01/09/2005 00:57 GMT+7

Tuổi 20 cho Ngày độc lập - Kỳ 5: "Chết tự do hơn sống nô lệ!"

VŨ BÌNH - THẾ ANH
VŨ BÌNH - THẾ ANH

TT - Ông vẫn còn tráng kiện lắm, giọng nói sang sảng đặc chất Nam bộ cho dù đã vượt qua cái ngưỡng tuổi 80: “Làm sao quên được những ngày ấy, những người nông dân, công nhân đồn điền cao su, học sinh trường làng... của cái xã An Tịnh nhỏ bé ấy cứ ngất ngây trước hai chữ: tự do!

GpeG7vOw.jpgPhóng to
Trung tướng Nguyễn Thới Bưng bên kệ sách gia đình
TT - Ông vẫn còn tráng kiện lắm, giọng nói sang sảng đặc chất Nam bộ cho dù đã vượt qua cái ngưỡng tuổi 80: “Làm sao quên được những ngày ấy, những người nông dân, công nhân đồn điền cao su, học sinh trường làng... của cái xã An Tịnh nhỏ bé ấy cứ ngất ngây trước hai chữ: tự do!

Ngọn cờ hồng trên chiến lũy!

Đời ông, đời cha mình có bao giờ được nghe hai chữ này đâu! Tôi và một số anh như Nguyễn Thanh Tùng, Huỳnh Duy Ngươn, Nguyễn Văn Sữa, Trương Tùng Quân, Trần Bá Liêm, Trần Bá Bên, Tô Văn Ri... tham gia đoàn thanh niên tiền phong xã và cùng với các đoàn thể trong ủy ban khởi nghĩa xã chuẩn bị cướp chính quyền...”. Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, nguyên phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN, nhớ lại tuổi 20 của mình.

Ngày 25-8-1945, người dân An Tịnh cũng như huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh và cả miền Nam cùng đứng lên cướp chính quyền. Những đoàn người cuồn cuộn như sóng biển. Vị tướng già đã đi qua trọn vẹn hai cuộc kháng chiến bồi hồi nhớ lại:

“Chúng tôi cùng xuống đường và hô vang khẩu hiệu: Việt Minh muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm! Dòng máu trẻ cứ rần rật chảy trong người. Hàng ngàn, hàng vạn con người, những đội hình đội ngũ chỉnh tề, trên tay chỉ với tầm vông vạt nhọn mà tinh thần đánh giặc vô cùng hăng hái, tưởng như quân Pháp, quân Nhật xuất hiện với tàu đồng, xe tăng, đại bác... cũng không thể ngăn nổi cơn sóng trào này. Nhìn bóng cờ đỏ sao vàng bay phần phật trong gió, chúng tôi đã thấy được bình minh của tự do...”.

Quân Pháp quay trở lại miền Nam! Để đối phó, cuối tháng 9 -1945 xã An Tịnh đã tuyển chọn một tiểu đội do đồng chí Nguyễn Ngọc Tươi chỉ huy chi viện cho mặt trận Tham Lương. Vừa chuẩn bị lực lượng, khí giới, công sự sẵn sàng cho cuộc chiến, vừa xây dựng phòng tuyến, chiến lũy địa đầu của tỉnh Tây Ninh tại khu vực Suối Sâu, các lực lượng thanh niên Gia Lộc, Lộc Hưng, Trảng Bàng... được khẩn cấp điều động ra chiến lũy, chiến tranh là không thể tránh khỏi!

Trung tướng Nguyễn Thới Bưng kể: “Sáng 8-11-1945, hàng trăm xe cơ giới có cả xe tăng và xe bọc thép do liên quân Anh - Ấn chỉ huy, theo sau là lính lê dương Pháp bất ngờ đánh úp Tây Ninh và vùng giáp giới Campuchia. Chúng tôi đều xung phong ra chiến lũy Suối Sâu chỉ vì một lời nguyện thề với lòng mình: Thà hi sinh trên chiến lũy dưới ngọn cờ hồng tự do chứ không thể trở về quê nhà tiếp tục lầm lũi kiếp nô lệ! Lúc đó trên chiến lũy súng thì ít mà giáo mác, mã tấu, tầm vông thì nhiều, nhưng ai cũng hừng hực ý chí xả thân...”.

Lời thề Rừng Rong

vu1kHuxg.jpgPhóng to

Đài tưởng niệm những chiến sĩ Rừng Rong tại Trảng Bàng, Tây Ninh

Phòng tuyến địa đầu vỡ nhanh chóng, tầm vông vạt nhọn sao có thể đối đầu với xe tăng, đại bác! Để bảo toàn lực lượng và cũng là để chuẩn bị cho một cuộc trường kỳ kháng chiến, các chiến sĩ trên chiến lũy Suối Sâu buộc phải rút về Bàu Mây, Rừng Rong (An Tịnh) chỉnh đốn lực lượng và liên lạc với các nơi khác như Trâm Vang (Gia Bình), Cầu Quan (An Hòa)... cũng đã rút lui để hợp lực cho sự ra đời của “Đội tự vệ chiến đấu huyện Trảng Bàng” do Trần Văn Chói chỉ huy, với 27 nam nữ chiến sĩ được chia thành nhiều nhóm do Mười Tùng, Sáu Hung, Út Bưng, Hai Ngươn... làm trưởng nhóm.

Các nhóm hoạt động dựa vào dân để đưa tin, tiếp tế, nuôi dưỡng, cung cấp vũ khí. Đội tự vệ chiến đấu chọn Rừng Rong làm căn cứ để tiến hành chiến tranh du kích. “Gian khổ lắm, những ngày cuối năm 1945 theo chân quân Pháp chiếm đóng là bọn tề gian tràn về cướp bóc, hãm hiếp bà con mình ngay giữa ban ngày. Diệt tề là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của đội, chúng tôi một mặt dựa vào dân, một mặt tìm mọi cách tiếp cận xóm làng để tổ chức trừ gian, giải tán hội tề, kết hợp tuyên truyền vận động bà con tham gia cách mạng… Sự tàn ác của giặc ban đầu làm bà con nao núng lắm, nhưng dần dần bà con đã lấy lại niềm tin với lực lượng kháng chiến chúng tôi...” - vị tướng già nhớ lại những ngày ấy.

Hồi ức của 60 năm trước sống dậy trong ông: “Hình ảnh về bóng cờ đỏ sao vàng bay trong gió của cái ngày cướp chính quyền, bóng cờ ám khói trên chiến lũy với chúng tôi không thể nào quên. Cuộc kháng chiến sẽ con rất gian khổ và lâu dài, làm sao để dân tin là chúng tôi - những người cách mạng - sẽ chiến thắng.

Để biểu thị lòng quyết tâm của đội tự vệ chiến đấu với lý tưởng cho nền độc lập và để người dân cũng có được niềm tin ấy, đêm 30 Tết Ất Dậu (ngày 1-2-1946), tại Rừng Rong, chúng tôi tổ chức ăn thề. 27 nam nữ chiến sĩ của đội tự vệ chiến đấu Trảng Bàng đều ở độ tuổi 20 và có thành tích xuất sắc nhất trong chiến đấu từ các mặt trận trong huyện trở về, quần áo chỉnh tề, chỉ với một vài khẩu súng trên vai, đội ngũ đứng nghiêm trang dưới ánh đuốc bập bùng trong đêm.

Sau khi đồng chí chỉ huy đội Trần Văn Chói đọc lời thề chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ nền độc lập của đất nước, cả 27 nam nữ chiến sĩ chúng tôi đều hô vang: “Độc lập hay là chết!... Chết tự do hơn sống nô lệ! Ai phản bội sẽ chịu xử tử...”.

Tất cả họ - những người con trai, con gái tuổi đôi mươi - đã giữ vững lời thề chết cho độc lập, chết cho tự do... Trong một lần tập kích, anh Nguyễn Văn Hung đã bị trúng đạn và bị bắt, quân Pháp tra tấn rất dã man nhưng anh vẫn không hé răng khai một lời về nơi đóng quân của đội tự vệ chiến đấu.

Còn chị Trần Thị Đường bị giặc bắt, bị chúng dùng dây điện quấn quanh hai bàn tay rồi ghim điện tra tấn suốt ngày đêm nhưng người con gái tuổi mới đôi mươi này có một dũng khí mạnh hơn đòn tra tấn, đó là lời thề trong đêm Rừng Rong. Nhiều chiến sĩ đã chọn cái chết trước mũi súng quân thù để bảo vệ khí tiết như chị Trần Thị Đẹp. Chỉ riêng trong năm 1946 ác liệt đó, đã có hơn phân nửa những người tham gia hội thề Rừng Rong vĩnh viễn nằm xuống!

Ông Nguyễn Thới Bưng cho đến bây giờ vẫn còn nhớ những cái tên, những gương mặt đã in đậm trong ký ức: “Người ta hay nói thanh niên bồng bột, nhưng với chúng tôi thời ấy cũng mới chỉ 19, 20 nhưng chín chắn lắm. Trước vận nước lâm nguy không thể có chuyện bộc phát sôi nổi. Không ai bội ước với lời thề. Đa số họ hy sinh rất sớm, nằm lại chiến trường ở tuổi 20, chưa thấy được độc lập, tự do. Nhưng những người còn lại vẫn tiếp tục đi trên con đường đó đến cùng.

Sau ngày miền Nam giải phóng, chúng tôi mừng rơi nước mắt, trong số 27 người ngày ấy có đến bốn người được phong quân hàm cấp tướng, hai sư đoàn trưởng, hai ủy viên trung ương, hai tư lệnh quân khu... Mà không chỉ vậy, xã An Tịnh chúng tôi đã hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và có đến 1.200 liệt sĩ, 54 bà mẹ VN anh hùng, năm cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang...

Có một địa danh ở Nam bộ cướp chính quyền thành công vào đêm 22-8-1945, trước cả Sài Gòn và tạo tiền đề cho nhiều tỉnh khu vực miền Tây Nam bộ đứng lên khởi nghĩa. Người chỉ huy sự kiện này là chàng trai 26 tuổi...

---------

* Kỳ cuối: Nơi cướp chính quyền đầu tiên ở Nam bộ

----------------

Tin, bài liên quan:

- Kỳ 4: Mỗi số phận chứa một phần lịch sử- Kỳ 3: Những "giải phóng quân" đặc biệt!- Kỳ 2: Lên đường!- Kỳ 1: Chung một bóng cờ...

VŨ BÌNH - THẾ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên