Thác Cam Ly bốc mùi hôi“Ba Bò” của Đà Lạt!
“Đà Lạt ơi, có nghe chăng Cam Ly...”. Thác nước là tác phẩm nghệ thuật trời đất tạo ra và khó sinh thêm. Thác nước quý hóa đến độ ở nhiều nơi người ta còn làm hòn giả sơn, hòn non bộ mà tạo thác nước giả để thỏa mãn cảm xúc.
Rất nhiều dòng thác đã trở thành “phim trường” cho nền điện ảnh VN suốt bao năm nay và niềm cảm hứng cho các nghệ thuật khác như hội họa, âm nhạc, thơ văn, nhiếp ảnh...
Thác nước là thứ phúc lợi tinh thần mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Ở Tây nguyên, nhiều dòng thác đã sừng sững trong các sử thi, thành tâm linh, giá trị tinh thần, từ tận thời các sắc dân bản địa chưa có chữ viết. V
ậy mà đùng một ngày dòng thác hùng vĩ nhất Tây nguyên là thác Dray Sáp trên sông Sêrépôk không còn nước chảy qua, thân thác thành hang động, du khách đến nhìn chỉ biết lắc đầu. Tương tự là số phận của hàng loạt dòng thác diễm lệ nổi tiếng khác như Diệu Thanh, Gia Long, Trinh Nữ ở Đắk Nông, Dray Nu ở Đắk Lắk, Ialy, Sêsan ở Gia Lai và Kon Tum, Gougah, Pongour, Damrông, Dachamo ở Lâm Đồng...
Thực tế còn hàng chục dòng thác khác nằm ở vùng sâu vùng xa, trong rừng, nhiều dòng có tên, nhiều dòng chưa kịp có tên... cũng đã bị biến dạng vì thủy điện. Nhiều trong số những dòng thác ấy vốn là thắng cảnh được xếp hạng quốc gia.
Nhưng ngoài những con thác bị mất đi vì thủy điện, còn có thác ngoắc ngoải vì chính... du lịch. Cựu phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Lâm Đồng Trần Cảnh Đào từng phát biểu khi ông còn đương chức về một hiện tượng gọi là ”vắt chanh” thắng cảnh.
Ở đó, mỗi doanh nghiệp khi được giao (thuê) thác để làm du lịch là lập tức họ biến cái phúc lợi thiên nhiên của toàn dân thành “của riêng”: tập trung bán vé tham quan lấy tiền mà không đầu tư chăm nom. Lại còn có chuyện như thác DamB’ri nổi tiếng ở TP Bảo Lộc khi rơi vào tay tư nhân lập tức bị “chủ thác” gây khó dễ, cản ngại không để ngành văn hóa lập hồ sơ xếp hạng thắng cảnh quốc gia... để họ khỏi bị chi phối bởi Luật di sản, dễ dàng xây dựng công trình trong không gian cảnh quan thác.
Còn với thác Cam Ly ở Đà Lạt, suốt mười năm qua về mùa khô gần như chỉ tồn tại bằng nước cống đô thị thay vì nước suối tự nhiên, mà nguyên nhân chính là do phát triển đô thị theo kiểu “rơi tự do”: cho thoải mái lấp hết ao hồ, khe lạch, cất nhà, lập phố, phân lô ngay trên lưu vực của hệ thống suối bên trên và rừng thông nội ô (mới ngày nào được xem là “thành phố trong rừng”) tiếp tục teo tóp.
“Đà Lạt ơi, có nghe chăng Cam Ly...”. Những ngày này, có du khách nào vào thăm Cam Ly cũng chợt rùng mình vì sự biến dạng khủng khiếp của dòng thác này. Như bao dòng thác xinh đẹp khác, đừng bảo nước thác chỉ đổ xuống dòng sông mà nó còn đổ vào tâm hồn du khách và nhắc nhớ trách nhiệm của con người đối với sự tồn vong của nó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận