07/07/2011 05:34 GMT+7

Quá nhiều chuyện phải làm

TRỊNH VĨNH HÀ
TRỊNH VĨNH HÀ

TT - “Ai có kế gì hay thì hãy hiến kế cho chúng tôi đi!”. Bà trưởng Phòng giáo dục mầm non của Sở GD-ĐT Hà Nội đã nói như vậy khi phân trần với báo chí về chuyện “xếp hàng trắng đêm xin học mầm non”.

Có vẻ như ở thời điểm hiện tại, ngành GD-ĐT Hà Nội cũng đã hết cách để giải quyết việc “xếp hàng” của dân khi đã cố gắng xoay xở trong một “chiếc áo chật” về cơ chế, về các điều kiện cải tạo mạng lưới trường lớp.

Phân trần về những nỗ lực của mình, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết mặc dù điều lệ trường mầm non cho phép 35 trẻ/lớp với hai cô giáo phụ trách nhưng nhiều trường mầm non công lập ở Hà Nội đã phải nhận đến 60 trẻ/lớp, cũng chỉ với hai cô giáo phụ trách. Năm học 2010-2011, rồi cả năm học sắp tới, áp lực “phổ cập mầm non 5 tuổi” khiến các trường công lập phải gồng mình nhận đến cả ngàn trẻ, trong khi quy mô thiết kế cho phép chỉ cho 250-300 trẻ.

Chật chội, bức bối trong chiếc áo chật, các trường phải đóng cửa với trẻ 3, 4 tuổi. Lý do quá chính đáng này lại bỗng trở thành kẽ hở cho một số cá nhân, cơ sở mầm non đề ra những quy định khác nhau với phụ huynh có con 3, 4 tuổi.

Bởi luật không bắt trường phải nhận hết trẻ đúng tuyến nên nhiều người dân có hộ khẩu đúng tuyến, có công xếp hàng trắng đêm vẫn bị trật ra ngoài và chỉ còn biết kêu trời, trong khi có những trẻ trái tuyến vẫn được nhận. Một số trường mầm non còn tự đặt ra quy ước bất thành văn là chấp nhận cho một số phụ huynh “đặt chỗ”. Có con mới 1 tuổi nhưng nếu đóng 50% học phí/tháng để giữ chỗ thì đến khi con 3 tuổi sẽ được nhận. Nhiều đứa trẻ mới chập chững biết thế nào là trường lớp đã nghe các bố mẹ thì thào “vào trường này giá bao nhiêu?”.

Ngành GD-ĐT Hà Nội với mong muốn chấm dứt được cảnh ồn ào xếp hàng trắng đêm đã phải chấp nhận cho các trường mầm non chọn giải pháp trật tự hơn nhưng đầy sự may rủi là “bốc thăm lấy phiếu”. Những đứa trẻ lẽ ra phải được hưởng sự công bằng về giáo dục thì số phận lại lệ thuộc vào lá phiếu may rủi đó.

Từ câu chuyện Hà Nội đã lộ ra ít nhiều sự bất cập của việc quy hoạch mạng lưới trường lớp, việc phát triển đô thị không được cân nhắc đến điều kiện học tập của con trẻ. Các đô thị mới được hình thành mà quên mất nhu cầu về học hành, nhiều chung cư cao tầng mọc lên trong nội ô nhưng không tính đến việc các trường học trong địa bàn đã nới hết cỡ mà vẫn không đủ chỗ khi số hộ dân tăng nhanh...

Và không chỉ ở Hà Nội, chuyện người dân phải rồng rắn xếp hàng xin học cũng đã diễn ra tại nhiều đô thị lớn của cả nước như TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng... Không xếp hàng vào trường công thì cũng xếp hàng, thậm chí chạy chọt vào trường điểm, trường chất lượng cao. Ngoài sự bất cập về cơ sở vật chất, khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các trường cũng đang tạo ra những cuộc “chạy trường” gay gắt đến nghiệt ngã!

Xem ra giáo dục có quá nhiều chuyện phải làm mà chuyện nào cũng bức xúc, chuyện nào cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Từ chuyện tuyển sinh người lớn đến tuyển sinh con trẻ, từ sách giáo khoa đến nội dung chương trình, từ chất lượng - phẩm chất đội ngũ giáo viên đến phương pháp giảng dạy, từ mục tiêu - yêu cầu đến triết lý giáo dục... Một chiếc áo đã vừa chật lại vừa rách nhiều chỗ, có vá chỗ này cũng sẽ bục ra ở chỗ khác. Chính vì vậy, đã đến lúc phải có một cuộc cải tổ giáo dục toàn diện và sâu rộng bởi đó là yêu cầu bức bách, là mệnh lệnh tối thượng của cuộc sống này!

TRỊNH VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên