Đi cùng “hoa đêm”
![]() |
PV Kim Anh (áo trắng, thứ hai từ phải sang) cùng nhóm giáo dục đồng đẳng Q.1 đi tiếp cận những cô gái hành nghề mại dâm tại công viên 30-4 - Ảnh: Như Hùng |
Nhiều đêm đi cùng những người đồng đẳng, phóng viên Tuổi Trẻ đã có cái nhìn cận cảnh hơn về những cô gái “hoa đêm”...
“Tôi sinh ra ở vỉa hè, mẹ tôi là hoa đêm!”
Cùng các đồng đẳng viên (ĐĐV) quận 1, chúng tôi đến khu công viên 30-4 (TP.HCM). Nơi đây, chúng tôi nghe những cư dân sống về đêm nhắc đến một biệt danh: M. “khùng” đầy sự ngang tàng... Đó là một cô gái 25 tuổi có nước da đen, khuôn mặt “trời bắt xấu”, tóc để ngang vai.
Nhưng trong “thế giới về đêm” ở khu vực này thì ai cũng sợ cái tính ngang tàng của M., hễ đụng vào M. “khùng” là bị cô “xắt” ngay lập tức. M. “khùng” có thâm niên sống đường phố cũng gần bằng số tuổi 25 của mình. Sau nhiều đêm tiếp cận cùng các ĐĐV của quận 1 đi phát bao cao su cho những “hoa đêm”, tôi mới có cơ hội trò chuyện với M..
Cô bảo mình được sinh ra từ một cuộc tình hè phố. Người thân thiết nhất của cô trên cõi đời này là một phụ nữ mà thuở nhỏ cô gọi là bà ngoại. Đó là bà Hai “cô đơn” đã nhặt cô từ hè phố và đưa về sống chung trong căn nhà xập xệ ven bờ kênh Nhiêu Lộc đen ngòm ngày nào.
Tuổi lên 7, M. được trả lại hè phố khi bà Hai “cô đơn” qua đời, và rất tự nhiên, cô nhập ngay vào đám trẻ bụi đời khu vực Tân Định vừa đi xin ăn, vừa móc bọc, lượm ve chai.
“Bữa được người ta cho thì ăn no thở không nổi, bữa thèm một tô cơm với nước tương cũng không có. Đi ngang quán ăn mà nước miếng cứ túa ra, bụng réo chịu không nổi” - M. nhớ lại tuổi thơ dữ dội của mình.
“Tuổi nhỏ có cái cực của nhỏ, tuổi càng lớn cái cực, cái nhục càng lớn hơn và bây giờ cũng chẳng khá hơn” - M. lý giải về thâm niên giang hồ của mình như thế. Sống trên đường phố phải có phe cánh, có đàn anh bảo kê mới tồn tại được.
Đánh mất đời con gái từ khi còn rất nhỏ cũng là một cách để M. tồn tại trong chốn giang hồ. Rồi bị đàn chị đi trước rủ rê “bán vốn của mình kiếm tiền nuôi thân” và M. chấp nhận khi không còn gì để mất.
Ở khu vực hồ Con Rùa, chúng tôi la cà làm quen với H. , biệt danh là “gà ròm” vì H. có dáng mình dây mà mỏng như... sợi chỉ. Đêm đầu tuần, trời mưa suốt nên H. bị “ế hàng” cứ rảo tới rảo lui, mãi đến gần 22g mới có một khách đi xe cà tàng lạng tới.
H. đi nhanh lại gần giả lả cười chào mời, ra giá và leo lên xe với người đàn ông phóng vào màn đêm và chỉ hơn một giờ sau đã quay về bằng xe ôm. Trời se se lạnh, H. ngồi co rúm trên chiếc ghế đá. Tôi bước tới gần làm quen: “Mấy hôm rày làm được không em?”.
Mắt H. lạnh tanh như hơi sương khuya phả xuống: “Chán thấy mẹ, gặp toàn khách bèo nhưng cũng phải đi. Mấy hôm nay không còn một xu trả tiền thuê nhà nên ra đây ở luôn rồi, gặp mấy cha công an chạy chết mẹ luôn!”.
Gọi bịch trà đá của người phụ nữ đẩy chiếc xe đạp đi bán khuya, H. hút một hơi cạn hết rồi gục đầu ngao ngán.
Tôi ngồi sát bên tìm hiểu thân phận, H. chua chát: “Có gì đâu mà hỏi bà chị! Tôi là dân chợ Cầu Muối, không biết cha mình là ai, còn mẹ bị bắt vì bán ma túy, bỏ lại mình tôi khi đó mới 10 tuổi. Đêm tôi mò ra chợ, đón xe hàng về tranh nhau mót củ su củ cải bán kiếm tiền. Tối ngủ ké mái hiên hay sạp chợ vậy mà cũng lớn lên. Chẳng có ai bày cho tôi nghề này hết, tôi tự ra đây đi khách mà sống thôi...”.
Nỗi đau một kiếp làm người…
Trong những đêm ngồi lê la với những cô gái “hoa đêm” ở khu vực công viên 30-4, hồ Con Rùa, chúng tôi được nghe các cô kể về những “đồng nghiệp” mà theo các cô là “không khi nào quên tụi nó được”.
Như trường hợp Nh.: Nh. đã gác kiếm giang hồ vì vướng phải căn bệnh thế kỷ AIDS. Nh. cũng là gái hành nghề tự do không có má mì hay bảo kê quản lý. Các cô kể lại: Nh. vì hận tình với một gã xe ôm đã có vợ con, bị đánh ghen tưng bừng mà hận đời vướng vào ma túy.
Đồng đẳng viên (ĐĐV) là tập hợp các chị từng có cùng hoàn cảnh nhưng đã hoàn lương để tiếp cận với những cô gái bán dâm. Đội giáo dục đồng đẳng ra đời với mục tiêu: “Can thiệp giảm tác hại và nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cho cộng đồng”. Các ĐĐV đến để cung cấp kiến thức thông tin phòng chống HIV/AIDS và cả phương tiện (như bao cao su, bơm kim tiêm) cho những người bán dâm trên đường phố. Với năm ĐĐV ban đầu được thành lập vào tháng 4-1994, đến nay Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM đã xây dựng được 10 nhóm giáo dục đồng đẳng, hoạt động ở các địa bàn quận 1, 3, 4, 6, 10, 11, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Tân và nhóm “Đường sông” với 25 ĐĐV nòng cốt và gần 100 cộng tác viên. Mười năm qua, các ĐĐV đã tiếp cận hơn 58.000 lượt người, cấp 444.700 bao cao su và hơn 11.200 bơm kim tiêm, 152.480 tờ bướm tuyên truyền. |
Như trường hợp D.: không khác mấy so với thân phận của Nh., nhưng D. - một “hoa đêm” ở công viên Văn Lang - thì đã đi đến cuối con đường đời của mình với bệnh AIDS không từ ma túy mà do “mấy cha say rượu chơi có đời nào chịu mang bao cao su đâu. Không chịu thì nó đánh đập và xù tiền, rồi tụi choai choai hay chơi trò bề hội đồng nữa, biết đứa nào nhiễm, đứa nào không nhiễm”.
“Hôm biết mình bị sida, con nhỏ khóc như mưa...” - C., một “đồng nghiệp” của D., kể lại số phận đau khổ của bạn mình.
Chuyện ra đi của Nh., của D. và của nhiều cô gái khác là chuyện cơm bữa trên hè phố. Vậy mà M. - một “hoa đêm” - thú thật với chúng tôi: “Em đang có thai hai tháng. Thằng cha say rượu cứ tròng bao vào lại xé. Mình lỡ “cắn” tiền nó rồi nên nhắm mắt xuôi theo, không ngờ dính thai...”.
M. cho đến giờ vẫn chưa dám đi thử máu vì hình ảnh vật vã đau đớn của Nh., của D. trước khi nhắm mắt vẫn còn lởn vởn đâu đây...
Như mọi đêm, Ph. ra khá trễ và vẫn với chiếc xe đạp có gắn thêm ghế ngồi cho trẻ con. Mắt Ph. sưng húp. Cả nhóm nhào lại hỏi han, một chị hỏi: “Chồng đánh nữa hả?”.
Ph. vừa nghe hỏi đã khóc rống lên: “Thằng con tui bị bắt cóc mất rồi mấy bà ơi. Tại thằng chồng mê đánh bài, tui giao con cho nó giữ để đi ra đây làm kiếm tiền cho nó, vậy mà nó bỏ thằng nhỏ đi đâu mất tiêu rồi, tìm cả ngày chưa thấy...”.
Tưởng tìm được một người đàn ông về sống chung như một chỗ dựa, an ủi, nào ngờ đó là một gã bất nhân. Mỗi ngày hắn bắt Ph. phải phát “lương” cho hắn chơi bài. “Nhiều hôm không đủ nó uýnh tui bầm mình...”.
Mới đêm qua thôi, trời mưa ít khách, Ph. đã phải đi đến gần 3g sáng hôm sau mới rệu rã mang những đồng tiền tủi nhục đạp xe về nhà.
Những cô gái sống bên lề cuộc đời đã không còn tâm trí liếc ngang liếc dọc để tìm khách qua đường, những ĐĐV không còn khuyên nhủ những bài học phòng chống AIDS, đi phát bao cao su... mà bu quanh an ủi người mẹ mất con, những giọt nước mắt lăn dài sau những tiếng nấc tức tưởi của Ph...
------------------------
Kỳ tới: Người “phát quà” trong đêm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận