18/09/2005 08:15 GMT+7

Tiếng kêu giữa rừng U Minh Hạ

HOÀNG TRÍ DŨNG
HOÀNG TRÍ DŨNG

TTCN - Tôi đã đến nhiều miền quê nghèo khó vùng sông nước ĐBSCL, nhưng có lẽ chưa lần nào tôi bị “sốc” như chuyến đi lần này. Nơi tôi đến là một vùng quê giáp ranh giữa hai tỉnh Kiên Giang - Cà Mau, cách không xa trung tâm hai thành phố Rạch Giá và Cà Mau, vậy mà đã 30 năm sau ngày đất nước thống nhất vùng quê ấy vẫn còn là bức tranh buồn thảm với nhiều nỗi bức xúc: không điện, đường, trường, không trạm xá, không hộ khẩu, không đất sản xuất...

Otyv83e7.jpgPhóng to
Người dân tập đoàn 017, U Minh, Cà Mau thu hoạch rau xanh
TTCN - Tôi đã đến nhiều miền quê nghèo khó vùng sông nước ĐBSCL, nhưng có lẽ chưa lần nào tôi bị “sốc” như chuyến đi lần này. Nơi tôi đến là một vùng quê giáp ranh giữa hai tỉnh Kiên Giang - Cà Mau, cách không xa trung tâm hai thành phố Rạch Giá và Cà Mau, vậy mà đã 30 năm sau ngày đất nước thống nhất vùng quê ấy vẫn còn là bức tranh buồn thảm với nhiều nỗi bức xúc: không điện, đường, trường, không trạm xá, không hộ khẩu, không đất sản xuất...

Trái ngược với hình ảnh ấy là cơ ngơi của các quan chức địa phương - những người đang giành giật đất đai của dân. Đó là chuyện thật ở ngay một góc Lâm trường U Minh 2, ấp 4, xã Khánh Hòa, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Từ thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) mất gần nửa ngày ngồi xe đò và thêm khoảng hai giờ ngồi vỏ máy tắc ráng (nếu xuất phát từ thành phố Cà Mau cũng mất chừng ấy thời gian), xế trưa 13-9-2005 tôi mới đến được địa phận Lâm nông trường U Minh 2, Cà Mau. Cảm nhận đầu tiên khi đến vùng quê này đó là một vùng đất mới bạt ngàn màu xanh của lúa và tràm, xa xa chi chít những tuyến kênh dọc ngang kiểu bàn cờ vừa được khai mở, hai bên các bờ kênh ấy là những căn nhà lá lụp xụp, tạm bợ.

Những phận đời

PQS7BHHQ.jpgPhóng to

Kênh dẫn nước vào Lâm trường U Minh 2, ấp 4, xã Khánh Hòa, U Minh, Cà Mau

Chiếc vỏ máy ghé vào một quán cà phê ven bờ kênh hỏi đường. Chị chủ quán tên Tươi cho biết nhà chị thuộc xã Đông Hưng B, An Minh (Kiên Giang) còn bên kia sông là ấp 4, xã Khánh Hòa, U Minh (Cà Mau). Chị bảo: “Do đây là vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau nên còn gọi là “khu tự trị”, thiếu thốn mọi thứ, dân tình khổ sở lắm nhưng không biết kêu ai vì năm thì mười họa có khi cả năm trời không thấy mặt mũi ông chính quyền nào vô thăm dân.

Cách đây hai năm một cháu bé tên Hằng, 10 tuổi, con của hai vợ chồng trẻ không may bị bệnh viêm ruột thừa cấp tính, nhưng ở giữa rừng không có trạm y tế, mà lòng kênh trơ đáy khô queo, còn trên bờ thì không có đường đi rốt cuộc đành ngồi nhìn con chết mà bất lực vì không cách nào chuyển đi bệnh viện.

Gia đình này bức xúc định mang xác con mình ra lâm trường ăn vạ, nhưng bà con khuyên can nên thôi. Vừa rồi cũng vì bức xúc chuyện nước nôi trên kênh mương phục vụ giao thông đi lại, hàng trăm hộ dân kéo nhau phá đập ngăn mặn nên xảy ra xô xát giữa cán bộ Lâm trường U Minh 2 và dân, một số cán bộ bị thương, hai người dân phải nhập viện cấp cứu...”.

Tất cả những người dân mà tôi gặp đều là nông dân nghèo đến từ nhiều vùng quê khác nhau, từ Khánh Hòa, huyện U Minh, Bạc Liêu lên, từ Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang qua nhận khoán trồng rừng và trồng lúa hàng chục năm nay. Họ đang làm ăn ngon lành thì bị lâm trường cho người xuống thông báo thu hồi diện tích đất nhận khoán, cưỡng chế buộc tháo dỡ nhà đi nơi khác.

8ihpsogp.jpgPhóng to

Phía sau căn chòi này là lô đất bạt ngàn của ông Huỳnh Tuấn Linh, tiểu khu trưởng tiểu khu 017-018, Lâm trường U Minh 2

Chị Đặng Thị Điệp, quê Vĩnh Thuận (Kiên Giang), cho biết: “Từ năm 1998 gia đình tui được Lâm trường U Minh 2 giao khoán 8,5 ha đất (1,5ha đất sản xuất nông nghiệp, 7ha đất trồng rừng). Năm nào tui cũng làm tròn nghĩa vụ thuế cho lâm trường, vụ nào chưa kịp đóng thì người của lâm trường chặn lại thu bằng được mới cho ra khỏi rừng. Bây giờ con cháu tui sinh ra tại ruột rừng này cả thảy gần 20 đứa, gia đình con cái lo mần ăn kiếm sống không vi phạm chi cả. Thế mà năm 2001 chẳng hiểu thế nào lại bị lâm trường thu hồi đất giao cho người khác mần. Ngay cả cái nhà chắt chiu hàng chục năm nay cất bên bờ kênh cũng bị mấy ông cán bộ cho lực lượng xuống cưỡng chế dỡ bỏ, phải dựng tạm lại ở. Hai hôm nay mưa lớn cả nhà ai nấy ướt mem”.

Hoàn cảnh của gia đình dì Nguyễn Thị Hai, dì Lê Thị Kháng cũng bi đát không kém. Họ được lâm trường giao khoán trồng rừng và sản xuất nông nghiệp từ năm 1998, nhưng vừa rồi cũng bị cắt ngang hợp đồng. Hai dì nói như khóc: “Đất đai thì bị lâm trường lấy cấp cho người khác. Về xứ cũng chẳng còn gì để sống, đành bấm bụng bám trụ, sống chết ở khu rừng này, không đi đâu nữa”.

Đại úy Nguyễn Trí Dũng - phó trưởng Công an huyện An Minh (Kiên Giang) - cho biết: “Theo quan điểm của chúng tôi, một học sinh học lớp 11 như em An có hành động như trên chỉ nên yêu cầu gia đình, nhà trường giáo dục bằng hình thức khác, không nên hình sự hóa vấn đề”.

Không đất nên hai dì và cả đại gia đình phải bươn chải đi làm thuê đủ nghề. Con cái đứa thì đi nhổ mạ, cấy thuê, đứa vác lúa mướn, xin gốc cây tràm về hầm than bán, tuổi già các dì thì chọn nghề nhặt rau thuê. Các dì bảo: “Tụi tui khuyên con cháu nhà mình dù dốt, thất nghiệp, đói khổ nhưng tuyệt đối không vì thế mà quậy quạng, làm bậy, phá rừng... Biết đâu chừng một ngày gần đây lãnh đạo cấp trên thương tình cứu xét cấp đất cho con cháu tụi tui bớt khổ”.

Tôi tiếp tục đi sâu vào ruột rừng. Điểm thứ hai tôi ghé thuộc tiểu khu 017 và 018, khu vực được nông trường giao khoán cho dân sản xuất nông nghiệp với diện tích trên 1.200ha. Ghé một căn nhà nằm bên mép kênh, trong nhà có chừng chục người đang đứng ngồi lố nhố, một lúc sau lại có thêm hơn chục người khác xuất hiện.

WRLuF0Pt.jpgPhóng to
Những người dân có mặt trong vụ phá đập. Người ngồi thứ tư (từ phải sang) là em Võ Văn Rum, học sinh lớp 8 Trường tiểu học Đông Hưng B
Ông chủ nhà Nguyễn Trung Liệt - một lão nông có uy tín trong vùng - vào chuyện: “Trên 60 tuổi rồi, hơn chục năm, ba thế hệ với hơn 30 người sinh ra và lớn lên tại khu rừng này, nhưng ngặt một nỗi nhà tui không ai có được tấm hộ khẩu, cũng chẳng hề có giấy chứng minh nhân dân. Người lớn còn đỡ chứ tội nghiệp sắp nhỏ, năm đứa cháu nội ngoại ra đời trong ruột rừng này hiện tại đều thất học như ông cha nó cũng vì không hộ khẩu (nên không ai nhận vào học), dù tựu trường 2-9 hôm rồi đứa nào cũng nằng nặc đòi đi học. Trông cho có cán bộ huyện, xã vô thăm bà con làm cho cái hộ khẩu mà gần chục năm nay không thấy, lẽ nào cán bộ xa dân thế sao!”.

Chú Ba Vinh thì kêu: “Cả trăm gia đình bà con ở đây khổ lắm, không thua gì thời kỳ Pháp thuộc phát canh thu tô! Ruộng nương thì bị lâm trường thu hồi cấp cho người khác mà không làm thủ tục thanh lý theo hợp đồng, trắng tay nhưng đành bám trụ làm thuê kiếm sống chờ thời. Mấy năm qua vào mùa khô kênh trơ đáy không đi lại được, xin mấy ông cán bộ lâm trường mở đập đưa nước vô cho bà con đi lại, trồng ít bụi rau, bụi hành bên bờ kênh nhưng lâm trường không cho. Nếu ai xui xẻo lâm bệnh hiểm nghèo cấp tính thì đành chịu chết vì kênh cạn trơ đáy không di chuyển bằng vỏ lãi được. Còn chuyện nước uống, sinh hoạt thì cơ khổ, vừa rồi mấy gia đình tụi tui gom góp được ít tiền thuê nhóm thợ vào khoan cây nước xài liền bị cán bộ lâm trường xuống lập biên bản không cho, đành chịu cảnh lội bộ hàng cây số gánh nước về xài”.

Những người khác bức xúc nói tiếp: “Dân trồng bụi chuối, luống rau nếu cán bộ lâm trường phát hiện cũng bị lập biên bản xử phạt trồng cây trái phép trên bờ kênh, còn cán bộ và gia đình cán bộ lâm trường thì đất đai cò bay thẳng cánh, muốn gì được nấy. Tủi thân kiếp nghèo làm thuê nên tụi tui bảo ban nhau tự kiềm chế vì hễ không may có chuyện xảy ra cũng chẳng biết kêu ai giúp đỡ. Chính quyền xã Khánh Hòa thì ở cách xa 20km, ban lãnh đạo ấp thì không có trụ sở. Gần đây bà con lại thêm lo bởi có tin một số đối tượng tội phạm nguy hiểm có lệnh truy nã về đây lẩn trốn”.

njsYq6nS.jpgPhóng to
Những người dân chân đất “cả đời gắn bó với rừng nay đất đai bị thu hồi tay trắng mất rồi!”
Theo ông Quách Văn Lắm - trưởng ban lãnh đạo kiêm phó bí thư chi bộ ấp 4, xã Khánh Hòa, cả ấp có 356 hộ ranh giới chạy dài hơn chục cây số, nhưng chỉ 64 hộ có hộ khẩu, nhiều lần ấp kiến nghị với xã chuyện làm hộ khẩu cho dân nhưng chưa thấy trả lời.

Cán bộ giành đất với dân nghèo

Trong khi hàng trăm hộ dân đã có hàng chục năm gắn bó với rừng, tham gia nhận khoán trồng và bảo vệ rừng mà giờ không có đất sản xuất, thì trớ trêu thay rất nhiều vị cán bộ cấp tỉnh, huyện, lâm trường có nhà cửa đàng hoàng ở thành phố Cà Mau vẫn được ưu ái cấp đất trồng rừng, trồng lúa. Những ngày đi thực tế tại đây tôi được nhiều người dân cung cấp cả danh sách và sẵn sàng chỉ điểm những lô đất của các quan chức. Bà con nói rằng sau khi được cấp đât, phần lớn số cán bộ này lập tức sang bán hương lợi hết rồi (theo bản danh sách này có tên các ông Năm Phong, nguyên phó Ban tôn giáo Tỉnh ủy Cà Mau, được cấp đất tại tiểu khu 017- 018, sau đó ông này đã bán cho ông Mộng ở Cà Mau; Đỗ Minh Lắm, phó trưởng Phòng Địa chính huyện U Minh; Nguyễn Bá Hoành, phó chủ tịch UBND xã Khánh Hòa (đã bán cho ông Hai Thiệt); ông Năm Lê; Hai Luôn, nguyên phó chủ tịch UBND xã Khánh Hòa...).

Không chỉ có quan chức ngoài ngành mà rất nhiều cán bộ của Lâm trường U Minh 2 cũng có tên trong danh sách cấp đất ở các tiểu khu 017 và 018, ấp 4 khiến người dân bất bình. Cụ thể lâm trường thu hồi diện tích trước đây giao khoán cho gia đình ông Phan Văn Thái để cấp cho ông Trần Hoàng Đệ, đội phó đội tuần tra bảo vệ Lâm trường U Minh 2; thu hồi đất của ông Trần Văn Bá để cấp cho ông Ba Trúc, nguyên giám đốc Lâm trường U Minh 2; thu hồi đất của gia đình ông Diệp Minh Dương để cấp cho ông Lâm, cán bộ Lâm trường U Minh 2...

Một nhân vật mà trong những ngày lưu lại U Minh tôi luôn nghe nhiều người dân nhắc đến không ai khác là ông Huỳnh Tuấn Linh, tiểu khu trưởng tiểu khu 017 và 018, Lâm trường U Minh 2 (ông Linh là em rể giám đốc Lâm trường U Minh 2 Trần Thanh Sử). Ông này hiện có đến cả trăm công đất do lâm trường cấp nằm cặp bờ kênh 27 (đoạn kênh 10-11) hiện đã cấy lúa lên xanh rì.

Đừng để người dân phẫn nộ...

“Là người có thâm niên ở xứ này, tui chứng kiến bao cảnh khổ của bà con phía trong đập. Khi làm đập mấy ông nhà nước cứ ngỡ là ngăn mặn bảo vệ rừng, nhưng thật ra trong kênh và ngoài kênh đều nhiễm mặn cả. Trong khi đó nước phía trong kênh đã kiệt, ghe xuồng qua lại không được, bà con nhiều lần kiến nghị xin được mở đập cho nước vô rồi bà con lấp lại liền nhưng lâm trường không cho nên mới có chuyện, chứ nếu thương dân, nghe dân, hiểu nỗi khổ của dân thì đâu có chuyện gì xảy ra” - ông Trần Văn Oanh, người nhận khoán cảo xuồng ghe qua đập ngăn mặn kênh 14-29, nói.

Về chuyện dân phá đập, ông Oanh kể: “Khoảng hơn 8 giờ sáng 25-2-2005, cả trăm người dân kéo đến vây đập rồi dùng cuốc, xẻng đào phá đập đưa nước vào kênh. Mãi xế trưa mới có một chiếc bobo chở công an huyện U Minh và cán bộ Lâm trường U Minh 2 đến hiện trường. Ngay sau đó tôi nghe tiếng súng nổ và ẩu đả giữa cán bộ lâm trường và dân khiến dân chạy tán loạn. Hậu quả là phía cán bộ có một số bị thương, còn phía dân cũng có anh Trần Bá Nghị, một người dân làm mướn và em Rum, học sinh lớp 8 Trường tiểu học Đông Hưng B (không tham gia vụ phá đập mà hiếu kỳ đến xem), bị cán bộ đánh nhầm bị thương phải đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện An Minh (Kiên Giang)”.

Mới đây Công an huyện U Minh (Cà Mau) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “chống người thi hành công vụ” và ra lệnh triệu tập bị can đối với Võ Hồng Châu và Tiết Trường An, sinh năm 1986, học sinh lớp 11 Trường trung học phổ thông An Minh (Kiên Giang), bởi hai “đối tượng” này đã có hành vi chống đối khi đoàn cán bộ huyện đến giải quyết vụ phá đập. Bà Âu Thị Trinh (mẹ cháu An) giãi bày: “Chiều 25-2-2005 khi đi chơi về đến chỗ người lớn đang tham gia phá đập, An thấy một số cán bộ đang xô xát với em Rum nên bất bình nhào tới nắm một cán bộ lâm trường và nói lớn “ông làm cán bộ sao đánh dân” chứ không làm gì khác. Mấy hôm nay tinh thần con tui luôn hoảng loạn, hễ có người lạ đến là trốn, mong sao cơ quan chức năng sớm làm rõ vụ việc để cháu an tâm học hành”.

Tôi ra khỏi rừng mà lòng nặng trĩu, không biết rồi đây những nguyện vọng, ước mơ chính đáng của người dân nơi đây là được bám trụ với rừng, được có đất sản xuất, con cái được học hành xóa dốt liệu có được đáp ứng để lòng rừng U Minh Hạ yên bình trở lại?

HOÀNG TRÍ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên