Phóng to |
Đánh vật với sóng, gió biển để cột dây lai dắt tàu QNg-66478 TS trở về đất liền sau những ngày “sóng gió” ở Hoàng Sa - Ảnh: T.Vũ |
Một ngư dân từng vẫy vùng sóng nước trên đại dương như Mai Phụng Lưu lẽ ra phải tiếp tục được bám biển, đưa con tàu đạp sóng ra khơi trên vùng lãnh hải của Tổ quốc nhưng nay phải chịu “bó gối” nơi quê nhà.
Thật tiếc vì biển đã tạm vắng một ngư dân lão luyện, can trường.
Nhiều câu hỏi được đặt ra bởi sau những tai ương trên biển, ngỡ tưởng khi về lại quê nhà sẽ có ngay “bàn đạp” để tiếp sức vượt sóng ra khơi, thì “sói biển” Mai Phụng Lưu lại rơi vào cảnh bi đát: tàu bị xiết nợ.
“Sói biển” nằm bờNhững ngày cơ cực trên biểnNước mắt trùng phùng |
Giấc mơ, niềm hi vọng ra Hoàng Sa của “sói biển” Mai Phụng Lưu chịu cảnh dang dở. Câu chuyện nằm bờ của “sói biển” Mai Phụng Lưu đã đặt ra vấn đề cấp bách là sớm tìm cách đưa chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển đi vào cuộc sống một cách nhanh gọn và linh hoạt hơn. Thật ra một vài chính sách hỗ trợ ngư dân đã có nhưng chưa kịp thời, nhiều khi còn lúng túng, bị động.
Đến nay, ngư dân gặp khó như Mai Phụng Lưu đã được sự hỗ trợ từ chính quyền để có thể sống qua những ngày khó khăn. Đó là được tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ gạo, được một vài cá nhân, đơn vị giúp đỡ ít vật chất để tạm trang trải cuộc sống “sau bão”. Nhưng cái mà những ngư dân mất tàu như Mai Phụng Lưu bây giờ cần hơn là phương tiện, là công cụ lao động để được tiếp tục hành nghề, tiếp tục đeo bám biển: cần một con tàu, cần bộ ngư lưới cụ...
Không phải ngư dân nào lâm nạn cũng nhận được hỗ trợ này, “sói biển” Mai Phụng Lưu là trường hợp cụ thể cần phải hỗ trợ để biển Việt Nam không bỏ phí một công dân tiêu biểu như ông trên biển. Chính quyền tỉnh Quảng Ngãi cho biết đang phải xem xét do tàu của ông Lưu có vi phạm một số quy định của Nhà nước về điều kiện hỗ trợ ngư dân. Như vậy, ngư dân Mai Phụng Lưu có cơ hội ra biển hay không vẫn còn phải... chờ.
Nhìn rộng ra, những vi phạm của ông Lưu dẫn tới không được hỗ trợ như tự nâng công suất tàu, không đăng ký đăng kiểm... là rất phổ biến trong ngư dân, thậm chí thuộc về thói quen làm ăn của họ trên biển.
Không ít ngư dân coi việc tàu nhỏ được gắn máy lớn để đánh bắt xa bờ là bình thường, nhưng như thế khi xảy ra chuyện thì ngư dân khó được nhận hỗ trợ từ chính quyền. Tồn tại này không thể không nói đến vai trò của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, hội ngành nghề... khi hỗ trợ chưa đến nơi đến chốn trong việc giúp ngư dân điều chỉnh cung cách làm ăn phù hợp, khi hữu sự có thể nhận được hỗ trợ để bám biển.
Chuyện bám biển nơi khơi xa ngày nay không chỉ là con tàu, lòng dũng cảm của ngư dân mà cần thêm nhiều yếu tố khác, kể cả dần điều chỉnh cung cách làm ăn bấy lâu nay của ngư dân. Chắc chắn nếu chính quyền, hội ngành nghề vào cuộc mạnh mẽ hơn, góp tiếng nói để ngư dân trang bị hành trang ra khơi tốt, bài bản thì chuyến đi biển của họ sẽ hiệu quả hơn. Trường hợp có sự cố, chính quyền cũng thuận lợi hơn khi áp dụng các chính sách hỗ trợ để ngư dân tiếp tục bám biển.
Câu chuyện của “sói biển” Mai Phụng Lưu chính là lời nhắc nhở, để ngư dân bám ngư trường xa, còn nhiều việc phải làm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận