27/08/2005 00:57 GMT+7

Tuổi 20 cho Ngày độc lập (kỳ 1): Chung một bóng cờ...

QUANG THIỆN
QUANG THIỆN

TT - Tháng 8-1945, dưới ngọn cờ cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, cả dân tộc đã đứng dậy! Và hàng vạn, hàng triệu con người trong độ tuổi 20 đã đi cùng dân tộc, mở cánh cửa bước vào kỷ nguyên độc lập tự do. Cái tuổi 20 ngày ấy sau 60 năm vẫn còn hừng hực lửa...

r1GsdOSg.jpgPhóng to
Cuộc hội ngộ sau hơn nửa thế kỷ của những chiến sĩ cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa Hà Nội (ông Thái Mỹ đứng thứ ba, ông Lê Tuấn đứng thứ tư từ phải sang)
TT - Tháng 8-1945, dưới ngọn cờ cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, cả dân tộc đã đứng dậy! Và hàng vạn, hàng triệu con người trong độ tuổi 20 đã đi cùng dân tộc, mở cánh cửa bước vào kỷ nguyên độc lập tự do. Cái tuổi 20 ngày ấy sau 60 năm vẫn còn hừng hực lửa...

Con đường của những người trẻ tuổi…

Hà Nội những năm 1940... trong cái thanh bình, tao nhã luôn ẩn chứa sự ngột ngạt và u uất như đã có sẵn ở mỗi con người.

Với cậu con trai người chủ hiệu khắc dấu Ích Cát ở 47 Hàng Gai cũng vậy, cậu thấy lòng nhức nhối trước cảnh những tên đội Tây vung dùi cui xua đuổi mấy bà hàng xôi với những bộ đồ vá víu chằng chịt chạy tán loạn như chim vỡ tổ, hay cảnh những đứa trẻ tóc vàng mắt xanh béo tốt, ngả ngớn trên xe tay vừa cười vừa đạp vào lưng người kéo xe tóc bạc còm nhom...

Đại tá Lều Đức Huy, biệt danh Thái Mỹ, vị lão thành cách mạng nay đã 81 tuổi, trú tại số 30 nhà B1 khu tập thể Quân đội (Mai Dịch, Hà Nội) và là tổ trưởng một tổ Việt Minh tiền cách mạng của thủ đô, nói về tâm trạng của mình. Mà chẳng riêng gì ông, những người trẻ Hà Nội ngày ấy, hôm nay gặp lại tuy đã bước vào tuổi 80 đều có chung tâm trạng, sự tủi nhục của người dân mất nước...

Nhật đảo chính Pháp, Hà Nội xuất hiện những đoàn quân Nhật mặc quần soóc lửng, áo kaki, mũ vải mềm. Điều đó với một số người dân Hà Nội là lạ lùng, hiếu kỳ. Nhưng với ông Nguyễn Ngọc Liên (cán bộ tiền kháng chiến, năm nay đã 82 tuổi) và nhiều thanh niên Hà Nội thì không có gì hào hứng. Những nỗi niềm đó ông thường tâm sự với một người bạn học là Phương Đình Kỷ.

Cha ông Kỷ làm nghề thủ thư và mẹ buôn bán nhỏ ở chợ Hôm. Một buổi chiều đẹp trời chừng 5-6 giờ, ông Liên đang ngồi học bài ở nhà một mình thì ông Kỷ đi vào, rút từ túi quần một cuốn vở học sinh đưa bạn và nói nhanh: “Cậu xem cái này đi!”. Ông Liên mở quyển vở, kẹp bên trong là một tập giấy nhỏ in mực đen đề dòng chữ “cờ giải phóng”, phía dưới có bài viết về phát xít Đức đã đầu hàng Đồng minh.

Bài thứ hai của tác giả Trường Chinh viết về nguyên nhân của nạn đói đang giết hàng triệu đồng bào là chính sách đàn áp của phát xít Nhật núp dưới chiêu bài Đại Đông Á. Tờ thứ hai là Lời kêu gọi đánh đuổi quân xâm lược của Nguyễn Ái Quốc và cuối cùng là năm tờ truyền đơn của tổ chức VN độc lập Đồng minh kêu gọi nhân dân vùng lên đánh Nhật... Ông Liên nhìn ra cổng, bạn đã khuất bóng, ánh mắt ông xa xăm, ông biết rằng mình đã tìm được con đường cho riêng mình...

Còn bà Minh Tâm (bí danh Lê Tuyết Minh), thành viên Thanh niên phản đế Hà Nội, nhớ lại: nữ sinh Đồng Khánh ngày ấy kiêu sa lắm, lúc nào ra đường cũng áo dài trắng thướt tha, guốc cao, tóc dài... Nhưng trước vận nước cũng không thể ngồi yên, bà Minh Tâm và nhiều nữ sinh Hà Nội tham gia “hội kín” Thanh niên phản đế Hà Nội từ rất sớm.

Gần đến ngày tổng khởi nghĩa, các chiến sĩ phải thoát ly gia đình chuyển đến Thanh Trì. Ngày ấy con gái bước ra khỏi nhà quá ngày là cả xóm dị nghị, vậy mà bà Tâm và nhiều nữ sinh khác đã bước qua lễ nghi phong kiến để chọn con đường đi theo cách mạng...

Ông Lê Tuấn (Phạm Thụy Uông), cháu nội quan tuần phủ Hưng Yên, lại là tổ trưởng 11 tiểu tổ Việt Minh nội thành Hà Nội. Ông bảo ngay khi Việt Minh còn trong “bóng tối”, người Hà Nội đã tin tưởng vào con đường giải phóng dân tộc của họ. Ông không thể nào quên câu chuyện hai cô gái con nghị sĩ đã âm thầm đóng góp tài chính cho Việt Minh, hay chuyện con trai ông chủ hiệu Tường An, là cháu viên hội đồng dân biểu Hà Nội đã tìm đến và ủng hộ ngay một khẩu súng... Mọi người âm thầm hướng về một bóng cờ đang ẩn hiện trong đêm trước bình minh của dân tộc...

Chuẩn bị cho ngày đứng lên…

Ngày 17-8-1945, nhận chỉ thị của ông Lê Tuấn - trưởng nhóm Việt Minh nội thành Hà Nội: tập trung tại Thuận Thành, Bắc Ninh để tập bắn đạn thật! Bốn chị em trong nhóm bà Minh Tâm ai nấy ăn mặc rất yểu điệu, đạp xe tung tăng qua cầu Long Biên. Vừa đi vừa cười nói, xe vướng vào nhau đổ kềnh cả ra đường. Điểm hẹn là một bãi cỏ rộng vắng người. Ông Lê Tuấn lấy ra một khẩu súng mút-cơ-tông cắm bia ngắm và giao hẹn: mỗi người chỉ được bắn hai phát. Thế là các thiếu nữ để nguyên quần áo trắng muốt, guốc cao thanh lịch mà lăn lê bò toài với súng ống.

Ông Lê Tuấn khi ấy là con trai ngài phụ tá quan phủ Thuận Thành, Bắc Ninh. Lê Tuấn chơi thân với con quan phủ cùng trạc tuổi và có thể mượn súng của bọn lính khố xanh gác cổng quan phủ bất cứ lúc nào. Không ai ngờ được cậu Hai Lê Tuấn lại chính là giảng viên quân sự của lực lượng Việt Minh từ Hà Nội sang...

Trước ngày khởi nghĩa, vũ khí, súng ống là chuyện xa xỉ của những người đi theo Việt Minh. Và những chiến sĩ Việt Minh trẻ tuổi đã tìm mọi cách để trang bị cho mình. Họ tìm súng bằng tinh thần mạo hiểm, tinh nghịch, tài tử và đầy sáng tạo. Đầu tiên phải kể đến vụ chôm súng sĩ quan Nhật của ông Lê Tuấn.

Một buổi tối đang đạp xe trên đại lộ Gambetta (đường Trần Hưng Đạo bây giờ) ông giật mình vì tiếng quát của một tên Nhật từ sau gốc cây: “Ê, cu ly xe!”. Người kéo xe sợ tên Nhật đang say rượu với súng gươm kè kè bên mình đánh nên năn nỉ ông Tuấn cùng quay lại cho đỡ sợ. Nhìn tên Nhật lảo đảo bò lên xe, ông Tuấn nghĩ ngay đến việc cướp khẩu súng. Bác phu xe nặng nhọc kéo thân hình tên Nhật to béo, còn ông Tuấn lóc cóc đạp xe chạy theo.

Ông Tuấn ra hiệu bác phu xe chở tên Nhật vào thẳng sân tòa án, một nơi rất vắng người và có nhiều cây to. Đến sân, hai người bê tên Nhật xuống đất. Ông Tuấn nhanh chóng tháo khẩu súng ngắn nhét vào bụng. Nghĩ đến bác phu xe, ông tháo thêm chiếc đồng hồ trên tay tên Nhật gí vào tay bác rồi cả hai tháo chạy. Đó là khẩu súng Chiêu Hòa mới cáu, thép xanh lét mà lần đầu tiên ông được nhìn thấy. Ít lâu sau, “cái mẹo” tìm súng của ông Tuấn được phổ biến cho đồng đội khắp nơi...

Còn khẩu súng ông Thái Mỹ lấy được của Nhật lại thú vị kiểu khác. Hôm đó ông Thái Mỹ đạp xe về quê ở Thường Tín, Hà Tây. Đến khu Bạch Mai bây giờ thì xe bị thủng lốp. Đang ngồi chờ vá xe thì một tên lính Nhật đi vào. Vì trong người mang tiền, tài liệu Việt Minh, ông định đứng dậy bỏ chạy chợt tên Nhật ra hiệu ngồi im. Ông còn đang phân vân chưa biết xử trí ra sao thì tên Nhật móc súng ra... và đặt lên bàn!

Hắn vừa nói vừa cố ra hiệu, ông mới hiểu nó định bán khẩu súng! Như một khách hàng thực thụ, ông cầm súng lên xem. Đó là khẩu Smít Oát-sơn của Anh. Ông đoán thằng Nhật đã ăn cắp súng ở đâu đó vì không phải súng Nhật và chắc muốn bán thật.

Vừa bán được 100 đồng Đông Dương tín phiếu của tổ chức, ông trả giá một hồi thì nó chịu bán với giá 50 đồng - giá trị tương đương một chiếc xe đạp cà tàng, còn với khẩu súng thì đó là cái giá quá rẻ... Tên Nhật nhận tiền đi thẳng. Còn ông gói khẩu súng vào khăn mùi soa nhét vào trong áo và mang về cho tổ chức đánh Nhật!

Trùng trùng lớp lớp những làn sóng người xông lên phía trước đưa dân tộc đi tới con đường độc lập tự do. Ngày 19-8-1945 có bao giờ quên được trong tâm khảm những người trẻ tuổi...

---------

* Kỳ sau: Tuổi 20 "lên đường"!

QUANG THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên