Làm cổng chào có thể tháo ra đượcHà Nội: Xây 5 cổng chào đón đại lễ 1.000 nămHà Nội: 50 tỉ đồng xây dựng 5 cổng chào
Năm mô hình cổng chào đã được công bố rộng rãi trên báo chí, truyền hình cho bà con mục sở thị và rộng đường dư luận. Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nói sẽ dựng bán kiên cố, thăm dò ý kiến nhân dân, khoảng 2-3 năm sau có sự đồng thuận cao trong xã hội mới xây dựng bền vững.
Nói về sự đồng thuận xã hội và những giá trị bền vững, KTS Nguyễn Luận - một người nhiều năm kiên trì biên soạn tủ sách kiến trúc cho sinh viên và trẻ em - đã có một liên tưởng: “Hà Nội là một giá trị, và những công trình hay tác phẩm nghệ thuật về Hà Nội mà sống được trong lòng người đương nhiên cũng là những giá trị.
Vậy tại sao những bài hát về Hà Nội như Người Hà Nội, Nhớ Hà Nội, Hướng về Hà Nội, hay những bài thơ của Chính Hữu, Quang Dũng, những bức tranh Hà Nội của Bùi Xuân Phái... lại có sức lay động lòng người đến thế, làm người ta yêu và nhớ Hà Nội đến thế, mà những công trình kiến trúc hiện đại, nhất là những mô hình cổng chào Hà Nội mới được công bố kia lại khô khan, cứng nhắc và xa lạ như thế?”.
Và ông tự trả lời: “Đó là vì Nguyễn Đình Thi, Hoàng Hiệp, Chính Hữu, Bùi Xuân Phái... viết và vẽ về Hà Nội do nhu cầu mãnh liệt từ trái tim mình, bằng tất cả cảm xúc và tình yêu của mình. Còn người thiết kế cổng chào hôm nay có thể chỉ lo đầu tư như những dự án”.
Mỗi cổng chào là một dự án, không quá lớn, nhưng cũng không hề nhỏ chút nào. Sau mỗi cổng chào là một chủ đầu tư, một doanh nghiệp. Họ bỏ tiền ra làm một cái cổng chào và trước mắt không đòi hỏi gắn biển hay để lại logo, nhưng ai cũng biết, cái họ sẽ nhận được trong tương lai không thuần túy là những sự tri ân về tinh thần.
Bởi thế, những chiếc cổng chào sẽ được dựng lên, với tư duy dự án, khó hi vọng có được vẻ đẹp mà bất kỳ người dân Hà Nội cũng cảm nhận được như khi đi ngang khu phố cổ, dạo quanh hồ Gươm hay xem một bức “phố Phái”.
Những chiếc cổng chào có lẽ rồi sẽ được dựng lên, người Hà Nội rồi sẽ được chiêm ngưỡng những biểu tượng mới của “năm cửa ô đón mừng...”. Cổng chào, bản thân nó không phải là một ý tưởng tồi. Khải Hoàn Môn đã chẳng làm đẹp thêm cho Paris đó sao? Nhưng điều đó chỉ có được khi người thiết kế và xây dựng nó thật sự hiểu được “tinh thần Pháp” ở thời Napoleon chinh phục cả châu Âu. Và hơn 200 năm sau, vật đổi sao dời, nước Pháp vẫn tự hào về chiếc cổng chiến thắng đó.
Một ví dụ gần gũi hơn: chiếc cổng chào đơn giản, mộc mạc “Leningrad - thành phố anh hùng” vẫn hiên ngang ở cửa ngõ của thành phố cổ kính đẹp đẽ bây giờ đã không còn là Leningrad nữa. Chính thể thay đổi, tâm thức xã hội thay đổi, nhưng giá trị của chiếc cổng - biểu tượng vẫn còn nguyên. Vì một lẽ đơn giản: người thiết kế chiếc cổng ấy đã làm nên nó bằng tất cả tâm hồn và tình yêu của mình với thành phố mà với ông, nó mãi là Leningrad.
Cổng chào Hà Nội mong sao được làm bằng tình yêu như “phố Phái”, chứ không chỉ là những dự án kinh tế đơn thuần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận