Cuộc thi Ký sự nhân vật 2005
Phóng to |
Trí đang chép bài toán vào vở (dùng thước kẻ gạch ngang)... |
Trí sinh năm 1993, là con thứ năm - con út của anh Nguyễn Văn An (48 tuổi) và chị Quang Thị Hây (45 tuổi), nhà ở ngã ba kênh 9, thuộc tổ 32, ấp Long Châu 2, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, An Giang.
Bốn người anh chị của Trí đã nghỉ học khi chưa xong cấp I vì gia đình quá nghèo, không có đất sản xuất, phải phụ cha mẹ làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày.
Anh An cho biết hồi mới sinh việc chăm sóc nuôi dưỡng Trí vô cùng khó khăn. Các anh chị của Trí phải đỡ đần cha mẹ chăm sóc đứa em khuyết tật. Nhà nghèo, cơm gạo, rau đồng và cá, cua, ốc vùng đồng quê này đã nuôi em lớn lên trong nỗi mặc cảm của cả gia đình.
Trong căn nhà lụp xụp xiêu vẹo, vách lá, lót ván tạp, rộng chưa tới 40m2 của anh An, có ai biết một cậu bé khuyết tật đã và đang nuôi trong lòng nỗi khát khao cháy bỏng được đi học.
Cho dù hằng ngày Trí đã tự làm một số việc cho bản thân mình bằng đôi chân khẳng khiu thay cho đôi tay như dùng chân kẹp muỗng xúc cơm ăn, cầm ly uống nước, cầm dầm bơi xuồng, cầm chổi quét nhà... nhưng để cầm viết thì thật khó tưởng, huống hồ cả gia đình anh An những con người lành lặn cũng chỉ học đủ để biết đọc, biết viết.
Vậy mà Trí đòi được đi học. Và không ai có thể tin được khi Trí âm thầm lấy tập, viết của anh mình, kẹp cây viết bằng mấy ngón chân trái để viết chữ vào quyển tập và tự viết được. Gia đình anh An đành phải chiều theo mong ước của con nhưng ai cũng ngại ngần.
Phóng to |
... và ăn bánh |
Trí phải ngồi ngay trên mặt bàn để viết bằng chân nên thầy cô phải để em ngồi bàn cuối, không cản tầm nhìn các bạn khác. Nhìn Trí dùng chân phải đè quyển tập, chân trái cầm viết để viết những chữ, những số ai cũng hiểu em khao khát được đi học như thế nào, cho nên khi đến trường, thầy cô, bạn bè đều cảm thông và sẵn lòng giúp đỡ Trí.
Đến nay, Nguyễn Minh Trí đã là cậu học sinh được thầy cô, bạn bè yêu mến và là một trong số năm học sinh giỏi của lớp 3D do thầy Dương Thanh Sơn chủ nhiệm. Thầy Sơn cho biết Trí rất thông minh, giỏi đều các môn, nhất là môn vẽ, môn toán.
Tôi xin phép được dự một tiết học và thấy khi thầy giáo nêu câu hỏi, các em khác giơ tay thì Trí giơ bàn chân trái đặt lên cạnh bàn, thầy giáo quan sát thấy và gọi em. Có lẽ lớp học của thầy Dương Thanh Sơn là một lớp học đặc biệt nhất ở nước ta.
Trên bục, dưới tấm bảng đen có kê sẵn một băng ghế dành riêng cho Trí. Trí đi lên bảng, thò chân dùng ngón cái và ngón trỏ kẹp viên phấn, một chân đứng trụ trên băng ghế, một chân kẹp viên phấn viết những chữ, những số lên bảng với những nét rõ ràng không chút thua kém các bạn học khác.
Đứng lặng nhìn em, đưa máy ảnh lên chụp hình ảnh này, mắt tôi bị nhòe đi trước ống kính. Tôi hiểu bên trong đôi chân gầy guộc đó không phải là xương cốt bình thường của con người mà là ý chí, là nghị lực, là nỗi khát khao được học và học phải thật giỏi để khỏi thua sút bạn bè, để vượt lên trên số phận bất hạnh.
Phóng to |
Trí lên bảng làm toán |
Đang trò chuyện cùng thầy Sơn thì mẹ Trí, chị Hây, cũng vừa tới. Được biết, ngày nào cũng vậy, mẹ hoặc anh chị của Trí đều mang đến lớp cho em nước uống và bánh ăn trưa. Nhà Trí hiện nay cách điểm trường khoảng 1km.
Ở nhà, Trí có thể làm rất nhiều việc như tự xúc cơm ăn, tự cởi áo bằng răng, mặc áo bằng chân (loại áo thun, không nút), nhưng vào trường chân em lấm bẩn vì bụi đất, vì phấn nên cần có người nhà đút cho ăn, cho uống. Chị Hây cho biết có nhiều hôm bệnh nhưng Trí nhất quyết không chịu nghỉ học, phải đến lớp học cùng bạn bè.
Gia đình anh An thuộc diện hộ nghèo nên Trí được hưởng chính sách trợ cấp của xã dành cho trẻ em khuyết tật (50.000 đồng/tháng), được miễn học phí, viện phí, được tặng cặp, sách, tập viết...
Vì đi học trễ nên giờ đây buổi sáng Trí học lớp 3, buổi chiều Trí học chương trình phổ cập lớp 4 để sang năm học sau có thể vào học lớp 5. Thầy Sơn cho biết với sức học của Trí, em có thể vào học lớp 5 ở năm học sau. Nhưng để Trí thực hiện được mơ ước học hành đến nơi đến chốn quả thật không phải dễ dàng.
Anh An cho biết sắp tới khi Trí học sang cấp II phải đến trường cách nhà hơn 3km. Để cho Trí tiếp tục học hành nhà anh cần phân công một người và phải lo tiền để mua một chiếc xe đạp. Điều đó không phải dễ dàng đối với gia đình anh.
Tôi đã gặp Trí cùng gia đình từ lúc em còn nhỏ. Lúc đó tôi không dám nghĩ rằng Trí có thể đi học được, nhưng hôm nay, chứng kiến những gì trước mắt và bắt gặp nỗi khao khát được học của Trí, tôi tin em sẽ tiếp tục bước trên con đường học vấn.
Không có đôi tay nhưng Trí có đôi chân, có nghị lực và ý chí. Đôi chân sẽ giúp Trí vượt qua số phận khắc nghiệt của đời mình...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận