18/05/2011 08:25 GMT+7

Để thoải mái... đóng thuế

ÁNH HỒNG ghiNGUYỄN THÁI SƠN (nguyên trưởng phòng thuế thu nhập cá nhân Cục Thuế TP.HCM)
ÁNH HỒNG ghiNGUYỄN THÁI SƠN (nguyên trưởng phòng thuế thu nhập cá nhân Cục Thuế TP.HCM)

TT - Từ năm 2004 quy định khấu trừ 10% với các khoản thu nhập từ 500.000 đồng trở lên đã bất cập, gây rất nhiều phiền toái cho người nộp thuế. Thế nhưng, đến nay quy định này vẫn được duy trì vì xét về góc độ quản lý có lợi cho cơ quan thuế, đảm bảo thu đủ tiền thuế của người làm công ăn lương, nhất là những lao động tự do có thu nhập từ nhiều nơi.

Theo quan điểm của Bộ Tài chính, đặt mức thu thấp như trên có lý do là để người dân làm quen với việc đóng thuế thu nhập cá nhân. Nếu thu nhập chưa đến mức chịu thuế, cuối năm người lao động sẽ được hoàn thuế. Nhưng trên thực tế có bao nhiêu phần trăm người lao động lấy lại được tiền hoàn thuế trong điều kiện thủ tục hoàn thuế quá nhiêu khê, phức tạp? Hơn nữa, tại sao người nộp thuế không được sử dụng ngay số tiền của mình mà phải chờ đợi cả năm sau? Chưa kể họ còn bị cơ quan thuế “đá qua đá lại”, bị thiệt thòi vì những quy định bất cập như quy định về giảm trừ gia cảnh...

Người làm công ăn lương chịu thiệt thòi rất nhiều so với người kinh doanh do không được trừ toàn bộ chi phí tạo ra thu nhập mà thu nhập cứ trên 4 triệu đồng là phải nộp thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Trong bối cảnh chưa kiểm soát được hết nguồn thu nhập của người nộp thuế như hiện nay, ngành thuế chọn cách tập trung vào những khoản dễ thu nhất, đó là tiền lương tiền công. Các khoản thu từ nguồn này chỉ là nho nhỏ, nhưng nhiều khoản nhỏ cộng lại thành khoản thu lớn.

Quan điểm này khác hoàn toàn với quan điểm hành thu của các nước tiên tiến. Tôi từng hỏi ông Kenichiro Otake - nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nhật Bản - rằng Nhật Bản có thất thu thuế không? Ông không ngần ngại trả lời rằng có nhưng đó chỉ là những khoản thu nhỏ, không đáng kể. Ông cũng nói thẳng rằng tại sao phải đổ công sức, tập trung vào thu thuế những người thu nhập thấp trong khi chỉ cần thu đủ thuế của đối tượng thu nhập cao đã dư sức bù đắp những khoản thất thu này, bộ máy hành thu vì thế cũng gọn nhẹ, chẳng bao giờ lâm vào tình cảnh quá tải như tại VN.

Từ kinh nghiệm của các nước, tôi nghĩ rằng trong giai đoạn đầu thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân, nên nghiên cứu sửa đổi sao cho người nộp thuế cảm thấy thoải mái hơn khi đóng thuế. “Thoải mái” ở đây còn bao hàm ý nghĩa hãnh diện, tự hào vì được góp sức mình vào xây dựng đất nước. Theo tôi, nên hạ mức thuế suất (hoặc tăng mức giảm trừ gia cảnh) và tăng độ giãn giữa các bậc thuế suất, đặt mục tiêu kiểm soát được nguồn thu cao của người nộp thuế có thu nhập cao, sau đó mới nghĩ đến việc điều tiết thuế ở mức cao hơn. Bỏ con tép nhỏ để bắt được con tôm lớn. Ngược lại, không nên tận thu quá mức từ đối tượng thu nhập thấp sẽ triệt tiêu động lực phấn đấu, dễ dẫn đến những tiêu cực như tìm kẽ hở để trốn thuế.

ÁNH HỒNG ghiNGUYỄN THÁI SƠN (nguyên trưởng phòng thuế thu nhập cá nhân Cục Thuế TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên