26/02/2011 10:25 GMT+7

Hai cách cắt giảm chi tiêu công

HUỲNH THẾ DU
HUỲNH THẾ DU

TT - Một trong những yêu cầu của Chính phủ trong nghị quyết “Về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội” là “các bộ, cơ quan, địa phương chủ động sắp xếp lại các nhiệm vụ chi để tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của chín tháng còn lại trong dự toán năm 2011”.

OT0D1R56.jpgPhóng to
Những giải pháp vĩ mô sẽ giúp ổn định đời sống của người dân - Ảnh minh họa

Đây là một việc làm hết sức cần thiết. Tuy nhiên, ngay bây giờ cần phải làm rõ hai vấn đề then chốt là số cắt giảm cụ thể là bao nhiêu và cắt giảm như thế nào.

Cần xác định rõ con số cắt giảm. Theo dự toán ngân sách năm 2011, phần chi thường xuyên của cả năm là 506.000 tỉ đồng. 10% của chín tháng (tính bình quân) sẽ là 38.000 tỉ đồng. Đây là một mức cắt giảm đáng kể. Tuy nhiên, có hai yếu tố có thể làm con số này thấp đi rất nhiều.

Thứ nhất, trong nghị quyết của Chính phủ thì các cơ quan được nhắc đến chỉ là các cơ quan thuộc quyền điều hành của chính phủ mà không rõ các cơ quan khác có sử dụng ngân sách nhà nước có bao gồm không.

Thứ hai, trong các dự toán chi tiêu ngân sách thường chỉ là dự toán theo năm và dường như không có dự toán theo tháng. Điều này hoàn toàn có thể là cái cớ để một số đơn vị chạy ngân sách bằng cách tăng cường “ghi chi” trong quý 1.

Để hạn chế vấn đề nêu trên, có lẽ trong hướng dẫn thi hành của Thủ tướng hay của các bộ ngành liên quan (có lẽ là Bộ Tài chính) cần phải xác định con số cắt giảm một cách cụ thể và rõ ràng.

Nên cắt giảm như thế nào? Để giảm được 10% chi tiêu thường xuyên có thể áp dụng một trong hai cách thức là (1) tất cả các cơ quan đều phải có một mức cắt giảm giống nhau là 10% hay (2) tùy thuộc vào đặc thù mà mỗi cơ quan được yêu cầu có một mức cắt giảm khác nhau.

Cách thức thứ nhất là rất dễ thực hiện vì nó không cần phải xác định đó là khoản chi tiêu dự kiến mấy trăm tỉ cho việc trồng cây hai bên đường hay chi tiêu của một đơn vị đang cung cấp một dịch vụ hành chính ở trạng thái quá tải. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là sự bất hợp lý. Nếu nhìn vào hai khoản chi tiêu nêu trên thì thấy rất rõ điều này.

Ngược lại, ưu điểm của cách thức thứ hai là tính hợp lý và gia tăng hiệu quả cho toàn xã hội nếu được triển khai tốt. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là rất khó thực hiện vì trong nhiều trường hợp, dường như không thể xác định được sự khác nhau về tầm quan trọng cũng như tính cấp thiết trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Cách thức thứ hai chỉ có thể khả thi khi có tính tự nguyện của từng đơn vị hay cá nhân rất cao. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu của mỗi cơ quan. Nếu chỉ vì lợi ích của riêng cơ quan hay quyền lợi cá nhân, thì trong rất nhiều trường hợp khó mà để yêu cầu các cơ quan cắt giảm cao hơn mức bình quân chung. Hơn thế, tiêu cực xảy ra giữa các đoàn thanh tra và các đơn vị “được” thanh tra là điều khó tránh khỏi.

Tóm lại, để mục tiêu cắt giảm 10% chi tiêu thường xuyên trong chín tháng còn lại của năm 2011 có thể trở thành hiện thực, cần phải làm rõ các điểm dễ bị “lách” cùng một quyết tâm rất lớn của các cơ quan cũng như cá nhân liên quan.

HUỲNH THẾ DU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên