02/09/2005 00:57 GMT+7

Tuổi 20 cho Ngày độc lập - Kỳ cuối: Nơi cướp chính quyền đầu tiên ở Nam bộ

VŨ BÌNH - THẾ ANH
VŨ BÌNH - THẾ ANH

TT - Theo các tư liệu lịch sử ghi nhận, thời điểm Cách mạng Tháng Tám thành công ở các vùng trong nước có khác nhau. Ở miền Bắc (Hà Nội) ngày 19-8, miền Trung (Huế) 23-8 và Nam bộ (Sài Gòn) 25-8-1945.

PNiKFyDC.jpgPhóng to

Đồng chí Lê Văn Tưởng (bìa phải) - trưởng ban tác chiến trung đoàn 120, cùng các đồng chí trong ban chỉ huy trung đoàn tại Bến Kè năm 1948

Thế nhưng trước đó có một địa danh ở Nam bộ đã tổ chức cướp chính quyền thành công vào đêm 22 rạng sáng 23-8-1945. Người chỉ huy trận đánh đêm ấy đang ở tuổi 26...

Thí điểm khởi nghĩa ở Nam bộ

Ngay trong đêm 22-8-1945, người dân tỉnh Tân An (ngày nay là tỉnh Long An) hầu như không ngủ được. Tiếng trống khởi nghĩa vang từ xã này sang xã khác, quận này sang quận khác, tin cướp chính quyền thắng lợi tới tấp bay về, càng về khuya càng dồn dập liên hồi.

Tờ mờ sáng 23-8-1945, trên các nẻo đường đổ về thị xã Tân An, lớp lớp người xếp thành hàng tư với rừng tầm vông vạt nhọn, rừng cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm giương cao rầm rập tiến vào sân banh thị xã. Đoàn người vừa đi vừa hô to các khẩu hiệu: VN độc lập muôn năm! Chính phủ VN muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm... Trên lễ đài, đại diện Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Tân An làm lễ ra mắt đồng bào, chủ tịch Nguyễn Văn Trọng tuyên bố: Chính quyền Tân An đã về tay nhân dân!

Trước đó, Xứ ủy Nam bộ đã mở hội nghị tại Chợ Đệm phân tích tình hình của Nam bộ lúc ấy là rất phức tạp. Nhiều ý kiến đề xuất: đêm 22-8 Sài Gòn sẽ tiến hành khởi nghĩa để sáng sớm 23-8 huy động lực lượng chính trị vũ trang khoảng 1 triệu người xuống đường ủng hộ Ủy ban hành chính lâm thời Nam bộ và tuyên bố tổng khởi nghĩa thành công. Sau đó các tỉnh khác ở Nam bộ sẽ theo hình mẫu của Sài Gòn mà tiến hành khởi nghĩa.

Nhưng có ý kiến cho rằng quân Nhật ở Sài Gòn rất đông, ngay cả lực lượng đồng minh Anh - Ấn cũng buộc quân Nhật cùng chống cách mạng, nếu Nhật can thiệp thì khởi nghĩa ở Sài Gòn dễ thất bại... Cuộc tranh cãi khá quyết liệt. Cuối cùng, đồng chí Trần Văn Giàu đưa ra một giải pháp: giao cho Tân An - nằm ngay bên cạnh cửa ngõ vào Sài Gòn - khởi nghĩa thí điểm, từ đó rút kinh nghiệm để “bấm nút” cho Sài Gòn và các tỉnh tiến hành khởi nghĩa. Ý kiến này được đa số tán thành.

Tân An được chọn làm thí điểm khởi nghĩa cho cả Nam bộ và xứ ủy đã quyết định ngày khởi nghĩa là 23-8-1945...

Ngay khi biết Tân An giành được chính quyền, các tỉnh lân cận như Gò Công, Bến Tre, Cần Thơ... đã liên tiếp gọi điện hỏi kinh nghiệm.

Riêng Mỹ Tho còn yêu cầu được Tân An hỗ trợ trực tiếp (Theo Mùa thu rồi, ngày hăm ba, NXB Chính Trị Quốc Gia Hà Nội - 1995).

Giọng trầm ấm, ông Hai Lê (Lê Văn Tưởng) kể lại: “Lúc đó tôi 26 tuổi, đang tham gia sinh hoạt tại chi bộ làng Thạnh Lợi, quận Thủ Thừa, tỉnh Tân An. Ngày 13-8-1945, Tỉnh ủy Tân An tổ chức hội nghị mở rộng tại nhà ông hội đồng Huấn ở xã Hương Thọ Phú. Tại cuộc họp này, các đồng chí trong Tỉnh ủy Tân An thống nhất rút tôi về làm thường vụ phụ trách quân sự quận Thủ Thừa để chuẩn bị lực lượng cướp chính quyền.

Tôi nhanh chóng quay về làng và từ giã các đồng chí trong chi bộ Thạnh Lợi. Các anh ở làng chia tay để tôi đi làm chuyện đại sự mà còn góp mỗi người vài đồng, được tất cả 13 đồng làm lộ phí và dặn dò ghê lắm. Chia tay gia đình, xóm làng, tôi chuyển ra quận công tác...”.

Ban đầu Hai Lê rất lo, mình có quá trẻ, lại ít kinh nghiệm quân sự, được giao đánh trận đầu mà thất bại thì tội lớn lắm!

Sau khi bàn bạc với Huyện ủy Thủ Thừa, Hai Lê cho tổ chức ngay lực lượng chiến đấu là những thanh niên tiền phong trong các thôn xóm tập trung lại tập luyện võ thuật, luyện kiếm, phóng phi tiêu, luyện dao găm, tự tạo vũ khí thô sơ, tập đội hình chiến đấu. Giặc thì súng ống rần rần, còn đội hình chiến đấu của Hai Lê luyện tập như trong phim kiếm hiệp vậy!...

Anh nông dân đối mặt với quận trưởng!

jLUKhncr.jpgPhóng to
Đưa cho chúng tôi xem quyển hồi ký của mình có tựa đề Con đường tôi đã chọn (NXB Quân Đội Nhân Dân), trung tướng Lê Văn Tưởng (Hai Lê) nói: “Nó có ý nghĩa gắn liền với tuổi 20 của tôi, cái tuổi mà người ta phải quyết định cho mình một con đường. Và không chỉ tôi, cả thế hệ thanh niên vào thời đó đã chọn con đường đi theo cách mạng...”.
Tới chiều 22-8, các xã quanh quận Thủ Thừa đồng loạt đánh mõ, đánh trống báo động vang trời theo kế hoạch của Ủy ban khởi nghĩa. Trong lúc địch đang còn hoang mang chưa biết việc gì xảy ra, tiếng trống tiếng mõ xuất phát từ đâu thì Hai Lê đã ra lệnh cho lực lượng quân sự do anh chỉ huy bắt đầu “hành quân”.

Hai Lê mặc đồ kaki vàng, mang cây súng rulô cùng tốp chiến đấu xông thẳng tới dinh quận. Tới cổng dinh quận, đội hình khựng lại vì lính khố xanh cùng súng ống dàn đầy, nghe tiếng mõ tiếng trống chúng còn hoang mang hơn và tư thế luôn sẵn sàng nổ súng. Chỉ với một khẩu súng ngắn của Hai Lê thì làm sao địch lại được bọn lính trang bị toàn súng dài của dinh quận - mục tiêu số 1 cho cuộc cướp chính quyền?

Nhưng Hai Lê đã có cách riêng của mình: anh bước thẳng vào dinh quận. Bọn lính canh thấy anh mặc đồ kaki nai nịt gọn gàng, bên hông kè kè súng lục, không hiểu anh thuộc “sắc lính” gì nên im re cho vào, nhưng súng vẫn chĩa thẳng vào anh. Anh bước vào gặp quận Thọ.

Trước mặt quan phụ mẫu một thời làm mưa làm gió cả vùng Thủ Thừa, lính canh súng ống còn đầy, vậy mà Hai Lê bình thản tuyên bố xanh rờn: “Ông quận Thọ à, hôm nay cách mạng về cướp chính quyền. Kể từ 8g tối nay, chúng tôi với đầy đủ binh lực, súng ống hùng mạnh đã bao vây toàn khu vực. Nếu muốn an toàn, ông quận phải ra lệnh cho binh lính giao nộp vũ khí, còn ông phải giao ngay cho cách mạng chìa khóa tủ sắt tiền công nho và các tủ giấy tờ khác nữa...”.

Quận Thọ há hốc miệng, người chỉ huy cách mạng này sao khí phách quá, chống lại chắc chỉ có chết! Quận Thọ tự nhiên thấy mình “nhỏ” hơn anh thanh niên tuổi 26 nên “dạ... dạ...” lí nhí và bàn giao dinh quận ngay. Mãi sau này nhiều người hỏi: “Lỡ quan quận làm cương kêu lính vào bắt thì sao?”. Hai Lê cười: “Thì đánh luôn chứ sao, đội tự vệ đã dàn quân cả rồi, giáo mác, kiếm, tầm vông cũng đánh được mà!”.

Chiếm dinh quận thắng lợi, Hai Lê cùng lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên địa phương được thế xông thẳng vào các đồn Thạnh Lợi, Bình Hòa, Mỹ Thạnh Đông, Mỹ Quí... để tịch thu súng đạn. Tổng số súng thu được tại các đồn lên đến trên 40 cây súng các loại. Số súng này được đưa về quận để thành lập một đại đội dân quân cách mạng đầu tiên của quận.

Được tin Hai Lê đã tổ chức chiếm dinh quận và giải giới vũ khí lính canh thành công mà không tốn một viên đạn, hàng ngàn nông dân từ các xã Mỹ Lạc, Bình Đức, Mỹ An Phú, Bình Phong Thạnh... rùng rùng kéo về khu vực sân banh để mittinh và nghe cách mạng nói chuyện. Tại buổi mittinh, Hai Lê thay mặt ban khởi nghĩa dõng dạc thông báo với bà con: Việt Minh đã lên nắm chính quyền!... Cả rừng người tung hô như muốn làm vỡ tung cả không gian một làng quê...

----------------

Tin, bài liên quan:

- Kỳ 5: “Chết tự do hơn sống nô lệ!”- Kỳ 4: Mỗi số phận chứa một phần lịch sử- Kỳ 3: Những "giải phóng quân" đặc biệt!- Kỳ 2: Lên đường!- Kỳ 1: Chung một bóng cờ...

VŨ BÌNH - THẾ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên