23/06/2014 11:00 GMT+7

Bốn đứa trẻ giữa rừng sâu

SƠN LÂM - NGUYỄN NAM
SƠN LÂM - NGUYỄN NAM

TT - Bốn anh em, anh lớn 16 tuổi, em gái út đến tháng 10 này tròn 3 tuổi, tất cả đều được chính cha của mình đỡ đẻ, sống quanh quẩn giữa lõi rừng sâu từ thuở lọt lòng mẹ.

xt1FwABY.jpg
Gia đình “người rừng” A Sáng - Ảnh: S.Lâm

Nơi A Sáng, cha của bốn đứa trẻ, chọn dựng nhà cho vợ con nằm ngay khu vực giáp ranh phạm vi giữa Ban quản lý rừng phòng hộ Tuy Phong (huyện Tuy Phong) và Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Mao (Bắc Bình, Bình Thuận). Những người chuyên đi rừng cho biết xóm làng gần nhất của A Sáng là xã Hải Ninh (huyện Bắc Bình), cách khoảng năm giờ đi bộ (hơn 20km đường rừng) đối với những người thường xuyên đi lại đường rừng.

Mười mùa rẫy ba đời vợ

Phải mất hơn mười giờ, vượt qua năm ngọn núi, xuyên qua từng tán cây, bụi rậm, những con dốc thẳng đứng, chúng tôi mới đến được căn nhà lọt thỏm giữa những cây cổ thụ đường kính mấy vòng tay người ôm.

“Người rừng” A Sáng nhỏ thó, thường trực nụ cười trên môi, đón khách bằng sự nồng hậu thật thà. Bà Nguyễn Thị Hường, vợ của ông A Sáng, cũng như những người phụ nữ khác ở làng quê, tươi cười chào hỏi khách. Giữa cánh rừng già, căn nhà dựng bằng tre, bạt theo kiểu một gian hai chái nằm gọn trong một khoảng đất bằng phẳng hơn trăm mét vuông. Có chuồng gà, giàn mướp, có chiếc bàn gỗ đặt bên một góc sân để đón khách như bao căn nhà quê khác thường thấy.

Sinh năm 1964, A Sáng có tên khai sinh là Gịp A Dưởng, hộ khẩu thường trú tại thôn Hải Thủy, xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình (Bình Thuận). Gần 40 năm trước, thôn Hải Thủy còn là bìa rừng, cũng là nơi luân chuyển của dầu thông từ các ngả rừng về với đồng bằng. Lớn lên bằng nghề khuân vác dầu thông, năm 18 tuổi A Sáng (tên thường gọi) quyết định vào dựng chòi ở luôn trong rừng để mưu sinh.

Rồi câu chuyện tình duyên cũng thật tự nhiên. Một người phụ nữ “đồng nghiệp” trong một ngày đẹp trời quyết định ở lại với A Sáng giữa rừng già. Thế là nên nghĩa vợ chồng. Tự tay A Sáng đỡ đẻ hai lượt con, nhưng chỉ một bé trai chịu được cái khắc nghiệt của rừng. Quãng đường từ nơi ở về đến bệnh xá huyện cũng quá dài để A Sáng có thể cứu được vợ của mình trong một lần sốt cấp tính. Vợ chết. A Sáng gà trống nuôi con giữa rừng già, hằng ngày vác dầu thuê cho đến khi gặp người vợ thứ hai, cũng là một “đồng nghiệp” quen nhau giữa rừng. Sau khi sinh tiếp cho A Sáng một con gái, người vợ thứ hai cũng tiếp tục bỏ lại A Sáng, mang theo một đứa con trong bụng do vượt cạn không thành.

Cám cảnh gà trống nuôi con giữa rừng, lại thương cháu, dì ruột của đứa con gái A Sáng chấp nhận nối duyên cùng ông, chính là người vợ Nguyễn Thị Hường mà chúng tôi gặp giữa rừng hôm nay. Tính ra từ ngày vào rừng, qua mười mùa rẫy, A Sáng đã qua ba đời vợ. “Phần thương cháu, phần thương A Sáng, bạn bè cũng cứ góp chuyện vào nên đồng ý ở lại đây với A Sáng luôn, vậy mà cũng đã gần 20 năm” - bà Hường lỏn lẻn kể lại với khách.

Với bà Hường, A Sáng tiếp tục tự tay... đỡ đẻ bốn đứa con là Gịp Sám Tày, Gịp A Long, Gịp A Dậu và cô con gái út Gịp Linh Chi. Hai đứa con lớn của hai người vợ trước đã rời rừng từ mấy năm trước, về xuôi đi làm thuê làm mướn mưu sinh. Chỉ còn A Sáng, bà Hường và bốn đứa con tiếp tục sống luẩn quẩn trên những sườn dốc giữa lõi rừng già. Đến nay đã 32 năm, kể từ khi A Sáng trở thành “người rừng”.

Những đứa con rừng xanh

Anh Lê Văn Tự, trạm trưởng trạm 2 Ban quản lý rừng phòng hộ Tuy Phong, kể lại: “Khoảng đầu những năm 1990, trong quá trình đi vòng quanh kiểm tra cây gỗ và truy quét lâm tặc, chúng tôi đã phát hiện A Sáng cùng vợ con của mình ở quanh quẩn khu vực này. Bây giờ mấy đứa nhỏ đã quen hơi người, chứ lần trước cứ thấy chúng tôi là chúng chạy vô nhà núp hết chứ không dám gặp người lạ”.

Hôm gặp chúng tôi, Sám Tày - người con trai lớn đã 16 tuổi - và các em của mình cứ đứng cười bẽn lẽn. Không có cộng đồng, không được học hành, ngôn ngữ của mấy anh em chỉ xoay quanh những câu giao tiếp cơ bản nói với cha mẹ hằng ngày và những người “hàng xóm” vãng lai một hai năm mới ghé. Tiếng phát âm của các em thường chỉ bật ra từng tiếng “ừ”, “có”, “không”... đơn giản chứ ít khi nói được một câu tròn trịa năm, mười tiếng liên tục. “Tụi nó ít nói nhưng mình nói nó hiểu hết, đêm nào cũng mở radio nghe đài Ninh Thuận hết mà” - A Sáng giới thiệu mấy đứa con của mình.

Mỗi tháng một hai lần, A Sáng băng qua mấy dãy núi đem theo những sản vật của rừng về đồng bằng bán lấy tiền mua gạo, nhu yếu phẩm cho cả nhà. “Một ngày cả nhà ăn gần 5kg gạo, nên chẳng dư được đồng nào - A Sáng cho biết rồi buồn rầu nói - Ai gặp cũng bảo sao không đưa tụi nhỏ về làng cho tụi nó lớn khôn. Nhưng khổ quá, về làng thì không có nơi ở, nên đành nuôi ở đây”. Không ít lần con đổ bệnh, cả hai vợ chồng phải thay phiên nhau cõng con vượt rừng ngay trong đêm về làng để kịp cứu chữa.

Rời rừng sâu, chúng tôi tìm về nhà ông Gịp Nàm Sáng, anh ruột của A Sáng, mới thấm thía được hết tâm sự của “người rừng”. Trong căn nhà lợp tôn trống hoác, một bên vách đất, một bên ké tường nhà hàng xóm, ông Nàm Sáng già hơn hẳn cái tuổi 56 của mình khi nhắc về em trai. Căn nhà mà Nàm Sáng đang ở cùng vợ và ba đứa con đang tuổi lớn cũng là căn nhà mà cha mẹ để lại cho Nàm Sáng và A Sáng trước lúc mất. “Thấy tui và vợ con cũng quá khó khăn, nó mới tự động chịu cảnh khổ ở rừng để nhường cho gia đình tui căn nhà này” - Nàm Sáng kể.

Cuộc sống A Sáng từ hơn 30 năm nay cứ thoắt ẩn thoắt hiện trong mắt hàng xóm. Ông Lỷ Nhằn Và, một người dân sống gần nhà A Sáng, cho biết: “Nó lâu lâu mới về. Chúng tôi chưa bao giờ thấy vợ con của nó. Nó khổ lắm, tới mức phải dắt vợ con vào rừng như vậy đó”.

Vì hành tung “bí ẩn” như thế, nên A Sáng cũng không có tên trong sổ hộ nghèo của xã. Ông Huỳnh Minh Châu - cán bộ văn hóa xã Hải Ninh - xác nhận: “Gịp A Dưởng đúng là người dân tại địa phương. Nhưng anh ta chẳng mấy khi xuất hiện nên cũng không nắm được gia cảnh hiện tại. Những khi chúng tôi khảo sát hộ nghèo thì chẳng bao giờ gặp được anh ta nên cũng không thể đưa vào danh sách hộ nghèo và cũng chẳng thể vào tận trong rừng sâu như vậy để có thể hỗ trợ được”.

Đưa ra khỏi rừng

Nhận được thông tin và hình ảnh A Sáng cùng vợ con từ chúng tôi, ông Nguyễn Lê Thái Dũng - phó chánh văn phòng UBND huyện Bắc Bình - cho biết: “Đúng là không thể để những đứa bé lớn lên giữa rừng như thế được. Trước mắt, chúng tôi sẽ cử cán bộ địa phương kiểm tra lại hoàn cảnh hiện tại của A Sáng, nếu cần thiết sẽ vận động xây dựng một căn nhà để A Sáng có thể đưa vợ con rời khỏi rừng”.

Ngay khi có thông tin về hoàn cảnh của gia đình A Sáng, một nhóm thành viên mạng xã hội Facebook đã quyên góp được 25,5 triệu đồng vào rừng hỗ trợ gia đình A Sáng. “Số tiền này chưa đủ để A Sáng có thể dựng nhà, đưa vợ con về, nhưng trước mắt có thể giúp được phần nào lương thực cho những đứa bé đỡ đói lòng hơn trong thời gian tới” - một thành viên Facebook đứng ra quyên góp cho biết.

SƠN LÂM - NGUYỄN NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên