08/12/2004 00:02 GMT+7

Đứng vững trên đôi chân tật nguyền

MINH LUẬN
MINH LUẬN

TT - Cố gắng lắm chị mới sắp xếp được cho tôi một buổi gặp ngắn ngủi, vì thời gian làm việc của chị hầu như chật kín. Và chị đã kể tôi nghe về mình.

W9jFy9jj.jpgPhóng to
TT - Cố gắng lắm chị mới sắp xếp được cho tôi một buổi gặp ngắn ngủi, vì thời gian làm việc của chị hầu như chật kín. Và chị đã kể tôi nghe về mình.

Tuổi thơ của chị là chiến tranh, bom đạn, chết chóc và hình ảnh người mẹ còng lưng nhặt từng hạt thóc để nuôi bốn đứa con ăn học. Là hình ảnh của những ngày chị cố lê đôi chân tật nguyền để đến trường trên quãng đường đất đỏ mịt mù.

Chị là Võ Thị Hoàng Yến (38 tuổi) sinh ra và lớn lên ở một làng quê xa thuộc xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Từ cú sốc đầu đời

Những năm học cấp I, mấy đứa bạn nhỏ tinh nghịch cứ hay trêu đùa chọc ghẹo, thậm chí còn xa lánh vì đôi chân bị bại liệt từ tuổi lên 3. Nghĩ đến thân phận của mình chị cũng buồn, cũng tủi.

Chị nói: “Nhiều đứa bé tật nguyền khác khi bị trêu chọc thì hay mắc cỡ nên bỏ học, nhưng không hiểu sao lúc đó mình lại tự tin ghê gớm, đã không bị mặc cảm mà còn tâm niệm rằng phải học thật giỏi. Càng bị coi thường càng phải học giỏi”.

Quyết tâm học tập của chị lúc đó như một sự phản kháng, một cách tự vệ cho riêng mình. Không chỉ học giỏi, chị còn tham gia công tác Đoàn - Hội ở trường. Ở cấp I, cấp II chị từng làm chi đội trưởng, rồi liên đội trưởng Đội thiếu niên tiền phong.

Lên cấp III, cô Út học giỏi lại tiếp tục tham gia công tác Đoàn và làm bí thư Đoàn trường... Với sức học của mình, chị đã thi đậu vào ĐH Kinh tế TP.HCM.Chị nói dù là con nhà nghèo, dù là đứa trẻ tật nguyền nhưng lúc nào chị cũng là một người tự tin vào năng lực của mình. Nhờ thế suốt những năm cắp sách đến trường, dù gặp không ít những khó khăn nhưng chị đều vượt qua.

Thế nhưng, ngay lần đầu tiên bước ra đời, vác đơn đi xin việc làm sau khi tốt nghiệp ĐH Kinh tế năm 1990, chị đã bị một cú sốc kinh khủng đầu đời. Đến hôm nay, khi nghĩ lại chị cũng không biết rằng cú sốc đó là họa hay may.

Gõ cửa nơi nào chị cũng nhận được những cái lắc đầu đầy thương hại, có những nơi sau khi kiểm tra năng lực của chị người ta đã đồng ý nhận ngay, nhưng rồi sau đó lại từ chối thẳng thừng khi phát hiện chị là người khuyết tật (NKT).

Cả một thời gian dài dù cố gắng nhưng chị không xin được việc làm ở đâu: “Người ta không nói ra nhưng mình thừa biết mình không được nhận vào làm việc không phải là vì năng lực kém, mà chỉ vì là NKT” - chị Yến bùi ngùi nhớ lại. Lặng thinh hồi lâu, chị lại tiếp: “Lúc đó mình thấy đau lắm, lo lắng cho mình và cho cả những NKT”. Bạn bè cùng trường ai cũng tỏ ra ái ngại cho tình cảnh của chị. Xin việc làm không được, chị nghĩ phải đi học thêm ngoại ngữ với ý nghĩ sau này có cơ hội thì xin dạy kèm, tự kiếm sống.

Đồng thời với vốn ngoại ngữ học được, chị sẽ tìm đọc thêm những tài liệu của nước ngoài liên quan đến NKT, biết đâu từ đó có thể tìm được những cơ hội không chỉ cho riêng mình mà còn cho những NKT khác cùng cảnh ngộ.

Vậy là năm 1993, lần đầu tiên chị làm quen với tiếng Anh. Chị nói: “Hồi trước ở quê mình người ta chưa dạy ngoại ngữ, vào ĐH mình mới được học tiếng Nga, còn tiếng Anh thì hoàn toàn xa lạ”.

Học được một năm thì việc học của chị phải gián đoạn vì đôi chân yếu dần nên phải mổ. Hơn một năm trời chị phải nằm ở nhà dưỡng thương. Trong khoảng thời gian đó chị cố công tự học tiếng Anh.

Đến cuối 1995 chị thi đậu bằng C tiếng Anh của ĐH Sư phạm TP.HCM. Nói về thành tích này, chị cười rạng rỡ: “Thật ra mình chẳng tài giỏi gì đâu, chẳng qua là nhờ mình có khiếu học ngoại ngữ thôi, với lại ở nhà mình ai cũng học giỏi hết, chỉ có mình là học ẹ nhất”.

Sau khi tích lũy được vốn tiếng Anh kha khá, chị thi vào khoa tiếng Anh của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Đến năm 1999, chị là một trong bảy tân cử nhân đạt được số điểm thi cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Nỗ lực học tập và năng lực của chị rồi cũng được công nhận, tháng 6-2003 chị đoạt được học bổng toàn phần của Quĩ Ford. Chị theo học ngành phát triển con người tại ĐH Kansas (Mỹ).

Để theo kịp những SV khác buộc những SV VN như chị phải nỗ lực vượt bậc. Ấy vậy mà ngay học kỳ đầu chị đã đoạt được ba điểm A. Không những thế chị còn là người trợ giảng cho một giáo sư người Mỹ tên Glen White.

Tháng 6 -2004 vừa qua, đề tài nghiên cứu “Giúp phát triển kỹ năng cho NKT” của chị được hội đồng khoa học tại ĐH Kansas đánh giá cao. Sau đó, đích thân bà Judith E. Heuman - cố vấn các vấn đề phát triển cho NKT của Ngân hàng Thế giới (WB) - đã mời chị báo cáo đề tài này tại trụ sở chính của WB ở Washington DC.

Hiện nay công trình nghiên cứu của chị đã được in thành sách và được xem như một loại giáo trình cho SV học tập tại ĐH Kansas.

oXAWam5Y.jpgPhóng to
Chị Yến (ngồi, trái) trong văn phòng của cố vấn Tổng thống Bush về vấn đề khuyết tật Troy Justesen tại Nhà Trắng
Từ chối ở lại nước Mỹ

Giờ đây, cô Út Yến tật nguyền ngày xưa mà người mẹ cứ thắc thỏm lo âu không biết làm gì để sống, đã trở thành thạc sĩ với tấm bằng xuất sắc.

Cô Út tật nguyền ngày xưa còn được đi dự hội nghị ở Washington DC, được vô thượng viện để gặp các nghị sĩ và cùng nói chuyện với họ về NKT.

Được gặp gỡ trao đổi với thượng nghị sĩ Tom Harkins - người đã có những đóng góp rất nhiều cho các chương trình và chính sách dành cho NKT Mỹ.

Chị còn được mời vào Nhà Trắng, gặp tiến sĩ Troy Justesen - một NKT đang là cố vấn cho tổng thống Mỹ về các chính sách liên quan đến NKT.

Rồi cùng nhóm của mình, chị được mời đến Bộ Giáo dục Mỹ để nói chuyện với những người phụ trách các chương trình nghiên cứu về khuyết tật và phục hồi chức năng (NIDRR). Một lần nọ, biết chị một mực đòi quay về quê hương, giáo sư Glen White liền bày tỏ ý định xin nhận chị làm con nuôi và giúp chị ở lại Mỹ. Không những thế, ông hứa sẽ rước cả người mẹ thân yêu của chị sang Mỹ định cư, nhưng chị một mực từ chối.

Chị nói rằng mình cần phải trở về vì không thể sống thiếu những người thân trong gia đình và trên hết là không thể sống thiếu quê hương. Chị bộc bạch: “Những năm xa quê hương, mình mới thấm thía hết hai tiếng Việt Nam thiêng liêng và thân thiết đến ngần nào”. Trở về, chị còn muốn được đóng góp chút ít gì đó cho quê hương VN. Chia tay tôi, chị lại tất tả lao vào hàng đống tài liệu, hồ sơ được mang về từ nước ngoài để soạn những giáo trình giảng dạy phù hợp với điều kiện giáo dục ở VN.

Được biết, Trường ĐH Đà Lạt đã mời chị tham gia giảng dạy và ngày 6-12-2004 là lần đầu tiên chị mang kiến thức học được của mình truyền đạt đến các SV VN.

MINH LUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên