13/06/2011 07:40 GMT+7

Đột phá vào kinh tế biển

PGS.TS BÙI TẤT THẮNG(phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch - đầu tư)
PGS.TS BÙI TẤT THẮNG(phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch - đầu tư)

TT - Năm 2008, Thủ tướng đã phê duyệt đề án “Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của VN đến năm 2020”, theo đó xây dựng 15 khu kinh tế ven biển từ Bắc vào Nam.

Các khu kinh tế ven biển sẽ là những hạt nhân để góp phần hình thành các khu kinh tế năng động, thúc đẩy sự phát triển chung, nhất là đối với các vùng nghèo ven biển.

Đồng thời tạo tiền đề thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài, để phát triển kinh tế biển. Như vậy, sứ mệnh của các khu kinh tế ven biển này là cùng với các TP lớn ven biển tạo thành những trung tâm kinh tế biển mạnh.

Do vậy, các khu kinh tế ven biển được xác định phải đảm bảo đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao, sử dụng hiệu quả quỹ đất, mặt nước và không gian của khu kinh tế ven biển, phát triển bền vững; có tầm nhìn xa, phát triển theo hướng hiện đại; đảm bảo yêu cầu an ninh quốc phòng; có cơ chế, chính sách và mô hình quản lý phát triển cho phép huy động được tối đa mọi nguồn lực cho phát triển.

Những chỉ dẫn nêu trên cần được cụ thể hóa thêm, nhưng đã ít nhiều định hình mô hình phát triển cho các khu kinh tế biển.

Chỉ có điều trên thực tế, khi các địa phương bắt tay vào triển khai thực hiện về cơ bản, chưa có những nghiên cứu sâu các lĩnh vực thế mạnh đặc thù để hướng sự phát triển của mỗi khu vào một số lĩnh vực được chuyên môn hóa, nên có tình trạng một số khu kinh tế có phần hao hao như nhau, chưa chỉ ra được nét hấp dẫn riêng có của mình đối với các nhà đầu tư.

Vì vậy, trong thời gian tới sẽ còn rất nhiều việc phải làm đối với các khu kinh tế này.

Thiếu vốn có thể vay, thiếu khoa học công nghệ có thể mua tuy không dễ, nhưng thiếu nhân lực có kiến thức khoa học công nghệ của chính quốc gia mình không thể vay hay mua được. Bởi thế nên cũng như bất cứ lĩnh vực nào khác, để phát triển kinh tế biển, yếu tố quan trọng hàng đầu vẫn là nhân lực và khoa học công nghệ biển.

Tất nhiên, việc xác định các khu kinh tế tự nó đã hàm nghĩa một sự khác biệt nhất định về thể chế hành chính và thể chế kinh tế đối với phần còn lại của nền kinh tế. Sự khác biệt này được đặt ra nhằm tạo sự hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư.

Chính vì vậy, có những quốc gia trên thế giới coi sự hiện diện của số lượng các công ty hàng đầu thế giới tại các khu kinh tế của họ là một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá mức độ thành công của một khu kinh tế.

Nhưng không chỉ có thể chế hành chính, thể chế kinh tế của riêng khu đó là đủ hấp dẫn các công ty hàng đầu thế giới, mà còn nhiều yếu tố khác nữa, chẳng hạn sự ổn định của chính sách, sự liên kết trong và ngoài khu, vị trí địa lý... Nhưng dù sao yếu tố đột phá về thể chế luôn được các chuyên gia cho là yếu tố có trọng số cao nhất.

PGS.TS BÙI TẤT THẮNG(phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch - đầu tư)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên