28/10/2010 07:26 GMT+7

Những ngày cơ cực trên biển

ĐĂNG NAM - TẤN VŨ
ĐĂNG NAM - TẤN VŨ

TT - Mặc dù đã về đất liền nhưng chín ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) vẫn chưa hết bàng hoàng về những ngày khốn khó và cơ cực trên biển. “Giờ về đến được quê nhà rồi nhưng lòng vẫn cứ nau náu ở Hoàng Sa", thuyền trưởng Mai Phụng Lưu nói.

kkSqfERY.jpgPhóng to

Ngư dân tìm cách đánh vật với sóng, gió biển để cột dây lai dắt tàu QNg-66478 TS trở về đất liền sau những ngày “sóng gió” ở Hoàng Sa - Ảnh: T.Vũ

17g ngày 25-10, dù đã yên vị trên boong tàu cứu hộ 6006 thuộc lực lượng cảnh sát biển VN, vậy mà thi thoảng lão ngư Nguyễn Đáng (70 tuổi) vẫn giật mình. Cái giật mình của một người từng “ăn sóng nằm gió” suốt 40 năm đi biển đủ hiểu rằng ông vừa trải qua những thời khắc cơ cực đến thế nào.

Đôi tay run run, ông Đáng cầm cốc rượu nhấp môi rồi buông một câu: “Đường đi đã trắc trở lại gặp phải lòng người trắc trở hơn”. Nói rồi ông thò đầu ra cabin, phía sau đuôi tàu cứu hộ, chiếc tàu cá QNg- 66478 TS xác xơ, bé tẹo như chiếc lá cuối mùa trên biển.

Bữa cơm ấm lòng

Đêm 25-10, trong bữa cơm đầu tiên trên tàu cảnh sát biển, các ngư dân đã kể với phóng viên Tuổi Trẻ về những tháng ngày hãi hùng trên chuyến ra khơi đầy sóng gió và bất trắc. Cầm chén cơm run run trên tay, lão ngư Nguyễn Đáng chưa hết bàng hoàng nhớ lại: “Khi thấy tàu mang cờ VN mình chạy đến, chúng tôi mới nghĩ là mình còn sống. Anh em trên tàu nhảy tung lên, hò reo sung sướng...”.

Ông Đáng tâm sự sau gần một tháng rưỡi lưu lạc trên biển, đây là bữa cơm đầu tiên ông no bụng. Bữa cơm có canh rau ấm cúng như trong chính gia đình mình. Những ngày trôi giạt lênh đênh trên biển đã khiến sức khỏe các ngư dân bị suy kiệt. “Tôi già rồi ăn ít không sao, mấy đứa trẻ đói làm sao chịu nổi. Nhìn chúng đói phờ phạc mà nhói cả lòng” - ông Đáng nhớ lại.

Thấu hiểu những thiếu thốn của các ngư dân trong những ngày bị trôi giạt trên biển, thượng tá Lý Ngọc Minh, phó chỉ huy trưởng cảnh sát biển Vùng 2, liên tục gọi đầu bếp mang thức ăn lên bàn. Ngư dân Dương Dũng rưng rức: “Hơn một tháng rồi em mới thấy ngọn rau xanh. Lên tàu của mình là hạnh phúc rồi, như được về nhà anh ơi!”. Nhưng người “thấm thía” nhất trong số chín ngư dân có lẽ không ai khác chính là thuyền trưởng Mai Phụng Lưu.

120 giờ trôi giạt trên biển

xnnwJ1r6.jpgPhóng to
Sau 45 ngày trôi giạt vì bão biển và bị tạm giữ, tàu cá QNg-66478 TS bị hư hỏng hoàn toàn (ảnh chụp trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa) - Ảnh: Đ.NAM

Được mệnh danh là “sói biển” nhờ những kinh nghiệm đi biển dày dạn của mình, vậy mà “sói biển” Mai Phụng Lưu cũng đã có lúc quỵ ngã.

Ông Lưu nhớ lại: 13g ngày 11-10, bốn cha con ông cùng năm ngư dân lên tàu, tháo dây rời đảo Phú Lâm cấp tốc về quê. Nhưng khi rời đảo đâu chừng được 3 hải lý thì tàu đột ngột chết máy. Kiểm tra kỹ lại mới hay lốc máy tàu bị nước biển ngâm nhiều ngày nên xảy ra sự cố. Cả tàu khi ấy ngao ngán nhìn nhau, còn “sói biển” Mai Phụng Lưu như sụp xuống.

“Toàn bộ tài sản của gia đình tui dốc đổ hết vào con tàu đó rồi, giờ vứt nó lại thì có về quê cũng không còn nhà mà ở, bởi lấy gì mà sinh sống, mà trả nợ ngân hàng” - nhắc đến chuyện đó mắt ông Lưu đỏ hoe.

Quyết trở về bằng mọi giá, ông Lưu bàn với lão ngư Nguyễn Đáng lột phần mái che tàu, lấy hết chăn màn rồi căng thành buồm, lợi dụng sức gió thổi mà giong buồm về quê. Vậy là người bện (đan) dây, kẻ cột buồm, chiếc tàu cá QNg-66478 TS xoay mũi hướng về đất liền. Nhưng không có định vị, máy Icom liên lạc cũng không còn, biển lại đang có gió mùa nên dù có giỏi nhìn hướng gió đến mấy, cả lão ngư Nguyễn Đáng và “sói biển” Mai Phụng Lưu cũng không thể nào điều khiển con tàu theo ý muốn.

“Chỉ được vài giờ sau đó thì tàu bắt đầu trôi giạt. Khi thì nó trôi lên phía bắc, lúc trôi xuống phía nam. Mấy anh em trên tàu coi như số phận vậy là đã an bài rồi. Chỉ thương mấy đứa nhỏ tuổi còn quá trẻ” - ông Đáng kể. Bùi Văn Hải (18 tuổi, con rể ông Lưu) thủ thỉ: “Ngồi trên tàu mà thương cho vợ ở nhà mới mang bầu tới tháng thứ hai”.

“Tàu trôi giạt tự do hơn 35 hải lý. Cuối cùng mấy anh em tui mới tìm cách đưa tàu giạt vào một bãi nổi chờ tàu đi qua cứu. Khi ấy trên tàu chỉ còn lại đúng một bao gạo với một ít muối. Gió mỗi lúc một săn (lớn) mà trên tàu không còn lấy một dây mũi neo. Khi ấy anh em đã xác định là chết” - ông Lưu nói.

Còn lão ngư Nguyễn Đáng bảo: “Anh em trên tàu phải nấu cháo cầm hơi vì để dành gạo và nước. Không ai dám rửa mặt, đánh răng. Neo đến ngày thứ 4 thì tụi tui phát hiện phía trước có hai chiếc tàu hàng đang thả neo. Mừng quá, mấy đứa nhỏ mới thả thúng xuống bơi đến xin cứu giúp. Nhưng khi thấy có người đến, cả hai tàu đều kéo neo lên, di chuyển đi nơi khác. Nghĩ lại thấy họ tệ thiệt. Mấy ai đi biển mà đối xử vậy đâu”.

Sau hơn năm ngày trôi giạt trên biển với đói, khát và hoảng loạn, cuối cùng tàu tuần tra Trung Quốc đã tìm gặp chiếc tàu cá QNg-66478 TS trong tình cảnh tả tơi. Họ lai dắt đưa tàu về âu thuyền rồi yêu cầu neo đậu ở đó.

“Giờ về đến được quê nhà rồi nhưng lòng vẫn cứ nau náu ở Hoàng Sa. Suốt mấy đời ông cha mình ra đó kiếm con tôm, cái cá... giờ mình cũng phải thế chứ. Sau chuyến này về sửa sang lại tàu, bọn tui cũng sẽ trở lại Hoàng Sa tiếp!”, giọng ông Lưu đầy chân tình.

Hôm gặp các ngư dân trở về từ Hoàng Sa, ngay chân cầu cảng Dung Quất, ông Cao Khoa, phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đã ân cần động viên các ngư dân: “Hoàng Sa là của VN, là ngư trường truyền thống đánh bắt lâu đời của nhân dân ta... Chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ hết mình để các ngư dân bám biển”. Câu nói của vị lãnh đạo tỉnh khiến chín ngư dân thêm ấm lòng.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Xúc động đón 9 ngư dân Lý Sơn về đến đất liền9 ngư dân Lý Sơn đang trên đường trở về"Chúng tôi khóc khi thấy cờ Tổ quốc" Hôm nay 9 ngư dân Lý Sơn trở vềCuộc gọi từ Hoàng SaNước mắt trùng phùng

ĐĂNG NAM - TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên