. “Vâng, con hiểu. Ở đây khổ mấy chúng con cũng chịu được. Không kẻ nào chiếm được đâu. Bố cứ tin chúng con đi”.
Thuyền Chài và hầu như tất cả các hòn đảo thuộc Trường Sa có sự hiện diện của đồng đội tôi trên đó, hôm nay đều đã có nhà, có những tiện nghi tối thiểu cho cuộc sống. Sóng điện thoại cũng đã phủ, không còn cảnh khắc khoải chờ thư nhà một năm hai lần theo tàu ra đảo nữa. Nhưng tôi vẫn không thể quên “Đảo Chìm” bé nhỏ của chúng tôi.
Tôi vẫn nghĩ Nhà nước cho công binh ra đảo làm nhà cho chiến sĩ ở, chắc chắn là sau những bàn bạc từ báo cáo những chuyến đi đầy nước mắt của người lính già Giáp Văn Cương, sau những câu chuyện không tiền khoáng hậu của ông về những chàng trai chất phác nằng nặc đòi đào cát giấu đảo, rồi lại hì hục nạy san hô lên ngăn cát, “neo cho Tổ quốc khỏi trôi dạt”. Sau những cái chết không tiếng súng của các bạn tôi: chết vì sóng đánh vào đá, chết vì bão biển cuốn phăng khỏi “nhà bạt”... nhưng vẫn bảo vệ được nguyên vẹn đất đai hương hỏa ông cha.
Nhân chương trình “Góp đá xây Trường Sa”, nhân hồ sơ “Một thời vác đá xây Trường Sa”, tôi, một người lính cũ, muốn nhắc lại với các bạn về những hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những hòn đảo mà từ những năm 70-80 của thế kỷ 20, các đồng đội tôi đã hi sinh cả tuổi xuân của mình để neo giữ cái mảnh linh hồn bé xíu ấy của Tổ quốc. Và bây giờ, tất cả chúng ta hãy chung tay góp đá xây dựng nó thành một pháo đài bất khả xâm phạm, một mái ấm cho người lính giữa trùng khơi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận