03/05/2010 07:43 GMT+7

Phải bảo vệ trẻ em bằng mọi khả năng

TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TT - Cậu bé Hào Anh (Cà Mau) được giải thoát khỏi một trại tôm giống trong tình trạng thương tích đầy mình. Cả một câu chuyện đau lòng về một con người nhỏ tuổi, bất hạnh và nghèo khó bị chủ bóc lột, đối xử tàn tệ trong một thời gian dài được đưa ra ánh sáng.

Tên chủ trại hung ác bị bắt giữ. Đứa trẻ được đưa vào bệnh viện để chữa trị các vết thương và bệnh tật, được các cơ quan, tổ chức và người dân đùm bọc, giúp đỡ.

Đó thật ra chỉ là một trong khá nhiều trường hợp trẻ em bị đày đọa, ngược đãi được phát hiện. Ở nơi này, nơi kia có thể vẫn còn những thân phận nhỏ nhoi khác đã và đang bị nhốt trong không gian được bao bọc kín kẽ, tối tăm của nhà chủ. Các em phải thường xuyên oằn oại, rên xiết dưới những nắm đấm, làn roi mà không biết bao giờ mới được giải thoát.

Tin bài liên quan

Phải xử lý nghiêm kẻ hành xử "địa ngục" với trẻ emVợ chồng Giang - Thơm thừa nhận hành hạ Hào Anh14 tuổi, liên tục bị hành hạ nhẫn tâm

Bảo vệ tốt trẻ em là một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá trình độ tổ chức, trình độ văn minh của một xã hội, một cộng đồng người. Đó trước hết là sự thể hiện khả năng của xã hội, của cộng đồng thoát ra khỏi sự chi phối của quy luật sống nghiệt ngã “mạnh được, yếu thua” thống trị trong thế giới động vật sơ cấp, để vận hành theo các chuẩn mực cao hơn.

Đó đồng thời cũng cho thấy thái độ nghiêm túc của xã hội trong việc chuẩn bị cho sự kế thừa của thế hệ chủ nhân tương lai: được bồi dưỡng tốt về mọi phương diện, trẻ em khi trưởng thành sẽ tự tin cầm trịch quá trình thúc đẩy xã hội đi lên. Ngược lại, với những trẻ em yếu hèn do quen sống dưới sự hành hạ, ngược đãi thì khó có sự phát triển tốt trong tương lai.

Là người chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức đời sống trong không gian chung, nhà chức trách công cũng giữ vai trò chủ đạo trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Ở một số nước, việc bảo vệ trẻ em được thực hiện theo một cơ chế riêng, phân biệt với cơ chế chung về bảo vệ công dân. Chính quyền dành số điện thoại đặc biệt để phụ nữ, trẻ em và những người có quan tâm đến việc bảo vệ họ liên lạc khi cần sự can thiệp của công lực.

Bộ máy trấn áp sẵn sàng, ưu tiên phản ứng thật nhanh và hữu hiệu mỗi khi nhận ra dấu hiệu trẻ em bị đe dọa tính mạng, sức khỏe hoặc nhân phẩm. Về phần mình, tòa án có các thẩm phán chuyên xử những vụ vi phạm pháp luật mà trẻ em là nạn nhân; việc xét xử và xử lý vi phạm cũng được thực hiện theo các thủ tục riêng nhằm bảo đảm không gây chấn thương tâm lý, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của công dân nhỏ tuổi.

Tất nhiên, chẳng nhà chức trách nào có đủ điều kiện vật chất để bố trí, duy trì tai mắt ở khắp mọi nơi, mọi lúc để can thiệp kịp thời. Chính vì thế cũng cần phát huy vai trò hỗ trợ của xã hội, cộng đồng dân cư. Trong vụ cháu bé bị chủ trại nuôi tôm giống ngược đãi, chính sự phát hiện và tố giác của bà con sống xung quanh là nguồn manh mối được chính quyền địa phương dựa vào để triển khai việc xác minh, điều tra. Nếu được tổ chức, động viên thích hợp, các thành viên xã hội, thông qua các thiết chế tự quản, chắc chắn sẽ là những người cộng sự đắc lực của nhà chức trách trong việc tổ chức thực thi pháp luật và bảo đảm trật tự xã hội.

Các tổ chức của cộng đồng dân cư phải chủ động tiến hành các hoạt động can thiệp tập thể mang tính phản ứng xã hội mỗi khi cần thiết để ngăn chặn hoặc dập tắt ngay tức khắc những hành vi xâm hại, ngược đãi đối với trẻ em. Các hoạt động ấy có thể được tiến hành cả trước và sau khi đại diện nhà chức trách công xuất hiện, với biện pháp xử lý phù hợp quy định của pháp luật.

TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên