24/08/2005 00:54 GMT+7

Chàng rể Tôn Thất Tùng

HÀM CHÂU
HÀM CHÂU

TT - Giáo sư Tôn Thất Tùng sinh ngày 10-5-1912 ở Thanh Hóa nhưng sống thời thơ ấu và niên thiếu ở Huế trong một gia đình hoàng phái tại một ngôi nhà có vườn rộng bao quanh sát bên bờ con sông Hương xanh ngắt, phía trên cầu Bạch Hổ, nhìn sang cồn Dã Viên um tùm cây cỏ nhô lên giữa dòng Hương.

iMgk69wJ.jpgPhóng to
Giáo sư Tôn Thất Tùng cùng vợ Vi Nguyệt Hồ và cháu nội Tôn Nữ Hiếu Thảo

Thời trẻ, anh thanh niên Tôn Thất Tùng theo học Trường Bưởi, Hà Nội (tên chính thức là Trường trung học Bảo hộ). Tâm hồn trẻ trung, dễ bị thương tổn, anh bắt đầu cảm thấy có điều gì đó không ổn khiến lòng mình luôn đau đớn...

“Mỗi lần ra đường đối với tôi là một lần tức giận - sau này giáo sư Tôn Thất Tùng viết - Đường đi lại đều phải nhường cho đám Tây đầm thực dân hay trẻ con Tây lai. Lắm khi chúng rất láo xược đối với trẻ con và người dân lao động nước ta. Chúng nói chuyện với nhau ngay trước mặt tôi, chê cười những tập quán của dân mình, coi tôi như một kẻ đã tách khỏi dân tộc mình rồi!

Có lúc tôi cáu tiết, nổi khùng lên với chúng thì chúng quắc mắt nhìn tôi, cười khẩy, rồi nói với cái thế của kẻ thắng trận: “Anh quên là người Pháp đã lấy thành Nam Định và thành Hà Nội chỉ với vài ba chục người lính thôi ư?”...”.

Chán ngấy đám quan lại ở Huế một mặt thì sợ Tây như sợ cọp, mặt khác lại chà đạp lên người dân lao động nước mình, anh muốn học ngành y để ra đời làm một nghề “tự do”, không lệ thuộc vào Nam triều hay chính quyền thực dân.

Với thiên tư trác việt và tính cách hăng say mạnh mẽ, Tôn Thất Tùng vùi đầu vào học tập và nghiên cứu. Mùa đông năm 1935, khi mới 23 tuổi, anh thường đến mổ xác tại Viện Giải phẫu do giáo sư Huard phụ trách. Một buổi chiều u ám và giá lạnh nhưng, đối với anh, thật đáng nhớ suốt đời: anh bỗng phát hiện một lá gan tử thi đầy những giun là giun; tất cả các ống mật và mạch máu trong gan dường như đều bị nhồi kín bằng vô số con giun lớn nhỏ!

Sờ nắn, lần theo những con giun ấy với mấy ngón tay khéo léo và một cái nạo (curette), anh phẫu tích tất cả các ống mật và mạch máu trong gan. Phẫu tích bằng cái nạo là một sáng kiến độc đáo của anh, nhờ cách đó, chỉ trong 15 phút đã có thể phơi trần các ống mật và mạch máu trong gan để mô tả chúng một cách chính xác nhất.

Trong vòng bốn năm sau đó (1935-1939) Tôn Thất Tùng làm công việc buồn tẻ đến rợn người: mổ hơn 200 lá gan người chết! Anh phẫu tích tất cả lá gan ấy, vẽ thành sơ đồ, rồi đối chiếu chúng với nhau để tìm ra những nét chung. Từ đó anh viết bản luận văn tốt nghiệp bác sĩ y khoa nhan đề: Cách phân chia các mạch máu trong gan.

Đây thật sự là một khám phá y học bởi từ thời cổ đại Hy Lạp cho đến lúc bấy giờ chưa ai mô tả các mạch máu trong gan được rõ ràng, cặn kẽ như Tôn Thất Tùng. Bản luận văn được tặng huy chương bạc của Đại học Paris (Trường Y Hà Nội lúc bấy giờ là một bộ phận của Đại học Paris).

Sau khi nắm chắc các tĩnh mạch trong gan, năm 1939 Tôn Thất Tùng lần đầu tiên trên thế giới thành công trong việc cắt gan có qui phạm. Trước ông, một số nhà phẫu thuật Đức, Anh, Nga... cũng đã từng cắt gan, tổng cộng 87 trường hợp, nhưng không theo một quy phạm nào cả! Sở dĩ phải làm liều như vậy là vì trước ông chưa ai trên thế giới mô tả được đầy đủ, kỹ càng các mạch máu trong gan, do đó khi phải cắt gan, các nhà phẫu thuật đành cứ gặp mạch máu nào thì buộc lại mạch máu đó, nếu chẳng may bỏ sót - điều này rất dễ xảy ra - thì sau khi đóng bụng lại, người bệnh sẽ chết do chảy máu hay do hoại tử gan!

Nhiều năm sau, thế giới mới hiểu thấu và công nhận phương pháp do Tôn Thất Tùng đề xướng khi ông mới 27 tuổi, và nhà y học VN mới được gọi là “người cha của cắt gan có qui phạm”, được tặng giải thưởng phẫu thuật quốc tế Lannelongue, được bầu làm viện sĩ Viện Hàn lâm phẫu thuật Paris.

Mặc dù phải lo toan biết bao công việc, trước khi lên đường sang thăm nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên giao nhiệm vụ cho ông Hoàng Hữu Nam, thứ trưởng Bộ Nội vụ, phải đón cho kỳ được cụ Vi Văn Định về sống ở Hà Nội, kẻo “hữu sự thì không kịp”!

Bác nói: “Con cháu cụ Vi đều đi với cách mạng cả, hãy mời cụ về Hà Nội”. Bác còn dặn ông Vũ Đình Huỳnh phải tìm cho được những cán bộ cách mạng trước đây đã từng bị cụ Vi bắt giam, khi cụ còn làm tổng đốc tỉnh Thái Bình. Phải cầm giấy mời của Chính phủ lên trân trọng trao tận tay cụ, như vậy cụ mới thấy ta không giữ hận thù mà thật lòng đoàn kết.

Mùa hè nóng bỏng 1946. Ông Vi Văn Kỳ, con trai cụ Vi Văn Định, ngụ tại phố Hàng Da, Hà Nội, đang mặc quần cộc ngồi ở gian nhà trong, bỗng nghe người giúp việc chạy vào báo có một vị “khách Tây” không mời mà đến! Hóa ra đó là một tên mật thám Pháp xin gặp để ngỏ ý mời ông Kỳ trở về Lạng Sơn thay cha làm... “vua nước Tày - Nùng”!

Ông Kỳ hoảng quá, liền xin lên yết kiến cụ quyền chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng (Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó đang ở Pháp) và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Hoàng Hữu Nam để tường trình sự việc.

Ngay sau đó, cả gia đình ông Kỳ được ông Võ Nguyên Giáp sắp xếp cho lặng lẽ chuyển vào Thanh Hóa. Là con trai quan tổng đốc, thế mà ông Kỳ vẫn được tin cậy sắp xếp vào làm việc ở Bộ Nội vụ cho đến lúc về hưu. Chính sách dùng người của Bác Hồ là vậy: hết lòng tin cậy.

Mà quả như Bác dự đoán, nếu không kịp thời đưa cụ Vi Văn Định và con trai rời khỏi xứ Lạng, ắt sẽ xảy ra tình thế “hữu sự thì không kịp”...

Người VN thời ấy hầu hết thiên về tiếp thụ những tri thức sẵn có ở nhà trường trung học, đại học chứ chẳng mấy ai nuôi cao vọng phát minh, sáng chế. Tôn Thất Tùng là trường hợp đặc biệt hiếm thấy: cho đến năm 1945 đã công bố 63 công trình trên các tạp chí y học của Pháp ở Paris và ở Viễn Đông. Với thành tựu khoa học vượt trội không thể phủ nhận đó, năm 1940 ông được nhà cầm quyền Đông Dương bổ nhiệm làm trưởng khoa ngoại Trường đại học Y Hà Nội khi mới 28 tuổi.

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Lúc bấy giờ thỉnh thoảng Bệnh viện Phủ Doãn lại nhận được một bệnh nhân gọi là Việt minh do hiến binh Nhật dẫn đến. Hôm ấy bác sĩ Tùng mổ cho một thanh niên bị Nhật tra tấn rất dã man, đó là một anh thợ sắp chữ in. Lúc sắp chết, anh ấy cầm lấy tay bác sĩ, khuyên ông nên tin vào tương lai dân tộc. Ông bắt đầu đánh giá cao và suy nghĩ nhiều về phẩm chất người cán bộ Việt minh.

Sau này, giáo sư Tôn Thất Tùng viết trong hồi ký:

“Cách mạng Tháng Tám bùng nổ ở Hà Nội như một ngọn lửa hồng. Cùng với anh em Việt minh, chúng tôi giành chính quyền ở Bệnh viện Phủ Doãn. Chỉ cần nổ ba phát súng là ông chánh y tế Nhật và ông phó y tế Pháp bỏ chạy; ông trước với lưỡi gươm dài lòng thòng, ông sau với cái cặp đầy hồ sơ (…).

Một hôm tôi được mời gấp đến xem bệnh cho một “lão đồng chí”. Bước vào phòng, tôi thấy một ông già gầy xanh nhưng có đôi mắt rất sáng. Đó là Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Và từ cuộc gặp đầu tiên hôm ấy, tâm hồn tôi chuyển biến theo cách mạng dưới ánh sáng đôi mắt Bác Hồ.

Tôi được nghe các bạn tôi xì xào rằng Bác Hồ chính là Nguyễn Ái Quốc đó. Nguyễn Ái Quốc! Cái tên tôi rất quen biết. Từ khi còn học Trường Bưởi tôi đã nghe nói đến nhà yêu nước vĩ đại này mà tin đồn là đã chết trong một nhà lao ở Hong Kong.

Câu hỏi “Cụ có phải là Nguyễn Ái Quốc không?” luôn vương vấn trong óc tôi. Nhiều lúc tôi lăm le định hỏi nhưng rồi không bao giờ dám hỏi cả! Thường thì sau khi tôi tiêm thuốc cho Bác, Bác hay giữ tôi lại để hỏi chuyện công việc, gia đình. Biết tôi vừa có con trai đầu lòng, Bác nói: “Để tôi đặt tên cho nó. Tên chú có bộ mộc, nên đặt cho con chú tên Bách...”.

Những ngày sau đó quân Tàu “phù” của tướng Lư Hán tiến vào Hà Nội như nước lũ, với danh nghĩa đồng minh tước vũ khí quân Nhật.

Cùng đóng với quân Tàu Tưởng ở Bệnh viện Đồn Thủy có hai cố vấn Mỹ. Chính phủ ta giao cho giáo sư Hồ Đắc Di và bác sĩ Tôn Thất Tùng tiếp hai vị Mỹ kia. Một hôm, Patton - tên một tay cố vấn - châm chọc hỏi:

- Các anh nghĩ sao khi đi theo một chính phủ mà trong quốc khố chỉ còn 1 triệu bạc?

Giáo sư Di bình tĩnh trả lời bằng tiếng Pháp:

- Mais c’est notre gouvernement! (Nhưng đó là chính phủ của chúng tôi!).

Lặng lẽ chuẩn bị cho kháng chiến, bác sĩ Tùng được giao nhiệm vụ tìm kiếm thuốc men và dụng cụ y tế để mang dần lên chiến khu. Hầu hết bác sĩ, y tá trong Bệnh viện Đồn Thủy đều ngả theo cách mạng. Nhưng cái khó là ở cổng ra vào, bọn Tàu Tưởng vẫn bố trí một tên lính Nhật đứng gác, lăm lăm khẩu súng trong tay.

Bác sĩ Tùng bày mưu đem theo một anh y tá biết tiếng Nhật đến hỏi chuyện tên lính này. Trước khi chiếc xe tải chạy vào, ông hỏi thăm quê hương, cha mẹ, vợ con tên lính khiến hắn hết sức cảm động và còn cảm động mãi cho đến khi chiếc xe tải chở thuốc quí ra khỏi cổng từ lâu!...

----------

* Kỳ sau: Cơ hội "năm trăm năm rồng hé miệng một lần"

------------------

Tin, bài liên quan:

- Kỳ 2: Chàng rể Hồ Đắc Di- Kỳ 1: Chàng rể Nguyễn Văn Huyên

HÀM CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên