26/12/2009 08:24 GMT+7

Nghe dân

GS.TS TRẦN NGỌC ĐƯỜNG(nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội)VÕ VĂN THÀNH ghi
GS.TS TRẦN NGỌC ĐƯỜNG(nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội)VÕ VĂN THÀNH ghi

TT - Không phải đến khi Ban dân vận Thành ủy TP.HCM bắt tay vào việc soạn thảo đề án cơ chế lấy ý kiến nhân dân đối với những chủ trương, chính sách quan trọng của Thành ủy, UBND TP có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của nhân dân (đưa ra lấy ý kiến ngày 24-12) thì vấn đề này mới được đề cập.

Có thể nói việc hỏi ý dân đối với những chủ trương, chính sách có liên quan, đã được quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật như trong các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong Luật tổ chức HĐND, trong quy chế dân chủ cơ sở... Tuy nhiên, các quy định này vẫn cần được cụ thể hơn nữa.

Cả lý thuyết và thực tiễn đều chứng minh rằng sự tham gia của người dân góp phần rất lớn trong việc nhận ra các vấn đề trong xã hội, tạo cơ sở để phân tích chính sách trong quá trình xây dựng, ban hành và thực thi, bảo đảm cho chính sách nhận được sự đồng thuận cao khi đi vào cuộc sống.

Rất nhiều câu chuyện có thể được dẫn chứng, ví dụ mới nhất là dự thảo quy chế quản lý lưu học sinh sau khi đưa ra lấy ý kiến đã nhận được rất nhiều đóng góp, thu hút trí tuệ của các đối tượng được điều chỉnh cũng như nhiều thành phần khác trong xã hội. Lợi ích đã rõ, vấn đề là phải thiết kế một cơ chế lấy ý kiến nhân dân sao cho cả những vấn đề được lấy ý kiến cũng như cách lấy ý kiến không phải là hình thức.

Theo nghiên cứu của tôi, có nhiều cách để lấy ý kiến nhân dân như: tổ chức hội nghị, hội thảo; khảo sát thực địa; tham vấn qua Internet; gặp gỡ, phỏng vấn riêng cá nhân về vấn đề cụ thể; sử dụng phương tiện thông tin đại chúng để tham vấn; tiếp nhận thư góp ý của nhân dân; tọa đàm, trao đổi với nhóm đối tượng hẹp; điều tra xã hội học; tiếp dân trực tiếp; sử dụng các tổ chức nghiên cứu độc lập, các chuyên gia am hiểu vấn đề...

Dù sử dụng cách nào cũng phải xuất phát từ tính chất của chủ trương, chính sách để tổ chức lấy ý kiến nhân dân cho phù hợp, nhất là phải có ý kiến trực tiếp của những đối tượng được điều chỉnh trong chủ trương, chính sách đó. Cần lưu ý việc lấy ý kiến nhân dân không nên giới hạn ở một số cá nhân hoặc nhóm người có liên hệ gần gũi với cơ quan soạn thảo chính sách, mà cần hướng tới quy mô rộng lớn hơn.

Lấy ý kiến dân không hẳn là trưng cầu ý dân, vì lấy ý kiến nhân dân thiên về những vấn đề dân sinh hằng ngày, còn trưng cầu ý dân phải là vấn đề trọng đại của đất nước và được bỏ phiếu toàn dân. Nhưng khi đã đề ra việc lấy ý kiến nhân dân thì phải làm cho người dân hiểu rằng đây là một quy trình nghiêm túc và những ý kiến đóng góp của họ sẽ được xem xét, tiếp thu. Có thể quyết định Nhà nước được thông qua không theo đúng ý kiến của một số người dân, nhưng sau khi tham gia ý kiến, ít nhất họ cũng cảm thấy ý kiến của mình đã được cơ quan nhà nước nghiên cứu, phân tích và có giải trình rõ ràng.

\Ví dụ việc tổ chức các diễn đàn trao đổi chính sách trên đài truyền hình, truyền thanh địa phương hoặc trên các báo viết, sau khi công bố dự thảo chính sách để lấy ý kiến nhân dân, đại diện cơ quan soạn thảo cần trả lời trên các phương tiện truyền thông về các nội dung được góp ý, nội dung nào tiếp thu, nội dung nào không và vì sao.

Tôi từng đề nghị cần có một đạo luật về tham vấn ý kiến nhân dân. Vì vậy với việc Ban dân vận Thành ủy TP.HCM soạn thảo đề án nêu trên đã củng cố thêm một điều là cần có cơ sở pháp lý cụ thể hơn, minh bạch hơn và có tính bắt buộc hơn đối với cơ chế lấy ý kiến nhân dân.

GS.TS TRẦN NGỌC ĐƯỜNG(nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội)VÕ VĂN THÀNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên