26/06/2010 07:32 GMT+7

Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Làm cổng chào có thể tháo ra được

V.Hoài ghi
V.Hoài ghi

TT - Lãnh đạo Hà Nội hôm 25-6 cho biết đang cân nhắc làm ngay năm cổng chào hay làm ít hơn để thăm dò dư luận.

bE2Vkioq.jpgPhóng to
Phối cảnh cổng chào trục đường Hà Nội - Lạng Sơn - Ảnh chụp lại: X.LONG
xrY6reMd.jpg
Phối cảnh cổng chào trục đường Hà Nội - Hải Phòng - Ảnh chụp lại: X.LONG

Hà Nội: Xây 5 cổng chào đón đại lễ 1.000 nămHà Nội: 50 tỉ đồng xây dựng 5 cổng chào

KTS Nguyễn Luận (phó chủ tịch Hội KTS VN):

Không nhất thiết phải làm 5 cổng chào

Nguồn gốc của việc Hà Nội quyết định dựng năm cổng chào ở các cửa ngõ vào TP là việc kinh thành Thăng Long xưa có năm cửa ô, mỗi hướng vào TP có một cửa ô. Nhưng ý nghĩa và công năng nguyên thủy của cửa ô không phải là cổng chào, không có ý nghĩa nghênh đón, mà chỉ là một sự đánh dấu: bắt đầu vào địa phận Hà Nội.

Theo tôi, không nên làm vội vàng, làm cho đúng dịp kỷ niệm. Mà cũng không nhất thiết phải làm đủ năm cổng chào. Đặt cổng chào ở những chỗ đơn giản chỉ là trục giao thông, chả có ý nghĩa gì mang tính chất “đánh dấu” như ở Láng - Hòa Lạc thì thật lãng phí. Theo tôi, tốt nhất Hà Nội chỉ nên đầu tư làm thật đẹp một cổng chào thôi. Cổng chào này phải vừa có nét đặc trưng Hà Nội, vừa hiện đại mang dấu ấn của thế kỷ 21, và nên đặt ở phía nam, đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ai cũng biết, hướng nam là hướng tốt, và lịch sử phát triển của Hà Nội cũng như VN là về phía nam.

Tại buổi giao ban định kỳ giữa lãnh đạo TP Hà Nội và các sở ngành, quận huyện sáng 25-6, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết xung quanh việc xây dựng năm cổng chào trước đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, hiện đang có những ý kiến khác nhau.

Lắng nghe dư luận

Trước thông tin dư luận đang có nhiều ý kiến trái ngược, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết chủ trương xây dựng cổng chào không phải chỉ do TP Hà Nội quyết, việc này đã được Thủ tướng và Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đồng ý, đồng thời có văn bản chính thức phê duyệt.

Theo ông Nghị, việc làm cổng chào đã được Chính phủ đồng ý, nhưng hiện nay cũng có ý kiến cân nhắc có nên làm hay không vì thời gian từ nay đến đại lễ chỉ còn hơn 100 ngày. Ngay cả vấn đề kiểu dáng của cổng chào, địa điểm xây dựng cổng chào, hướng tuyến cũng còn ý kiến khác nhau. “Khi dư luận có ý kiến như vậy, tôi cũng đã trao đổi với đồng chí chủ tịch TP (ông Nguyễn Thế Thảo - PV) và phó chủ tịch thường trực TP, người được phân công phụ trách việc này (ông Phí Thái Bình - PV) để khẩn trương cân nhắc một lần nữa” - ông Nghị nói.

Cũng theo ông Nghị, TP vẫn đang cân nhắc có nên làm ngay cả năm cổng chào hay làm ít hơn để thăm dò, nghe dư luận, tìm sự đồng thuận cả về quy mô, kiểu dáng, hình thức, hướng tuyến. “Tôi nghĩ TP cũng đã có chỉ đạo theo hướng cân nhắc rất kỹ rồi. Bây giờ chưa làm vĩnh cửu ngay mà bước đầu làm bằng vật liệu bán kiên cố, có thể tháo ra, lắp vào được, nếu thấy như thế chưa ổn thì mình dỡ ra” - ông Nghị nói.

Doanh nghiệp không đòi hỏi gì

Về số tiền đầu tư tới 50 tỉ đồng, ông Phạm Quang Nghị khẳng định: “Số tiền đầu tư này mới chỉ khái toán, vì nhà tài trợ cũng muốn nói số lượng lớn một chút để thể hiện sự nhiệt tình của mình chứ khi làm chắc không hết chừng đó”. Lý giải việc tại sao không dùng số tiền này vào nhiệm vụ an sinh xã hội, ông Nghị khẳng định nội dung quan tâm an sinh xã hội và người nghèo đều đã được TP tính toán, chăm lo, chứ không phải vì làm cổng chào mà không có tiền chi vào an sinh xã hội.

Theo UBND TP Hà Nội, việc thực hiện xây dựng năm cổng chào sẽ dùng từ nguồn vốn xã hội hóa, tức nguồn vốn của các doanh nghiệp tham gia tài trợ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình cho biết chỉ có việc giải phóng mặt bằng để có quỹ đất thực hiện xây dựng cổng chào là dùng vốn ngân sách. Tuy nhiên, quỹ đất tại nơi xây dựng cổng chào có nơi đã được giải phóng mặt bằng từ trước, còn những nơi chưa giải phóng mặt bằng TP đã giao cho các huyện làm chủ đầu tư.

Trước câu hỏi liệu việc tài trợ này có lặp lại hình ảnh doanh nghiệp tùy ý đặt logo như dự án con đường gốm sứ, ông Bình khẳng định: “Những doanh nghiệp tham gia tài trợ làm cổng chào đều vì mục đích công tâm, không đòi hỏi gì ở TP nên nhất quyết không cho chuyện đặt, in logo trên công trình. Kể cả doanh nghiệp có muốn, TP cũng không cho phép”.

Chưa bao giờ Hà Nội có nhiều công trường như hiện nay

Nhận định về công tác chỉnh trang đô thị, ông Phạm Quang Nghị cho rằng chưa bao giờ Hà Nội có nhiều công trường như hiện nay. Thực tế TP chủ trương chỉnh trang đô thị để có diện mạo sạch đẹp hơn nhưng cách làm chỉnh trang thực hiện rất ồ ạt, nhiều tuyến đường cùng bị đào bới tràn lan, thi công kéo dài gây bụi bẩn.

Theo ông Nghị, ngay cả việc thực hiện thay gạch lát vỉa hè làm cũng ồ ạt, thậm chí nó nơi làm không đúng thời điểm. Cũng liên quan đến công tác chỉnh trang, ông Nghị chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ phải thực hiện công việc khẩn trương, làm có trách nhiệm, đảm bảo chất lượng và tiến độ. “Chỉnh trang mới mà làm xấu hoặc không hơn cũ thì rất đáng chê trách” - ông Nghị nhấn mạnh.

Cũng tại buổi giao ban, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Văn Hoạt đề nghị UBND TP chỉ đạo các đơn vị thi công cần phải đặt vấn đề chất lượng công trình lên trên hết. “Đừng vì chạy đua với tiến độ rồi lại thi công kém chất lượng, nếu không làm kịp thì chậm lại còn hơn làm nhanh nhưng rồi lại mau hỏng” - ông Hoạt đề nghị.

V.Hoài ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên