05/05/2014 08:30 GMT+7

Đường đến lớp: 400km, 147km và...

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TT - Thật ra chuyện học hành ở rẻo cao Điện Biên, không riêng gì những học sinh ở Sam Lang đối mặt với đường đi khó khăn, suối nguồn thác lũ là chuyện cơm bữa.

Kỳ 1: Mỗi một ngày trong bản nhỏ Kỳ 2: “Hiệp sĩ suối Nậm Pồ” Kỳ 3: Thắp lửa yêu thương trên biên ải...

0HCJNATL.jpgPhóng to
Sinh viên Pờ Hùng Sang dìu một nữ sinh qua suối. Quần áo, sách vở được bọc trong túi nilông - Ảnh: G.M. (Facebook)

Nhưng qua mấy mươi năm, cùng với thay đổi trên mảnh đất anh hùng, khó khăn ấy, gian nan ấy đã giảm xuống rất nhiều. Đường đến trường có khi phải vượt qua 400km xuống còn 150km, và bây giờ chỉ còn vài cây số. Câu chuyện sau đây là một ví dụ sinh động.

Đi tìm người trong ảnh

Dạo đó, trên các trang mạng xã hội, không ít người tỏ ra nghi ngờ sự chân thực của clip chui túi nilông qua suối mà cô giáo Tòng Thị Minh quay.

Thật bất ngờ, trên trang Facebook của một người có nick “G.M.” đã đăng tấm hình một anh thanh niên đang dìu một em học sinh qua dòng suối dữ. Có điều em học sinh không chui vào túi bóng mà được anh thanh niên níu chặt tay để dìu, còn chiếc túi bóng dùng để đựng quần áo sách vở.

Tấm hình ấy (được chụp từ năm 2008) minh chứng thêm về nỗi gian nan trên con đường đến trường của các em học sinh nơi rẻo cao biên ải.

Chàng thanh niên trong ảnh đưa em gái qua suối lũ ấy chính là Pờ Hùng Sang, hiện là bí thư Huyện đoàn Mường Nhé, cái huyện xa xôi nhất của tỉnh Điện Biên.

Bản Sam Lang của huyện Nậm Pồ là huyện tách ra từ Mường Nhé. Nhờ tách huyện nên đường đến trung tâm huyện bây giờ gần hơn.

Ngày xưa, Mường Nhé thuộc về huyện Mường Tè của tỉnh Lai Châu. Sau này khi tách Lai Châu thành hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, một nửa huyện Mường Tè phía bờ nam sông Đà thành huyện Mường Nhé của Điện Biên.

Dông dài như thế về địa giới hành chính bởi nó liên quan đến câu chuyện học hành của anh chàng Pờ Hùng Sang trong tấm ảnh.

Giờ thì chúng tôi đang ngồi với Pờ Hùng Sang, chàng trai người dân tộc Hà Nhì đầu tiên tốt nghiệp cử nhân báo chí tại Hà Nội.

“Hồi đó, cả vùng này muốn tiếp tế chỉ có thể dùng máy bay trực thăng. Lâu lâu có chuyến bay chở dầu chở muối lên đây. Mãi những năm 1990, học sinh ở xã Sín Thầu muốn đi học phải qua tận huyện lỵ Mường Tè (nay thuộc tỉnh Lai Châu) để học. Quãng đường từ cái bản Tá Kố Khừ của mình qua đến huyện lỵ Mường Tè dài 147km. Cách duy nhất để đến đó là... đi bộ”.

Hãy tưởng tượng 147 cây số đường rừng mà một đứa trẻ phải đi thì đủ hình dung ra để có được cái chữ, những em bé Hà Nhì như Pờ Hùng Sang ngày ấy đã trải qua cơ cực thế nào.

Tôi hỏi Pờ Hùng Sang: 147 cây số thì đi mất mấy ngày? Sang bảo: “Năm ngày anh ạ! Ngày thứ nhất đi bộ từ bản Tá Kố Khừ ra ngủ tại Chung Chải, cách nhà 30 cây số. Ngày thứ hai đi tiếp từ Chung Chải ra ngủ tại dốc Tà Tổng (Nậm Dìn, Mường Tè).

Con dốc Tà Tổng này hiểm trở khét tiếng nên có khi đi mất hai ngày, có khi ba ngày, nếu khỏe thì đi tiếp từ Tà Tổng ra Mường Tè trong ngày thứ tư, có khi mưa lũ, suối dâng mất 5-6 ngày mới đến. Ra tới Mường Tè chân sưng, đau chảy nước mắt nhưng rồi lại ôm vở lên lớp”.

Suốt mấy năm từ tiểu học lên trung học cơ sở, Pờ Hùng Sang vẫn đi con đường Mường Tè - Sín Thầu, Sín Thầu - Mường Tè như thế. Nếu so với hành trình đi bộ 147 cây số mỗi lần ra huyện học thì chuyện chui túi bóng qua suối chưa phải là ghê gớm.

dGzWi2sq.jpgPhóng to
Người vượt 147km đến trường bây giờ là bí thư Huyện đoàn Mường Nhé - Ảnh: Ngọc Quang

Những con chữ đổi bằng lòng quả cảm...

Và không phải khi nào cũng đông bạn bè cùng đồng hành trên suốt 147 cây số đó. Có nhiều lần chỉ một mình Pờ Hùng Sang đi bộ qua Mường Tè.

Theo lời dặn dò của bố mình, ông Pờ Dần Sinh, cậu học trò nhỏ cứ thế đi, tối đến biết tìm nhà người quen ngủ nhờ, đau ốm dọc đường biết hái lá rừng để nhai, đói mà không nấu được cơm thì biết kiếm trái rừng mà ăn, gặp suối lũ biết treo mình lên cây để ngủ, gặp thú dữ biết tìm lối mà tránh...

Lên cấp III, Pờ Hùng Sang về học Trường Thiếu sinh quân Trần Quốc Tuấn dưới Hà Nội. Ba năm trung học phổ thông, chỉ dịp hè Sang mới dám về nhà, bởi muốn về cũng chỉ đi được ôtô lên tới Mường Tè, còn đường về quê nhà - bản Tá Kố Khừ của Sang - vẫn phải 147 cây số đi bộ như năm nào.

Chỉ nghỉ hè mới dám về nhà, dù là đi bộ, còn thời gian nghỉ tết thời Pờ Hùng Sang học ở Trường Thiếu sinh quân hay sau này lên đại học cũng chỉ có hơn một tuần lễ nghỉ.

Một tuần chỉ đủ thời gian cho chặng đường ôtô từ Hà Nội lên Mường Tè và đi bộ về nhà, không đủ thời gian để quay trở lại.

Thật khó hình dung chặng đường đi dằng dặc như thế nhưng Sang bảo: “Với tụi em, chuyến đi bộ như vậy là kinh khủng, nhưng ngày trước, bố em, bác em... đi học phải qua tận Lai Châu. Và hồi đó, những năm 1960-1970, để đi qua Lai Châu học, chặng đường đi bộ từ bản đến tỉnh lỵ của những người con họ Pờ này lên đến 400 cây số!”.

Mọi nỗ lực đều được đền đáp. Mấy người bác ruột của Sang đều là những người Hà Nhì đầu tiên tốt nghiệp đại học. Ngoài ông bác - anh cả “huyền thoại” Pờ Sí Tài không học đại học nhưng là thủ lĩnh tinh thần của người dân cực tây A Pa Chải, thì người bác thứ hai là Pờ Gia Tự học đại học pháp lý, trước khi về hưu là phó chánh án Tòa án nhân dân huyện Mường Tè.

Một ông bác khác nguyên là bí thư Huyện ủy Mường Nhé, ông Pờ Diệp Sàng - người Hà Nhì đầu tiên tốt nghiệp đại học y khoa.

Các anh em chú bác của Sang cũng đều là những người Hà Nhì đầu tiên tốt nghiệp các học viện biên phòng, an ninh như Pờ Bạch Quân, Pờ Bạch Long, cũng như Sang là người Hà Nhì đầu tiên tốt nghiệp đại học báo chí vậy!

Câu chuyện về tấm ảnh Sang đang dìu em học sinh giữa dòng lũ cuồn cuộn được Sang kể lại: hồi hè năm 2008, học năm thứ 3 đại học báo chí, Sang đưa một người bạn tên Hải cùng lớp lên thăm nhà mình ở Sín Thầu.

Khi qua suối Mo Phí, gặp lúc nước lũ đang xiết và một nhóm 7-8 em học sinh đi thi ở trường dân tộc nội trú về, không cách nào qua suối được. Vậy là Sang cứ thế dìu lần lượt từng em qua suối để về nhà.

Tấm hình đó do Hải (bạn của Sang) chụp, Sang cũng không nhớ. Mãi đến hôm câu chuyện chui túi nilông qua suối được hàng vạn người quan tâm và... tranh luận, thì một người bạn của Sang đã đưa tấm hình ấy lên, như muốn góp thêm vào câu chuyện có thật về sự gian nan đường đến trường của học trò rẻo cao. “Cô bé học sinh trong ảnh là em Sừng Bích Ngọc, học cùng lớp với thằng Pờ Pò Xá em tôi”.

Tất nhiên “đoàn quân đi bộ” của miền rẻo cao cực tây Tổ quốc cùng Sang những năm tháng ấy không phải ai cũng bền lòng đi đến đích như Sang.

Nhưng cũng có rất nhiều bạn bè của Sang bền lòng kiếm chữ, chấp nhận lội bộ 147 cây số cho mỗi lần đến trường nay đều là những người con đang cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vùng đất biên cương, như Pờ Pờ San nay là sĩ quan công an huyện Mường Nhé, Lỳ Hừ Cà là sĩ quan biên phòng công tác tại đồn Leng Xu Xìn, Hoàng Sơn - đội trưởng đội phòng chống ma túy đồn biên phòng A Pa Chải, Lò Phạ Xuyến nay công tác ở Trường Sen Thượng...

Chính sự rộng lớn của địa bàn đã khiến trên vùng đất cực tây này thêm một huyện mới Nậm Pồ, tách ra từ huyện Mường Nhé để dân bản gần với trung tâm huyện lỵ hơn, đường đến trường của các em gần hơn.

Nếu trước đây lớp cha chú phải lội bộ 400 cây số, còn Sang phải đi 147 cây số để đến trường thì giờ đây thế hệ đàn em của Sang có thể học ngay các điểm trường ở bản. Nhưng không vì thế mà khó khăn đã hết.

Câu chuyện của huyện mới Nậm Pồ, nơi có cây cầu Sam Lang và điểm trường Sam Lang được dư luận quan tâm thời gian qua, chỉ là một trong số rất nhiều bản làng gian khó nơi đây.

Kỳ tới: Gian nan Nậm Pồ

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên