Trách nhiệm của trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương được chỉ rõ ở vai trò quyết định cảnh báo và chỉ đạo thực hiện các biện pháp ứng phó với các tình huống lũ, lụt và xử lý những tình huống cấp bách ảnh hưởng đến an toàn hồ và hạ du vượt quá khả năng xử lý của địa phương và bộ, ngành. Trường hợp các hồ xả lũ khẩn cấp hoặc xảy ra sự cố bất thường phải báo cáo Thủ tướng.
Tương tự, trách nhiệm của các bộ trưởng: Công thương, Tài nguyên - môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng được xác lập liên quan đến từng công việc cụ thể trong việc xả những túi nước khổng lồ vốn gây quan ngại về an toàn dân sinh cho vùng hạ du, nhất là vào mùa lũ. Trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị quản lý, vận hành các hồ thủy điện cũng được xác lập, chẳng hạn như trước khi mở các cửa đầu tiên để xả nước đón lũ phải thông báo trước ít nhất hai giờ cho các cơ quan thẩm quyền của trung ương và địa phương, kể cả lực lượng cứu hộ cứu nạn.
Điều đáng quan tâm hơn cả là việc xác định trách nhiệm trong những trường hợp làm trái, làm sai quy trình dẫn đến những tình cảnh khốn khổ của người dân vùng hạ du, gây đảo lộn cuộc sống của họ, kể cả làm mất an toàn các công trình liên quan. Quy định nêu rõ như sau: lệnh vận hành các hồ PleiKrông, Ialy, Sê San 4 điều tiết lũ trái với các quy định theo quy trình đã có dẫn đến công trình đầu mối, hệ thống các công trình thủy lợi, giao thông và dân sinh ở hạ du bị mất an toàn thì người ra lệnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hay việc thực hiện sai lệnh vận hành dẫn đến hạ du bị mất an toàn thì giám đốc đơn vị quản lý, vận hành hồ liên quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Những quy định cụ thể, việc chỉ đích danh các địa chỉ chịu trách nhiệm nêu trên ra đời khiến nhiều người nhớ đến những trận lũ lịch sử ở miền Trung cách đây chưa lâu. Khi đó cuộc sống của biết bao gia đình bị đảo lộn trong chớp mắt, nhiều tài sản, kể cả mạng người bị mất mát song họ không biết vì sao nước lũ đổ về một cách khủng khiếp như vậy, mà nói như nhiều người là chưa từng thấy trong đời.
Nhiều cuộc tranh luận nổ ra trong việc truy tìm nguyên nhân gây lũ lớn bất thường, đột ngột và xác định trách nhiệm trong việc xả một khối lượng nước khổng lồ của các hồ chứa nước làm thủy điện. Phía giới chức có người nói rằng “việc các thủy điện thời gian qua khi có bão lũ lớn phải xả lũ khiến hạ nguồn ngập nặng cũng là bất khả kháng”. Còn các nhà khoa học lại cho rằng phải di dời dân khẩn cấp rồi mới xả lũ, chứ không thể xả lũ trước rồi mới nói rằng xả là hợp lý, xả vì bất khả kháng.
Lần này lại khác, kể từ đây Thủ tướng đã quy định rõ ràng là phải thông báo trước ít nhất hai giờ mới được mở cửa xả nước. Hay trường hợp phải xả lũ khẩn cấp phải báo cáo Thủ tướng... Nếu ai không tuân thủ điều này nghĩa là đã làm sai, mà đã sai thì có địa chỉ chịu trách nhiệm, chứ không phải là trách nhiệm chung chung kiểu “tôi và chúng ta” như lâu nay và luôn xảy ra những tranh luận ai phải chịu trách nhiệm về những sự việc xảy ra, nhất là đối với những việc gây tổn hại đến quyền và lợi ích của người dân.
Trên thực tế, đằng sau những cuộc tranh luận như vậy ít khi tìm được một hay vài địa chỉ chịu trách nhiệm trước dân, trước những người liên quan và các thiệt hại mà người dân phải gánh chịu. Cuối cùng những người gánh chịu thiệt thòi trong nhiều trường hợp xảy ra sự cố hay những việc làm sai trái lại là đông đảo người dân.
Khi mà tình trạng nhập nhằng, mù mờ trách nhiệm còn diễn ra ở không ít lĩnh vực, khi mà yêu cầu lập lại trật tự trong khai thác và vận hành các hồ thủy điện từ Bắc chí Nam trở nên cấp thiết, thì việc xác định những địa chỉ chịu trách nhiệm rõ ràng như trong quy định xả nước các hồ chứa thủy điện, lại càng có ý nghĩa thực tiễn hơn, dễ dàng nói chuyện với nhau hơn khi xảy ra thiệt hại cho cộng đồng. Chỉ khi những địa chỉ chịu trách nhiệm được chỉ rõ thì tinh thần trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu mới thật sự được đề cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận