09/08/2005 00:41 GMT+7

Người "bắt mạch" những giếng dầu

TIẾN HÙNG - TRẦN NGUYÊN 
TIẾN HÙNG - TRẦN NGUYÊN 

TT - Trong ngành công nghiệp dầu khí, vị trí thiết kế khai thác quan trọng tới mức các công ty nước ngoài hay liên doanh đều không muốn người Việt nắm giữ vị trí này, sợ họ biết quá nhiều và có khi, vì quyền lợi quốc gia, sẽ gây ra những bất lợi cho đối tác.

g9v9m2gr.jpgPhóng to

Nguyễn Văn Út sinh năm 1960, quê quán Tân Bình, Cai Lậy, Tiền Giang. Tốt nghiệp ngành địa chất dầu khí - Đại học Hóa dầu ở Bacu (Liên Xô cũ). Năm 1988 vào làm cho Vietsovpetro. Năm 1995 được cử sang Canada học về công nghệ mô phỏng. Năm 2004 là trưởng phòng kế hoạch khai thác, Viện Nghiên cứu khoa học và thiết kế dầu khí, Vietsovpetro. Trong ảnh: Nguyễn Văn Út với “bài toán” mô phỏng dầu khí VN

Vậy mà ở Vietsovpetro (VSP) có một người Việt lại nắm toàn bộ chiến lược khai thác dầu khí ngoài thềm lục địa biển Đông. Đó là trưởng phòng thiết kế khai thác Nguyễn Văn Út. Thật bất ngờ khi biết lương của nhân vật này chỉ có 800 USD/tháng...

Con đường làm chủ công nghệ

Là dân miệt vườn Cai Lậy, Tiền Giang chính gốc nhưng lại “say” việc học, say đến mức hồi nhỏ người cha phải đốt sách vì muốn con “quay về” chăm lo thửa ruộng mảnh vườn.

Nhưng Nguyễn Văn Út vẫn kiên trì theo đuổi con đường đèn sách và đã đậu vào Đại học Bách khoa TP.HCM với thứ hạng đủ để được đưa sang học ngành địa chất dầu khí ở Bacu (Liên Xô cũ). Sáu năm sau trở về, hai vợ chồng xách túi ra Vũng Tàu gia nhập “đội quân dầu khí” từ cái thuở ngành công nghiệp này chỉ mới dừng lại ở khái niệm “một tiềm năng lớn”. Ngày ấy mà theo nghiệp dầu khí thì chẳng phải là “nghề số 1” mà còn có thể… đói như chơi.

Hai vợ chồng Út từng phải bán nốt cái bàn ủi cuối cùng mang từ Liên Xô về để sống qua ngày và vợ Út - một cử nhân tốt nghiệp Trường Kinh tế quốc dân - phải ngồi bán thuốc lá kiếm tiền độ nhật. Mà đâu chỉ có vợ chồng Út, thời ấy ai mà không vậy. Họ thuộc về một lớp trẻ chứng kiến sự phát triển của ngành công nghiệp dầu khí VN và đã không bỏ lỡ cơ hội để ghi tên mình vào dấu mốc của thời hưng thịnh.

Út tiến khá nhanh: vào dầu khí sau 10 năm (1988 -1998) đã trở thành chánh chuyên gia ngành dầu khí, nhưng bước ngoặt của anh chính là năm 1995. Đó là thời điểm mà ngành dầu khí phải tiếp cận với những công nghệ hiện đại nhất và người Việt phải thay người nước ngoài để nắm phần công nghệ này.

Một ngày đẹp trời, chàng kỹ sư 29 tuổi Nguyễn Văn Út được gọi lên để thông báo một thông tin quan trọng: một hợp đồng chuyển giao công nghệ mô phỏng trị giá 120.000 USD với Canada đã được ký kết và Út là người được đi học thứ công nghệ lạ hoắc này. Tiếp tục của những ngày không có ngày chủ nhật là sáu năm trời không có ngày phép bởi những đòi hỏi hết sức cao của công nghệ mô phỏng. Ở đó không chỉ phải biết về địa chất, về khoan mà kinh tế, kỹ thuật… cũng đều phải biết, phải lì ra mà học.

Tiếp cận nó, Út bước vào một thế giới mới nguyên: có một phần mềm, khi cho vào đó các thông số kỹ thuật sẽ cho ra những kết quả hình ảnh có thể rút ngắn khoảng cách hàng triệu năm trong quá khứ hoặc dự đoán vài thập kỷ sắp tới chỉ trong 20-30 phút. Đó là thứ công nghệ hiện đại nhất mà thế giới đang ứng dụng cho ngành khai thác dầu khí.

Cứ thế, mỗi năm một lần Út sang Canada cập nhật cái mới rồi về hướng dẫn lớp đi sau. Sau gần mười năm, Út bây giờ đã có thể tự hào về trình độ mô phỏng “biết được quá khứ, vị lai” của mình:

“Không cần phải ra khơi nhưng công việc mỗi buổi sáng sớm của tôi là “bắt mạch” cho 200 giếng dầu ngoài thềm lục địa VN. Tôi biết nó hít, thở thế nào, đau bụng, trúng gió… ra làm sao… Tất cả đều phải chuẩn xác đến từng thông số nhỏ. Công việc của chúng tôi là phải nắm thật chắc chắn hình hài địa chất vài ngàn năm và hiển thị nó thành một chuỗi mô phỏng chỉ khoảng nửa giờ đồng hồ. Và nửa giờ đó, số tiền mang về cho dầu khí VN có thể tính bằng hàng trăm triệu USD…”.

“Tại sao người Việt không thể làm được?”

Phòng làm việc của chuyên gia mô phỏng với ngổn ngang biểu bảng, sơ đồ, hình chụp công nghệ mô phỏng… từ loại trắng đen tới những hình màu lạ mắt. Út với tay về góc bàn lôi ra một tập số liệu: “Để mô phỏng được một quá trình, chúng tôi nạp dữ liệu phải theo đúng tiến trình lịch sử của những thông số, mỗi lần chạy chỉ được nạp vào một thông số mới. Trung bình hai tháng chúng tôi mới tạm ổn việc mô phỏng cho một giếng dầu, và với 200 giếng dầu mô phỏng thì thời gian vật lộn với nó đủ để làm chúng tôi mệt đến mụ cả người”.

Cái lợi hại của bộ môn này là những con số dự báo. Nó phải dự báo một cách chính xác những thông điệp ảnh hưởng tới chiến lược, bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ sẽ thiệt hại hàng triệu USD ngay tức khắc. Ví dụ một giàn khoan trị giá 50 triệu USD, một giếng khoan trị giá 2 triệu USD, ai biết được lượng dầu khai thác sẽ như thế nào nếu dự báo trong mô phỏng không chính xác? Nội việc khoan thăm dò, một giếng thăm dò sai sẽ thiệt hại đến 20 triệu USD. Còn mỗi đề án cho từng mỏ dầu đã trị giá đến 3-4 tỉ USD.

Đã có những lúc ở VSP luôn diễn ra những cuộc tranh luận triền miên giữa chuyên gia Nga và VN xem có nên bơm nước vào giếng khoan để tăng tỉ lệ dầu khai thác hay không, cái cách mà nhiều nước trên thế giới đã làm. Cuối cùng quyền quyết định thuộc về các chuyên gia Nga. Họ làm theo phương pháp bơm ba đới: chừa lớp khí ở đới trên cùng, khai thác dầu ở lớp giữa và bơm nước vào lớp đáy. Dầu được đầy lên trên và bơm ra ngoài.

Theo cách này, tỉ lệ dầu lấy được tăng 27- 33% nhưng vài năm sau, người ta thấy nước bắt đầu tràn vào các giếng dầu lân cận và theo mô phỏng trên máy, nước sẽ tiếp tục dâng lên và làm hỏng các giếng dầu đang khai thác. Mọi việc ngưng lại và Út bắt đầu một ý tưởng mới trong mô phỏng.

Thay vì bơm ba đới, Út rút xuống còn hai đới: lớp trên cùng, dầu được khai thác, ở giữa là một đệm không khí và dưới cùng nước được bơm vào. Quá trình mô phỏng cho ra những kết quả khả quan: tỉ lệ dầu lấy được lên đến 40% và các giếng dầu đảm bảo an toàn trong nhiều năm. Hàng trăm triệu USD tưởng đổ sông, đổ biển đã chạy ngược vào đất liền!

Sau này người ta tính toán lại thì sản lượng thu được từ công trình khoa học “bơm nước hai đới” sẽ thu được khoảng 7% của tổng sản lượng 450 triệu tấn dầu, tức người ta sẽ khai thác thêm được số lượng dầu... tương đương mỏ Rạng Đông hiện giờ! Vậy là người Việt đã có thể chủ động hoàn toàn.

90% xác suất khoan khi áp dụng công nghệ mô phỏng đã thành công mỹ mãn. Có những vị trí ngoài khơi nhiều công ty nước ngoài đã khoan nhiều lần mà không hi vọng, khi đưa công nghệ mô phỏng vào kết hợp với những kinh nghiệm xử lý dày dạn về địa chất, VSP lại tìm ra được giếng Mãng Cầu ở lô 043. Rồi ở mỏ Đ, một công ty nước ngoài thăm dò bị sự cố, bán lại tượng trưng với giá…1 USD, VSP đưa công nghệ mô phỏng dò vào lòng đất, khắc phục từng lỗi nhỏ trong khoan khai thác, giao lại cho xí nghiệp liên doanh điều hành khai thác, chẳng những khắc phục được sự cố mà lại tìm được dầu, ước tính lợi nhuận mang về cũng đến 30 triệu USD.

Hiện phòng thiết kế khai thác của Út đang có một dự án tiền khả thi về việc sử dụng lượng khí C02 thải ra từ Nhà máy điện Phú Mỹ, gắn vào một hệ thống thiết bị, thu hồi C02 hóa lỏng, dẫn ra biển, bơm xuống mỏ sẽ lấy thêm được 20% dầu, trị giá tương đương 3 tỉ USD!...

“Địa chất bây giờ không phải cầm cái búa gõ như hồi xưa nữa - Út bật cười khi nghĩ tới lúc anh quyết định thi vào ngành địa chất cách đây 20 năm - Học địa chất là đi tìm vàng”. Anh trăn trở về công việc: “Hồi xưa học địa chất để đi tìm vàng, giờ tìm được vàng rồi mà không khai thác hết là có lỗi…”.

Út hiểu cái tầm của mình khi nhiều sự cố, nhiều vấn đề các công ty dầu khí nước ngoài phải nhờ đến VSP tư vấn. Đưa chúng tôi trên chiếc xe hơi bóng lộn lượn một vòng qua bãi biển Vũng Tàu, anh nói về những lời mời mọc của các tập đoàn nước ngoài với mức lương tháng rất cao, có khi là vài ngàn USD, rồi so lại mức lương bảy tám trăm USD của mình hình như không mấy băn khoăn.

Anh chỉ nói: “Bây giờ, phía sau tôi là cả một lớp trẻ có thể tự tin về tương lai dầu khí của mình. Nhiều việc trước đây chỉ có chuyên gia nước ngoài được giao, bây giờ sau những thử nghiệm thực tế, các chuyên gia người Việt mình đã có thể đảm nhận nhiều phần việc, nếu không nói là tất cả nếu được đào tạo và làm việc trong những môi trường tốt nhất”.

Nuôi thỏ, nuôi chim cút, nuôi cá trê phi..., rồi làm yaourt bỏ mối, đạp gạo nấu men rượu, quậy xà phòng... Đó là tất cả những nghề mà Nguyễn Anh Nguyên đã “khởi nghiệp” trước khi trở thành một “thương hiệu” được thị trường nhân lực săn đón với mức lương hơn tỉ bạc mỗi năm.

-----------

* Kỳ sau: “Sếp IT” của Tập đoàn Unilever VN

----------------

Tin, bài liên quan:

- Kỳ 3: Hương Lúa - cô gái bạc tỉ!- Kỳ 2: Người “của” Bill Gates- Kỳ 1: Từ 50.000đ/tuần đến 6.000USD/tháng

TIẾN HÙNG - TRẦN NGUYÊN 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên