24/08/2005 04:23 GMT+7

Đi tìm "những bông hoa trên tuyến lửa"

MINH TÂM
MINH TÂM

TT - Tám năm trời như con thoi xuôi ngược khắp chiến trường xưa, các chị cùng đồng đội đã qui tập 168 hài cốt về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Kiên Giang và đã đưa về quê nhà ở Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh…

eFXDOPCl.jpgPhóng to
Chị Tuyết Thu và các cựu TNXP trong hành trình đi tìm hài cốt đồng đội
TT - Tám năm trời như con thoi xuôi ngược khắp chiến trường xưa, các chị cùng đồng đội đã qui tập 168 hài cốt về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Kiên Giang và đã đưa về quê nhà ở Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh…

Nhiều bà mẹ tóc giăng một màu sương ôm chặt các chị vào lòng nói: “Nếu không có các con, biết đến bao giờ mẹ mới “gặp” lại con mình…”.

Liên đội 1 thanh niên xung phong (TNXP) ở tuyến đường 1C thời chống Mỹ có khoảng 500 người, đa số là nữ ở lứa tuổi 13-24. Tuy nhiệm vụ chính là vận chuyển hàng chiến lược và lương thực cho toàn chiến trường miền Tây Nam bộ, nhưng trong một số trận đánh khốc liệt của bộ đội chủ lực cũng có mặt họ.

Khi vừa ngưng tiếng súng, TNXP phải ở lại để băng bó, chăm sóc các chiến sĩ bị thương. Không ít lần một tay dìu thương binh, một tay siết cò phá vòng vây của địch. Những chuyến vận chuyển vũ khí, đạn dược, gạo, thuốc men… trên tuyến đường 1C trải dài từ Campuchia đến huyện Hà Tiên, tỉnh Long Châu Hà (tỉnh Kiên Giang hiện nay) ngày ấy hầu như lúc nào cũng phải đi dưới làn đạn bom của địch...

Những kỷ niệm của một thời bom đạn khốc liệt đã trở thành một cõi lưu niệm thiêng liêng trong lòng những cựu TNXP. Trong một lần về khánh thành tượng đài TNXP 1C năm 1997 ở Kiên Giang, những đồng đội cũ gặp lại mới biết hài cốt của nhiều đồng đội đã hi sinh ở tuyến đường máu lửa năm xưa vẫn còn nằm trơ trọi đâu đó trên gò đất, bờ đìa hoặc sâu hun hút trong cánh rừng tràm bạt ngàn.

Ngày 2-8-1997, các cựu TNXP như Tuyết Thu, Út Mảnh, Minh Tâm, Phượng… bắt đầu hành trình đi tìm đồng đội. Trong một chuyến đi kéo dài cả tuần, nhóm đã tìm được bốn hài cốt. Khi phần đất nơi chôn chị Sáu Bé được đào lên, ai nấy cũng nghẹn ngào: “Sáu ơi! Các anh chị sẽ đem Sáu về Cần Thơ để em thỏa ước mơ ngắm cảnh bến Ninh Kiều...”.

Những tên hành chính Vĩnh Điều, Tân Khánh Hòa, Giang Thành, Vĩnh Gia… vẫn còn nhưng địa hình giờ đã quá nhiều thay đổi. Các khu rừng tràm bạt ngàn ngày nào giờ đã biến thành đồng ruộng mênh mông với hệ thống kênh rạch xẻ ngang cắt dọc không tài nào nhận ra những nấm mộ ở Gộc Xây lớn, Gộc Xây nhỏ, bờ đìa Ô Môi, tràm Ba Đương, kênh Tám Ngàn… mà các chị đã từng run tay đắp thuở xưa. Đôi lúc các chị đã bật khóc bởi tưởng chừng cuộc tìm kiếm rơi vào vô vọng.

Chị Tuyết Thu tâm sự có lần chị chực khóc khi tìm mãi mà không thấy hài cốt của đồng đội trong khi trời dần sập tối. Cả đoàn liền thắp hàng trăm cây nhang cắm khắp khu đất ở ấp Đồng Cơ, xã Vĩnh Phú rồi khấn: “Vong hồn các đồng chí có anh linh chỉ cho chúng tôi biết để đem hài cốt về đoàn tụ với đồng đội”.

Kỳ diệu thay, tàn của cây nhang cắm ngay gốc cây gáo cong cả một khúc, cả đoàn nhìn nhau rồi nhanh tay xẻng đào lên. Và bên trong tấm cao su chưa bị thời gian xóa đi là một hài cốt còn nguyên vẹn của người bạn chiến đấu thời nào. Có lần cả nhóm đau nhói tim khi ngẫu nhiên phát hiện dưới những đám ruộng xanh ở xã Vĩnh Phú là những nấm mộ tập thể của đồng chí mình.

Mãi đến tháng 10-2004, tổ qui tập hài cốt liệt sĩ mới được thành lập, chị Tuyết Thu và chị Út Mảnh nằm trong ban chỉ đạo của tổ. Sau đó đồng hành với những chuyến đi liên tục xuyên suốt mùa khô là quyển nhật ký của các chị ngày càng dài ra. Ngày 23-12-2004, tại xã Bình Sơn, tìm gặp 20 hài cốt. Ngày 17-1-2005 tại xã Vĩnh Điều, Vĩnh Phú tìm gặp 10 hài cốt. Ngày 1-6-2005, cũng tại xã Vĩnh Phú bốc được 57 hài cốt…

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên