25/10/2010 08:02 GMT+7

"Chúng tôi khóc khi thấy cờ Tổ quốc"

V.HÙNG - H.KHÁ - V.Q.CẦU
V.HÙNG - H.KHÁ - V.Q.CẦU

TTO - Như vậy là sau 44 ngày đêm bị giam giữ và mắc kẹt do gió bão, cuối cùng, 9 ngư dân Lý Sơn đã nhìn thấy cờ Tổ quốc trên tàu Cảnh sát biển. Họ đã mừng rơi nước mắt, theo tường trình từ Hoàng Sa của PV Tuổi Trẻ.

9 ngư dân Lý Sơn đang trên đường trở về

aihy36fS.jpgPhóng to
4i3Rweif.jpg
uPzZg3qt.jpg
aihy36fS.jpgPhóng to
4i3Rweif.jpg
uPzZg3qt.jpg
8xXtwUuL.jpgPhóng to
Những đôi mắt đất liền vẫn ngong ngóng về phía biển chờ đợi người thân - Ảnh Đoàn Cường

14g chiều 25-10, 2 phóng viên Tuổi Trẻ đã có mặt trên tàu Cảnh sát biển ở vùng biên Hoàng Sa (VN) để đón chín ngư dân Lý Sơn sau 44 ngày sóng gió.

16g30. Ngày 24-10. Báo Tuổi Trẻ nhận thông tin từ Sở chỉ huy Cảnh sát biển vùng 2 cho biết sẽ xuất phát ngay trong đêm để lên đường ra đảo Hoàng Sa (VN) làm nhiệm vụ đón 9 ngư dân trên tàu QNg 66478 của thuyền trưởng Mai Phụng Lưu.

16g45. Tại cảng Tiên Sa. Tàu đã nhận lệnh sẵn sàng.

17g. Tàu cảnh sát biển 6006 bắt đầu nhổ neo rẻ sóng hướng ra biển đông, quần đảo Hoàng Sa ở tọa độ 16 độ 30 kinh Bắc, 111 độ 06 kinh Đông.

19g30. Tàu vượt ra cửa biển. Các con sóng lớn dội vào thân tàu dồn dập khiến con tàu lắc lư trong đêm tối mênh mông ở biển khơi.

21g. Sóng biển lại bình yên, mặt nước hiền hòa trở lại. Tàu cảnh sát biển 6006 đạt tốc độ trên 10 hải lý/giờ. Khuya, trăng lên cao, sóng biển hiền hòa, con tàu rẽ sóng vút trong đêm.

6g30. Tiếng chuông quen thuộc vang lên, tất cả thủy thủ đoàn tập hợp xuống boong tàu ăn sáng để chuẩn bị một ngày làm việc căng thẳng.

9g. Tàu cảnh sát biển tiến vào quần đảo Hoàng Sa (VN).

9g10. Bất ngờ trên mặt nước xuất hiện một vật khá lớn. Thuyền phó tàu cảnh sát biển, thiếu úy Doãn Đoàn Hồng Sơn quan sát qua ống nhòm cho biết đó là gỗ trôi từ tàu hàng trên biển.

10g27. Hai bên mạn tàu là nhiều vật dụng trôi lềnh bềnh trên biển, có cả giày dép và nhiều phao nổi. Theo lệnh của chỉ huy, con tàu giảm tốc độ còn 7,3 hải lý để tìm kiếm có người bị nạn hay không và cũng để đúng thời gian hẹn với phía Trung Quốc.

12g30. Tàu cảnh sát biển đến tọa độ 16 độ 28 phút 45 giây phía bắc, 110 độ 54 phút 30 giây phía đông. Tốc độ tàu đạt 7 hải lý/giờ và cách vị trí tiếp nhận 9 ngư dân cùng tàu cá là 11 hải lý. Tất cả các cán bộ, chiến sĩ và mọi người trên tàu đều trong tư thế sẵn sàng. Ai cũng nôn nao.

13g25. Một chấm trắng xuất hiện xa xa trên biển mênh mông.

13g30. Chấm trắng được xác định là tàu ngư chính Trung Quốc mang số hiệu 46013. Từ cabin, qua ống nhòm chúng tôi thấy phía đuôi tàu 46013 là tàu cá QNg 66478 đang được lai dắt.

13g45. Cán bộ, chiến sĩ trên tàu cảnh sát biển đã chuẩn bị mọi công tác cho việc tiếp nhận tàu và ngư dân. Ai cũng làm việc nhiệt tình và phấn khởi.

13g50. Tàu canô của tàu cảnh sát biển được lệnh thả xuống biển chuẩn bị cho việc tiếp cận tàu ngư chính để tiếp nhận ngư dân đưa lên tàu. Chúng tôi quan sát thấy những ngư dân trên tàu cá QNg 66478 đều đứng trên boong tàu.

14g. Tiếng còi tàu cảnh sát biển kéo ba hồi dài liên tục. Một thủ tục chào thường thấy của các tàu trên biển.

14g10. Tàu canô của cảnh sát biển đã tiếp cận được tàu ngư chính 46013. Đoàn trên canô gồm 8 người, trong đó chỉ huy tàu, thượng tá Lý Ngọc Minh - đại diện lực lượng cảnh sát biển VN bước lên tàu ngư chính 46013.

14g20. Tàu ngư chính Trung Quốc tháo dây kéo tàu cá QNg 66478. Các ngư dân mừng rỡ khôn xiết ôm chầm lấy các chiến sĩ cảnh sát biển như là người nhà. Thuyền trưởng Mai Phụng Lưu vui mừng cho biết, tối 24-10, ở trên tàu cá nghe đài tiếng nói VN phát bản tin thông báo được tàu cảnh sát biển ra tiếp nhận, mọi người đều reo mừng trong niềm vui và hạnh phúc.

14g30. Việc tiếp nhận 9 ngư dân và tàu cá QNg 66478 hoàn tất. Tàu cảnh sát biển lại hú ba hồi còi tàu.

14g45. Lương thực, thuốc men, quần áo từ tàu cảnh sát biển chuyển sang cho 9 ngư dân và tàu cá. Hai trong số 9 ngư dân có sức khỏe yếu nhất được chuyển sang chăm sóc tại tàu cảnh sát biển. 7 người còn lại trên tàu cá.

Những ngày sóng gió

"4g chiều ngày 11-9, nghe có tin bão chúng tôi cho tàu chạy từ ngoài biển vào khu vực đảo Phú Lâm trú ẩn. Lúc tàu đến gần đảo thì bị tàu Trung Quốc bắt giữ. Sau mấy chục ngày bị giam giữ đến ngày 11-10 mới nghe tin được thả về, nhưng khi xuống tàu mới phát hiện máy móc hỏng nhiều bộ phận do bị nước biển ăn mòn.

Biết máy hỏng hóc thế không an toàn do máy ICOM đã bị thu nhưng không còn đường nào khác, anh em vẫn quyết về với hy vọng chạy nửa đường gặp được tàu ngư dân mình thì sẽ được cứu”, ngư dân Nguyễn Đáng, 52 tuổi, cả cuộc đời lênh đênh trên sóng biển Hoàng Sa (Việt Nam) kể lại.

Tàu chạy được 3 hải lý thì bị chết máy, nước tràn vào tàu ngày một nhiều. Lúc này do ảnh hưởng bão nên sóng khá lớn. Mọi người nhìn nhau tuyệt vọng! Đêm tối, trên tàu chỉ còn bao gạo với một thùng phuy nước ngọt, không có muối mắm gì. Chín ngư dân nấu cháo trắng húp cầm hơi, tay xé áo, chăn màn cột lại căng làm buồm để tàu xuôi theo chiều gió.

Hai ngày trời lênh đênh trên biển trong cơn đói khát, sau đó được tàu Trung Quốc đi tuần kéo về lại đảo Phú Lâm.

Ông Đáng không cầm được nước mắt khi được chiến sĩ cảnh sát biển dìu qua tàu để chăm sóc: “Tối qua khi nằm trên tàu cá nghe sóng Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo sẽ có cảnh sát biển “trong nhà” ra đón về chín anh em không ai ngủ được. Cả buổi sáng đợi chờ, đến khoảng 13g một người nhìn thấy cờ Tổ quốc tung bay phần phật trên nóc tàu lực luợng cứu hộ đã bật khóc".

“Anh em đã ra cứu mình rồi!", cả chín ngư dân đứng dậy vẫy tay mừng khôn xiết. Một ngư dân khi bước qua tàu Cảnh sát biển đã ôm chầm lấy PV Tuổi Trẻ và những cảnh sát đang trên tàu trong tiếng nấc nghẹn: “Anh em đã cứu bọn tui. Trong anh em có ai biết vợ con tui trong nhà có bị gì không”?!

Háo hức đợi chờ

Nghe tin ngày 26-10 tỉnh Quảng Ngãi tổ chức đón tiếp các ngư dân trở về, bà Phạm Thị Lan (vợ thuyền trưởng Mai Phụng Lưu) lập tức chuẩn bị vô đất liền.

“Hai ngày ni tui cứ khấp khởi đứng ngồi không yên chờ gặp mặt chồng con. Đi xúc đất thuê cũng không tập trung được nên bị đất bắn cả vô mắt, giờ vẫn còn đau nhưng nghĩ đến ngày mai tui lại thấy nhẹ nhõm” - bà Lan tâm sự.

Bà Võ Thị Tươi (42 tuổi), có con là Bùi Văn Hải (20 tuổi) cùng đi trên tàu của thuyền trưởng Mai Phụng Lưu, xúc động nói: “Mấy ngày ni cứ nghĩ đến lúc được gặp con là tui chẳng làm được gì. Chỉ mong nhanh cho đến lúc vào đất liền để gặp mặt con”.

Tương tự, chị Phạm Thị Lành (28 tuổi, vợ thuyền viên Bùi Văn Minh) cũng chuẩn bị đồ và ẵm đứa con 1 tuổi đi theo để vào đất liền đón chồng. “Từ ngày ấy tới giờ, chưa đêm nào tui ngủ yên giấc” - chị Lành tâm sự.

Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Võ Xuân Huyện cho biết đã thông báo đến người nhà của chín ngư dân sáng nay cùng đi với lãnh đạo huyện vào đất liền để đón người thân tại cảng Dung Quất.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Quang Thích, việc đón ngư dân sẽ tiến hành lúc 15g ngày 26-10. UBND tỉnh đã phân công Cảng vụ Quảng Ngãi phối hợp với biên phòng nắm lịch trình để đón và đưa tàu của ngư dân cập bến an toàn.

Đối với chính sách hỗ trợ, Sở Tài chính sẽ có đề xuất. Tỉnh cũng sẽ kêu gọi các doanh nghiệp giúp đỡ ngư dân Mai Phụng Lưu sớm đưa tàu ra khơi.

Thanh Hóa: Vẫn chưa tìm thấy 9 ngư dân trên tàu câu mực

Cuối giờ chiều 25- 10, ông Nguyễn Hải Năm - phó chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa)- cho biết đến nay là ngày thứ 10 chiếc tàu câu mực của gia đình anh Nguyễn Văn Hợp (số đăng ký là TH 90455 TS, công suất 110 CV) và 9 ngư dân địa phương đi câu mực ngoài khơi bị mất liên lạc hoàn toàn với đất liền. Mười tàu của ngư dân địa phương đã nỗ lực tìm kiếm chiếc tàu này và 9 ngư dân khắp vùng biển Thanh Hóa, Nghệ An suốt những ngày qua nhưng vẫn chưa thấy.

Ông Năm cho biết thêm: "Tàu của anh Hợp ra khơi từ ngày 19- 9. Theo đúng lịch trình anh Hợp báo về gia đình thì tàu sẽ cập bến Ngư Lộc vào tối 16- 10, sau gần một tháng câu mực ngoài khơi. Nhưng suốt mười ngày qua, tàu của anh Hợp cùng 9 ngư dân trên tàu mất liên lạc hoàn toàn với đất liền. Sau mười ngày tìm kiếm tàu, ngư dân bị mất tích, đến chiều 25- 10, mười chiếc tàu của ngư dân địa phương đã trở vào bờ, không tìm kiếm nữa vì đang có gió mùa đông bắc, thời tiết ngoài biển rất xấu. Hiện nay, gia đình nạn nhân đang rất hoang mang, lo lắng về số phận của 9 ngư dân bị mất tích. Ban tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh đã thông báo về trường hợp tàu câu mực cùng 9 ngư dân mất tích này với cơ quan chức năng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình để phối hợp tìm kiếm..."

Anh Nguyễn Văn Tân (trú tại thôn Thắng Phúc, xã Ngư Lộc) - người đi câu mực trên một chiếc tàu khác, cùng đợt với tàu của anh Hợp kể lại: "Sáng 16- 10, anh Hợp dùng bộ đàm trao đổi với tàu chúng tôi và một số tàu của ngư dân Ngư Lộc là có rãnh thấp và tin về cơn bão Megi sẽ vào biển Đông. Lúc đó, biển bắt đầu có gió mạnh, sóng lớn, nên các tàu nhanh chóng chạy vào đất liền để tránh khu vực có thời tiết nguy hiểm. Đến khoảng 13 giờ ngày 16- 10, khi tàu của tôi chạy trước hướng về đất liền, còn tàu anh Hợp chạy sau, cách tàu của tôi khoảng 16 hải lý thì tôi mất liên lạc hoàn toàn với tàu anh Hợp. Theo kinh nghiệm của ngư dân chúng tôi, thì tàu của anh Hợp bị mất tích ở vị trí khoảng tọa độ 19 độ 32' N; 109 độ 48' E, trên vùng biển Thanh Hóa, cách bờ biển Ngư Lộc khoảng hơn 40 hải lý. Khi tàu chúng tôi chạy qua vùng biển này thì thời tiết rất xấu, sóng to, gió lớn, biển động mạnh..."

V.HÙNG - H.KHÁ - V.Q.CẦU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên