24/01/2005 06:27 GMT+7

Thăng trầm phận Việt

BINH NGUYÊN
BINH NGUYÊN

TT - Thân phận những người Việt ở đất nước chùa tháp mà tôi gặp cũng ba chìm bảy nổi lắm, có người đã may mắn vượt lên, lên đến tột đỉnh vinh quang, nhưng cũng không ít những số phận chìm sâu dưới tận đáy xã hội và ngày về cố hương là quá xa vời...

YXQEDxYd.jpgPhóng to
Một góc xóm Việt ở biển Hồ, cách Siem Reap 20km
TT - Thân phận những người Việt ở đất nước chùa tháp mà tôi gặp cũng ba chìm bảy nổi lắm, có người đã may mắn vượt lên, lên đến tột đỉnh vinh quang, nhưng cũng không ít những số phận chìm sâu dưới tận đáy xã hội và ngày về cố hương là quá xa vời...

“Càng gần đất nước, càng xa quê hương…”

Hôm đi tàu cao tốc ngược dòng Tongle Sap lên biển Hồ, khi tàu vào lạch chuẩn bị cặp bến Siem Reap, tôi thấy “làng nổi” của người Việt ven biển Hồ. Chỉ cách trung tâm Siem Reap chưa tới 20km, nhưng làng Việt này lại là một trong những phum (làng) nghèo nhất nơi này.

Những căn nhà nổi tồi tàn, xiêu vẹo, lên xuống theo con nước biển Hồ, trên đó treo nhiều bảng hiệu dịch vụ bằng tiếng Việt: hớt tóc, uốn tóc, sửa chữa máy móc và cả một nhà thờ Công giáo cũng nổi lềnh bềnh như thân phận cư dân của nó. Làng nổi này có 356 hộ với gần 2.000 nhân khẩu.

Thành là một thanh niên gốc gác Long Xuyên, sinh ra trên biển Hồ, lớn lên bằng con cá biển Hồ, anh chỉ biết từ thời bà nội đã đưa gia đình sang đây sống bằng nghề đánh cá. Con cá ngày trước của biển Hồ mênh mông đã làm làng nổi này sung túc lắm, bà nội anh đã từng dành dụm được vài trăm lượng vàng từ con cá, vậy mà bây giờ Thành phải chạy gạo từng bữa ăn. Đặc biệt cả làng nổi không mấy ai biết mặt con chữ Việt, cũng có trường dạy tiếng Khơme, nhưng chẳng ai nghĩ mình sẽ học tiếng Khơme bởi chữ Việt cũng còn chưa biết...

Trước khi lên Poi Pet, anh Ni Yong - một đầu mối khá quan trọng ở thủ đô Phnom Penh đối với nhiều người Việt từ bên nước sang, kể cả các đoàn doanh nghiệp - đã giới thiệu tôi với ông Cao Xuân Thích, phó chủ tịch Hội Việt kiều tỉnh Bantey Meanchey. Ông Thích nguyên là đại úy quân tình nguyện VN, sau chiến tranh ông ở lại, lập gia đình với một phụ nữ Campuchia và chọn Poi Pet làm quê hương thứ hai.

Ở Poi Pet người Campuchia gọi ông bằng tên kính trọng hơn: Viet Nam mekhum (xã trưởng VN) bởi ông còn là chủ tịch Hội Việt kiều tại Poi Pet. Đón tôi tại khách sạn Okiday Angkor ngay quảng trường trung tâm Poi Pet, ông Thích vui mừng bảo: “Lâu lắm mới được đón khách từ Sài Gòn sang, nhưng đi đứng phải cẩn thận. Ở Poi Pet Hội Việt kiều chỉ khoảng 1.000 người, đông nhất của tỉnh, số này tôi quản lý từng người. Khó nhất vẫn là số giang hồ tứ xứ sang sau ngày mở cửa khẩu quốc tế (1999) có đến hơn 2.000 người. Do Poi Pet là “vùng đất tự do” nên không ít là đối tượng trốn lệnh truy nã, cướp giật, lừa đảo, buôn người...”.

Ông Thích có thể kể vanh vách từng cái tên với những thành tích bất hảo. Ông nói buồn buồn: “Tôi biết nhưng không dây vào làm gì, cảnh sát Campuchia không làm thì thôi, tôi chỉ lo cho bà con làm ăn chân chính... Khổ lắm, Campuchia là nước láng giềng VN, nhưng càng gần đất nước càng thấy xa quê hương anh ạ. Tôi cũng đã gặp nhiều Việt kiều các nước về chơi, họ nhận xét không Việt kiều nơi đâu khổ bằng ở Campuchia...”.

Hầu hết Việt kiều ở đây đều không thể chứng minh nhân thân của mình, ngày rời quê hương đa phần theo con đường bất hợp pháp, sang đây chỉ mưu sinh qua ngày, hồi biến động thì không ai để ý, nhưng đến khi hòa bình thì không được nhập tịch hoặc cấp giấy tờ tùy thân. Họ sống hàng chục năm trời mà không biết mình quốc tịch gì, Việt, Khơme hay Thái?

Tôi đến thăm xóm Việt kiều ở phum Kba Sopin, đó là dãy nhà tồi tàn, lợp bằng đủ loại vật liệu lá, giấy, tôn... nói là xóm Việt cho oai thật ra tất cả đều phải thuê lại của người Campuchia. Có tiền thì thuê một căn 10m2 giá 1.000 baht/tháng (đơn vị tiền tệ Thái Lan, 1 baht khoảng 400 đồng VN), được phép sử dụng nhà vệ sinh. Còn thường thì 400-500 baht/tháng, mỗi khi đi vệ sinh hay tắm giặt phải trả thêm 1-2 baht.

Kiếm vài chục baht/ngày bên chợ Rong Kloea đã là khó lo cho cái ăn từng ngày, do đó bốn, năm người góp tiền với nhau thuê một căn 400 baht với diện tích 8m2! Cả Poi Pet chỉ có năm hộ là mua được đất cất nhà. Rất nhiều người tìm đến ông Thích hỏi cách xin trở về vì giấc mộng tha hương đã đọa đày họ cùng cực...

Ông Thích bảo: “Lo cho người sống khổ một, lo cho người khuất mặt khổ trăm lần”. Theo phong tục ở Campuchia, khi chết chỉ thiêu mà không chôn, mua quan tài loại rẻ nhất để thiêu chỉ tốn 4.000 baht, nhưng chưa bao giờ ông Thích đi quyên góp trong cộng đồng được quá 2.000 baht cho một đám tang.

Ông Thích tuy làm phó chủ tịch Hội Việt kiều tỉnh, kiêm chủ tịch Hội xã Poi Pet, nhưng ông làm vì trách nhiệm với cộng đồng xa xứ chứ không có một đồng kinh phí nào cả. Và tôi còn biết thêm ông Thích là một trong những người nghèo nhất Poi Pet!

Nhưng nỗi khổ lớn hơn của ông Thích là ba đứa con đều mang tên Khơme: Vah Na 17 tuổi, Kum Hen 16 tuổi, Roh Tha 14 tuổi và đều không nói được tiếng Việt! Ông chỉ đủ sức đầu tư cho cậu con trai cả Vah Na tiếp tục theo học lớp 10 trường Campuchia, còn hai cô gái út thì đã bỏ học từ lâu, ở nhà chạy chợ phụ ông.

Ông tâm sự: “Đau lắm chứ, làm sao chúng biết gốc gác, quê nội khi không biết chữ Việt, hôm vừa rồi tôi đánh con Roh Tha một trận vì nó dám nói với tôi là nó vừa mới “tâu xa Dun” về (đi chợ VN, từ Dun hàm ý miệt thị người Việt! - NV)”.

Cả đời chinh chiến có học hành được là bao, nhiều năm qua ông cũng chạy khắp nơi tìm giáo viên, mở lớp tiếng Việt ngay tại nhà mình, tìm được một anh duy nhất có bằng THPT về dạy nhưng chỉ chừng hai tháng phải đóng cửa lớp vì thầy đã sang Thái Lan mưu sinh do không chịu nổi đồng lương của “lớp học tình thương” nơi đất khách!

Công tước Campuchia quốc tịch VN

Quê ở Đồng Tháp, sinh ra ở Prey Veng, trong loạn lạc về VN mần ruộng mướn, sau năm 1979 trở lại Campuchia khởi nghiệp với một chỉ rưỡi vàng và sau 25 năm mưu sinh trên đất khách đã trở thành một trong những người giàu có nhất Campuchia với tài sản hàng trăm triệu USD và được đích thân nhà vua Norodom Shihanouk ban tặng danh hiệu cao quý Oknha - công tước hoàng gia.

Đó là câu chuyện truyền tụng về ông Sok Kong trong cộng đồng người Việt ở Campuchia trong những ngày gần đây, bởi trước đó ông luôn lặng lẽ, kín đáo về nhân thân cho đến gần đây bất ngờ tuyên bố: “Tôi là người VN” (Tuổi Trẻ Chủ Nhật số ra ngày 21-11-2004 đã có bài viết về Oknha Sok Kong - NV).

Với một chỉ rưỡi vàng khởi nghiệp, Sok Kong đầu tư kinh doanh chất dẻo, làm vỏ xe đạp, sản xuất dép râu cho quân đội, sau đó chuyển sang kinh doanh xăng dầu và quân trang cho quân đội Campuchia. Từ năm 1999, ông mạnh dạn đầu tư thầu kinh doanh toàn bộ khu đền Angkor. Chính phủ ra thầu 1 triệu USD/năm, ai cũng lắc đầu, lè lưỡi vì đó là số tiền quá lớn và lượng du khách đến Angkor trong thời gian này chưa bao giờ dám nghĩ đến con số 100.000 khách/năm.

Vậy mà Sok Kong đã thắng lớn trong phi vụ Angkor, nguồn thu mang về cho ông 2,5 triệu USD trong năm đầu tiên! Từ đó ông bước sang lĩnh vực du lịch, đầu tư khách sạn năm sao (Sokha Hotel ở Sihanouk ville trị giá 20 triệu USD, Sokha Angkor ở Siem Reap trị giá 25 triệu USD...).

Ở Campuchia, bất cứ ai đóng góp cho phúc lợi xã hội từ 100.000 USD sẽ được đích thân nhà vua trao tước hiệu công tước hoàng gia, vậy mà ông Sok Kong đã đóng góp đến 9 triệu USD! Và ông là người gốc VN duy nhất được trao tước hiệu này từ trước đến nay.

Hôm đầu tiên ở Siem Reap, tôi còn được cộng đồng người Việt giới thiệu đến ăn tại cụm nhà hàng Bayon và sau đó đến nghỉ tại khách sạn Apsara Palace tọa lạc trên trục đường chính của Siem Reap. Với bốn nhà hàng và một khách sạn loại sang trọng có tiếng ở Siem Reap mà chủ của nó là anh chị em ông Voeuk Huot, một người Khơme gốc Việt quê ở Châu Đốc, An Giang.

Bà Vò, vợ ông Huot, cho biết: “Tôi mới cho một người Đài Loan thuê kinh doanh lại khách sạn, gia đình chỉ trực tiếp làm cụm bốn nhà hàng đều mang tên Bayon. Tôi đang bàn tính với một số doanh nghiệp từ VN sang mở thêm một nhà hàng trong khu vực đường đi đền Angkor”. Theo nhiều người, trị giá tài sản của gia đình bà Vò lên đến cả triệu USD.

Một ly cà phê phin được khách Tây gọi là Vietnam kickstart giá 1 USD, một tô phở bò nấu đúng khẩu vị miền Nam giá chỉ 2.500 riel. Không chỉ khách Tây, nhân viên các tổ chức quốc tế tại Siem Reap, mà cả công chức nhà nước, nhà buôn Campuchia ghé ăn khá đông tại nhà hàng mang tên khá ngộ: Lẩu Rồng, nằm ngay góc đường sang trọng Mondol Svey Dong Kum, chủ cũng là một người VN.

Chị không cho biết tên thật, chỉ tự xưng là chị Hai, quê ở Tây Ninh sang Siem Reap mưu sinh từ những năm 1990. Chị Hai kể: “Ngày trước sang khổ lắm, nhiều người rủ đi buôn nhưng tôi thấy mình có tay nghề nấu ăn nên quyết mở nhà hàng, ky cóp đến tận hôm nay”.

Chị Hai cho biết người VN ở Siem Reap khá đông, nhưng thành đạt thì không bao nhiêu, chủ yếu buôn gánh bán bưng, chị cũng ngại thuê mướn vì không biết gốc gác, thậm chí chị đã từng nhiều lần bị đồng hương lừa lấy mất cả chục ngàn USD.

Cả Siem Reap không có Hội Việt kiều để sinh hoạt, do đó cũng không có trường cho con em kiều bào học chữ Việt, hai đứa con chị Hai sau khi học xong trung học đã về TP.HCM du học tại Trường Đại học RMIT. Chị nói: “Lắm lúc cũng buồn, con cái gốc Việt mà về VN thì gọi là đi du học và chẳng đứa nào nói được tiếng Việt”.

---------------

* Kỳ tới: Những kẻ cướp mộ

BINH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên