08/01/2005 00:04 GMT+7

Nhớ Trần Quang Long

LÊ HIẾU ĐẰNG (Trích trong tập Trần Quang Long - cuộc đời và tác phẩm - NXB Thuận Hóa - 2005)
LÊ HIẾU ĐẰNG (Trích trong tập Trần Quang Long - cuộc đời và tác phẩm - NXB Thuận Hóa - 2005)

TT - Tôi gặp Trần Quang Long trong phong trào học sinh sinh viên chống chính quyền Ngô Đình Diệm, Nguyễn Khánh của những năm 1963 - 1964 ở Huế. Lúc ấy tôi học đệ nhị Trường Quốc Học Huế, còn Long đã là sinh viên Đại học Sư phạm Huế, chủ biên tạp chí Đất Mới, tiếng nói của Tổng hội Sinh viên Huế. Long hơn tôi hai tuổi.

Ks1hc1np.jpgPhóng to
Trần Quang Long ghi phía sau tấm ảnh: Chiều thứ sáu 22-5-1964 "thằng tù trong và thằng tù ngoài". Lê Hiếu Đằng (bên phải) đang bị giam tại lao Thừa Phủ được can thiệp ra dự thi tú tài năm 1964
TT - Tôi gặp Trần Quang Long trong phong trào học sinh sinh viên chống chính quyền Ngô Đình Diệm, Nguyễn Khánh của những năm 1963 - 1964 ở Huế. Lúc ấy tôi học đệ nhị Trường Quốc Học Huế, còn Long đã là sinh viên Đại học Sư phạm Huế, chủ biên tạp chí Đất Mới, tiếng nói của Tổng hội Sinh viên Huế. Long hơn tôi hai tuổi.

Những ngày ở Huế, Sài Gòn...

Lúc ấy chúng tôi hướng về miền Bắc, hướng về Hà Nội với biết bao hi vọng... Chúng tôi đã quen nhau và đấu tranh trong bối cảnh đó.Và cho đến nay, tôi vẫn nhớ như in một kỷ niệm sâu sắc về Long. Trong một đêm tối mịt mùng, Trần Quang Long và tôi thoát khỏi vòng vây của công an, cảnh sát của chính quyền Huế - lúc bấy giờ, vượt qua cầu Bạch Hổ, đi thẳng lên chùa Thiên Mụ.

Ngồi bó gối bên nhau, mải miết nhìn dòng sông Hương chảy dịu dàng trong đêm tối cô tịch, chúng tôi nhớ đến bạn bè, những nam nữ sinh viên học sinh Huế đang tiếp tục bị tù tội, đàn áp. Bỗng có một vị sư trẻ đến ngồi cạnh Long và tôi, nói nhỏ nhẹ bằng một giọng Huế khá nặng: “Hai anh là sinh viên ở mô mà lên cõi đây lánh nạn?”...

Một lúc lâu, sau một phút ngần ngại, vị sư nọ chậm rãi thì thầm nói cho chúng tôi nghe về phong trào đấu tranh của nhân dân các thành thị miền Nam cùng với Huế nổi lên chống lại chế độ Ngô Đình Diệm, về phong trào đấu tranh của nông dân ở nông thôn đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng miền Trung và sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, do luật sư Nguyễn Hữu Thọ - một trí thức yêu nước nổi tiếng làm chủ tịch. Và lần đầu tiên chúng tôi được nghe bài Giải phóng miền Nam của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (lúc ấy lấy tên là Huỳnh Minh Siêng). Long và tôi lặng đi vì xúc động. “Vận nước đã đến rồi. Bình minh chiếu khắp nơi. Nguyện đem tươi sáng đến cho muôn người...”. Giọng đồng ca hùng tráng, tiếng kèn vang lên thúc giục, xóa tan đi mọi nỗi u uất, sợ hãi trong lòng chúng tôi. Long và tôi như được hồi sinh.

Và ngay rạng sáng đêm hôm ấy mặc dù thành phố còn giới nghiêm, Long và tôi vẫn liều lĩnh vượt cầu Bạch Hổ về lại khu Trường đại học Y khoa, Đại học Sư phạm, Trường Đồng Khánh, Quốc Học, tiếp tục cùng bạn bè chuẩn bị các cuộc xuống đường, hội thảo với một sinh lực mới...Đầu năm 1964 tôi bị bắt. Ba tôi đã biết bao lần khổ cực vượt qua cánh đồng An Cựu trong mưa gió để thăm nuôi tôi. Nay ông lại bảo lãnh đưa tôi đi thi tú tài II. Đến ngày thi, tôi thấy ba tôi cùng Trần Quang Long đứng trước cổng nhà tù để đón tôi.

Thấy tôi, Long mừng rỡ ôm chầm lấy. Không bao giờ tôi quên buổi sáng mai hôm ấy... Hình ảnh của một Trần Quang Long chí tình với bè bạn, say sưa với phong trào đấu tranh, không chịu khuất phục, luôn luôn lạc quan tiến về phía trước...Năm 1967, Long dạy học ở Cần Thơ. Thời gian này Long thường xuyên về Sài Gòn nên Tổng hội Sinh viên Sài Gòn mời Long làm ủy viên văn nghệ của tổng hội và là chủ tịch Hội Sinh viên sáng tác, chuẩn bị cho sự ra đời của tuyển tập Tiếng hát những người đi tới.

Trong không khí sôi sục của Sài Gòn những năm 1966, 1967, Long đã sáng tác Thưa mẹ, trái tim..., một bài thơ có sức lay động dữ dội mà sinh viên học sinh Sài Gòn cũng như ở các thành thị miền Nam đã trích một số câu để sử dụng như là khẩu hiệu hành động, thúc giục sinh viên học sinh vượt qua mọi khó khăn, trở ngại mà tiến lên...Cuối năm 1967, để chuẩn bị cho việc tập hợp lực lượng quần chúng phục vụ cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Tổng hội Sinh viên Sài Gòn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ.

Tập thơ Tiếng hát những người đi tới ra đời trong bối cảnh đó mà người đã đem hết tâm sức ra để làm nên tập thơ này chính là Trần Quang Long. Tập thơ đã trở thành người bạn đường của sinh viên học sinh Sài Gòn trong những ngày đấu tranh quyết liệt trên đường phố, trong giảng đường, trường học, trong những đêm không ngủ bên ánh lửa bập bùng...

IXOnWCvn.jpgPhóng to
Trần Quang Long (ngồi, bên trái) tại bệnh viện, sau vụ biểu tình bị đàn áp tại Qui Nhơn 1966
Những ngày cuối cùng ở chiến khu

Đầu năm 1968, trong khói lửa mịt mù của cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân, tôi rời Sài Gòn để tham gia Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình VN. Thời gian sau, Trần Quang Long, Trần Triệu Luật (sinh viên Đại học Sư phạm Sài Gòn và là một cây bút sinh viên hết sức sắc bén trong các bài chính luận) cũng lên đến địa điểm tập kết.

Tôi mừng rỡ ôm chầm lấy hai anh, cảm giác lẻ loi trong những ngày đầu ở chiến khu không còn nữa. Biết hoàn cảnh Long và Luật nên tôi càng cảm phục hai anh. Riêng hoàn cảnh Trần Quang Long càng thương hơn. Anh ra đi trong lúc vợ anh, chị Quỳnh Như, đang mang thai cháu Xuân Thắng.

Đêm đầu tiên nằm kề nhau trên cánh võng, Long đã nói hết cho tôi nghe những đấu tranh, dằn vặt, đau đớn của anh khi phải rời xa người vợ yêu thương đang mang thai đứa con đầu lòng để ra đi mà không biết bao giờ sẽ trở về... Như là một định mệnh, Long đã có những câu thơ như báo trước số phận của mình:

Ta đi không kịp ẵm con thơKhông kịp về thăm người vợ chờ....Bao năm biền biệt chẳng tăm hơiEm chắc ngờ ta đã chết rồiChôn chặt căm thù trong đất lạnhRừng chiều núi sớm vọng hồn ai...(Tiếng hát của người tù - Trích Vực thẳm và hi vọng)

Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sau đó, Long gạt bỏ mọi nỗi buồn, lao vào cuộc sống ở chiến khu như một chiến sĩ. Anh lấy bí danh là B40, tên của một loại vũ khí chống tăng có sức xuyên phá rất hiệu quả của quân giải phóng. Chắc hẳn thơ anh giờ đây không chỉ là chông “xuyên gan lũ giặc”, không chỉ là kiếm sắc “chặt đầu văn nghệ tay sai” mà còn dữ dội như khẩu B40 có sức công phá phi thường.Sau đại hội thành lập Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình VN, tôi và một số thành viên trong liên minh được phân công qua Ban tuyên huấn Trung ương cục miền Nam (B9) để thực hiện giờ phát thanh của liên minh trên đài Giải phóng. Tổ gồm nhà giáo Thiên Giang, nữ văn sĩ Vân Trang, kỹ sư Trần Thiện Tứ, Trần Quang Long, Trần Triệu Luật và tôi.Có những buổi chiều Long và tôi ra ngoài trảng trống, im lặng ngồi bên nhau nhớ về Sài Gòn. Thế rồi như là một định mệnh, thơ anh đã thành hiện thực: Long không bao giờ gặp lại Quỳnh Như và đứa con đầu lòng được nữa. Thật kỳ lạ, đêm trước buổi sáng oan nghiệt đó, Long nhận được thư của Quỳnh Như và hình của đứa con trai đầu lòng mới được mấy tháng tuổi. Long vui như mở hội đem khoe với chúng tôi. Quỳnh Như đã đặt tên cho con là Xuân Thắng, như là một thông điệp gửi cho Long và bạn bè trong chiến khu niềm tin về một mùa xuân thắng lợi. Nhưng đau đớn và xót xa biết bao khi Long đã cùng Trần Triệu Luật ngã xuống vào buổi sáng 11-10-1968 sau một trận đánh bom ác liệt của máy bay Mỹ vào căn cứ của Ban tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (B9).

Quả bom 500kg của máy bay phản lực F105 của Mỹ đã rơi trúng ngay căn hầm của Long và Luật, đào thành một hố sâu hoắm, chỉ cách căn hầm tôi núp 15m. Trần Quang Long, Trần Triệu Luật đã hi sinh như thế đó...

Tôi viết những dòng hồi ức này về những chặng đường đã qua của Trần Quang Long như là một nén hương tưởng nhớ đến anh, đến Trần Triệu Luật và biết bao bạn bè, người thân trong phong trào học sinh sinh viên đã nằm xuống mãi mãi vì lý tưởng công bằng xã hội, vì một miền Nam hoàn toàn được giải phóng.

Đã 36 năm ngày Long, Luật hi sinh (11-10-1968 - 11-10-2004), đã gần 30 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất một nhà, khoảng thời gian dài của nửa đời người nhưng mỗi chúng ta đã làm được gì?

Câu hỏi ấy cứ ám ảnh tôi mãi và những gì mà anh và biết bao người đã ngã xuống để lại cho đời, cho đất nước này luôn nhắc nhở chúng ta, những người còn sống sót sau những năm tháng chiến tranh, không thể vô ơn, quên lãng nỗi khát khao cháy bỏng của biết bao thế hệ tuổi trẻ VN về một xã hội công bằng, một xã hội mà “Đến con trâu cũng nghé ngọ yêu người” (thơ Thiết Sử - Thư gửi các bạn sinh viên), về một đất nước VN thật sự độc lập - tự do - hạnh phúc.

Hãy nghĩ đến họ mỗi khi thấy lòng ta bắt đầu nguội lạnh, thờ ơ trước cảnh các em bé gầy còm tranh nhau kiếm sống trên các bãi rác ở ngoại ô thành phố mỗi lúc hoàng hôn xuống. Hãy nhớ đến họ mỗi khi chúng ta cơ hồ xuôi tay, bất lực trước những bất công xã hội, trước những tệ nạn quan liêu, tham ô, lãng phí... Hãy cùng nhau tiếp tục đi theo con đường mà cả một thời trai trẻ chúng ta đã chọn lựa...

Tháng 10-2004

Trần Quang Long sinh ngày 6-2-1941 tại Huế. Anh học Trường Quốc Học và sau đó tốt nghiệp khoa văn ĐH Sư phạm Huế. Trong thời gian dạy học ở Qui Nhơn và Cần Thơ, anh đã tham gia phong trào đấu tranh chống độc tài áp bức của thanh niên đô thị miền Nam và dùng thơ văn của mình như một vũ khí sắc bén để vạch trần tội ác của chính quyền tay sai, hâm nóng nhiệt tình yêu nước của tuổi trẻ học đường.Là chủ tịch sáng lập Hội Sinh viên sáng tác thuộc Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, anh đã chủ trương, biên tập với nhiều tờ báo của phong trào đấu tranh như: Sinh Viên Huế, Đất Mới, Dân (Huế), Sinh Viên Sài Gòn hoặc cộng tác với các tờ báo ở Sài Gòn như: Tin Văn, Đất Nước... Anh hi sinh khi mới 27 tuổi.

Thưa mẹ,...Mẹ ơi con của mẹChỉ còn có trái timSẽ sống nhờ trái timSẽ chết nhờ trái timLà tâm hồn con đóLà vần thơ con đâyBài học i tờ ngày xưa mẹ dạyCon viết thành lời đắng cayDòng máu anh hùng cha con kháng PhápCon luyện thành lời hăng say

Con sẽ vót nhọn thơ thành chôngXuyên vào gan lũ giặcCon sẽ mài thơ như kiếm sắcChặt đầu văn nghệ tay saiTrả thù cho cha, rửa hờn cho nướcCho con ngửng đầu nhìn thẳng tương lai

Nếu thơ con bất lựcCon xin nguyện trọn đờiDùng chính quả tim làm trái pháSống chết một lần thôi

Con sẽ chết như những người đã chết và những người đang chếtNhưng trái tim conSẽ đời đời bất diệtDẫu đã nổ tan tànhDẫu đã khô máu hết

Vì mẹ ơi con biếtTrái tim con là thơTrái tim con là rừng là núiLà lúa là ngô là cam là bưởiLà quá khứ, là tương laiLà khổ đau, là hạnh phúcLà đấu tranh, là bất khuất

Trái tim con là của con ngườiViết lịch sử mình trên mặt đấtBằng từng nét máu thắm tươi

(Trích)

LÊ HIẾU ĐẰNG (Trích trong tập Trần Quang Long - cuộc đời và tác phẩm - NXB Thuận Hóa - 2005)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên