09/01/2011 07:45 GMT+7

Ai bảo "khỏe như voi"!

NGUYỄN PHAN
NGUYỄN PHAN

TT - Nói đến Đắk Lắk, có hai thứ khiến người ta phải nhớ là cà phê và voi. Nhưng đặc sản thứ hai đang ngày càng hiếm. Thậm chí bây giờ đến Buôn Đôn xem voi, du khách nhiều khi sẽ được ngắm những chú voi kỳ quái: ngà không có hoặc bị cắt gần hết, đuôi ngắn tí tởn vì bị cắt trộm! Không khéo chẳng lâu nữa, người trên xứ voi này muốn xem một con voi đúng nghĩa chắc phải về Sài Gòn để vào sở thú!

rvmdiZM7.jpgPhóng to
Xác chú voi Păk Cú - Ảnh: H.Dưỡng

Chú voi Păk Cú đã chết

Xin trở lại sự kiện chú voi Păk Cú đã chết sau hơn hai tháng vật lộn với hàng trăm vết thương trên cơ thể. Khi đoạn phim chúng tôi thực hiện về cái chết của Păk Cú được chiếu trên Truyền hình Tuổi Trẻ, nhiều bạn đọc đã phải thốt lên: kinh hoàng! Những con người dã man đã chém hàng trăm vết khắp cơ thể voi. Voi chưa chết, chúng dùng xăng đổ lên mình voi rồi đốt, da voi cháy đỏ hỏn từng mảng lớn. Chú voi Bản Đôn ấy trong đường cùng đã bứt xích cứu mạng mình, nhưng vẫn không qua nổi vì vết thương quá nặng.

Video clip "Chú voi Păk Cú đã chết" - Nguồn: TVO

Và trong những ngày này, trên kênh VTV1 có phát một ký sự về Đắk Lắk. Trong phim có đề cập việc số lượng voi nhà đang sụt giảm nhanh chóng: Cụ thể năm 1980 là 500 con, năm 1990 còn 299 con, năm 2005 còn 94 con. Số liệu mới nhất (vào đầu năm 2010) là 57 con. Và bây giờ không biết con số ấy là bao nhiêu...

Theo thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi, từ đầu năm 2010 đến nay có khoảng chục voi rừng lẫn voi nhà bị chết. Chúng chết vì môi trường sống bị thu hẹp, chết vì phải làm quá sức, không còn không gian rừng riêng cho mình để hít thở, chết vì rừng không còn đủ cây thuốc để voi có thể tự chữa bệnh cho mình... Trên cái nền thiếu thốn đủ thứ ấy, những chú voi to lớn bỗng trở nên yếu đuối, không còn sức tự vệ trước bọn trộm sẵn sàng làm tất cả để kiếm tiền.

Những ngày này, những người làm công tác bảo tồn voi đang mong ngóng tiền từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn rót về cho dự án bảo tồn đàn voi của Đắk Lắk, vừa được phê duyệt cuối năm 2010 với giá trị 61 tỉ đồng. Chặng đường bảo tồn đàn voi còn lắm gian nan khi phải qua nhiều công đoạn của một dự án. Với tốc độ tận diệt voi như thế này, không ít người đã hóm hỉnh rằng: sợ khi khu bảo tồn đưa vào hoạt động lại không còn con voi nào!

Khi tôi ngồi viết những dòng này thì tin từ Bản Đôn về cho biết bộ da Păk Cú đã được một doanh nghiệp ở TP.HCM lên mua rồi, năm mươi hoặc sáu mươi triệu gì đấy. Voi chết còn có giá như thế, huống gì còn sống. Khi rừng chưa hẳn là nơi trú ngụ lý tưởng, cứ ngỡ ở buôn làng đàn voi nhà có thể sống bình an. Nào ngờ nơi tưởng bình an lại là nơi nguy hiểm nhất!

Càng nghĩ lại càng “giận” cho ai bỗng dưng đặt cho con vật to xác này câu “khỏe như voi”! Vì bảo nó khỏe nên mới đồn rằng mang chiếc nhẫn có luồn chiếc lông đuôi voi, đeo sợi dây chuyền có móc mẫu ngà, răng, xương voi... cũng sẽ khỏe như voi. Và vì những lời đồn vô căn cứ này khiến voi bị thảm sát.

Có một điều lạ là voi vẫn cứ chết, các cơ quan chức năng vẫn cứ kêu gào bảo vệ nó. Nhưng thị trường vẫn công khai bày bán các sản phẩm được làm từ voi tại khu du lịch Bản Đôn, các tiệm vàng ở TP Buôn Ma Thuột mà không hề bị cơ quan chức năng xử lý. Người mua càng đông thì tính mạng voi càng nguy hiểm... Luật lệ có đủ hết, nhưng từ trước đến nay ở thủ phủ voi này, duy nhất chỉ có một vụ chặt đuôi voi nhà ở huyện Lắk được xử lý hình sự!?

NGUYỄN PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên