01/11/2013 04:30 GMT+7

Những cú nhảy vọt

DAN SENOR - SAUL SINGER (TRÍ VƯƠNG dịch)
DAN SENOR - SAUL SINGER (TRÍ VƯƠNG dịch)

TT - CEO kiêm chủ tịch Google, ông Eric Schmidt, nói rằng Mỹ là điểm đến số một cho các doanh nghiệp, nhưng “sau Mỹ, Israel là nơi tốt nhất”. CEO của Microsoft Steve Ballmer đã gọi Microsoft là một “doanh nghiệp Israel”, vì số lượng và vai trò trung tâm của đội ngũ nhân viên người Israel trong công ty này.

goJzZNnK.jpgPhóng to
Đại học lớn nhất Israel, cái nôi đào tạo nhân tài đất nước, được đặt tên Ben-Gurion - thủ tướng đầu tiên và cũng là người quyết định trong việc thành lập nhà nước Israel - Ảnh tư liệu

Sa mạc dần bị đẩy lùi

Tỉ phú Mỹ Warren Buffett đã tự phá vỡ nguyên tắc trong nhiều thập niên là không bao giờ mua các công ty nước ngoài - bằng việc thâu tóm ISCAR Metalworking, một doanh nghiệp Israel với giá 4,5 tỉ đôla, ngay trước thời điểm xảy ra cuộc chiến giữa Israel và Libăng năm 2006. Thật khó để các doanh nghiệp công nghệ không để mắt đến Israel. Gần một nửa các công ty công nghệ hàng đầu thế giới đã mua lại các doanh nghiệp mới thành lập của Israel, hoặc mở các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại đây. Chỉ riêng Hãng Cisco đã mua lại chín doanh nghiệp của Israel và vẫn đang tiếp tục công cuộc tìm kiếm.

Câu chuyện về phương thức giúp Israel đạt được thành tựu như hiện nay - tăng trưởng kinh tế 50 lần trong vòng 60 năm - không chỉ xoay quanh nét lập dị trong văn hóa của người Israel, bản lĩnh kinh doanh được tôi luyện trên chiến trường hay yếu tố ngẫu nhiên mang tính địa chính trị. Lịch sử nền kinh tế Israel là một hành trình gồm hai bước tiến vĩ đại, bị chia cắt bằng một giai đoạn kinh tế đình trệ và lạm phát tăng cao. Những chính sách kinh tế vĩ mô của chính phủ đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của đất nước rồi đảo ngược và giải phóng nó theo những cách mà ngay cả chính phủ cũng không mong đợi.

Bước tiến vĩ đại đầu tiên diễn ra từ năm 1948-1970, giai đoạn thu nhập bình quân đầu người tăng gần gấp bốn lần và dân số Israel tăng gấp ba lần, thậm chí giữa giai đoạn Israel đang tham gia ba cuộc chiến lớn. Lần thứ hai là từ năm 1990 đến nay, giai đoạn Israel chuyển mình từ một vùng ao tù nước đọng trở thành một cường quốc công nghệ. Trung tâm của cú nhảy vĩ đại đầu tiên là một phát kiến xã hội mà quy mô không hề tương xứng với tầm ảnh hưởng địa phương và quốc tế của chính nó: nông trang (kibbutz).

Ngày nay, tuy chiếm chưa đến 2% dân số Israel, song những nông trang sản xuất đến 12% lượng hàng hóa xuất khẩu của cả nước. Được tạo ra như các khu định cư nông nghiệp nhằm xóa bỏ sự tư hữu và đem lại bình đẳng cho toàn dân, phong trào đã phát triển trong suốt 20 năm tiếp theo, lên thành 80.000 người sống trong 250 cộng đồng, song con số này vẫn chỉ chiếm 4% dân số Israel. Tuy nhiên ngày nay các nông trang đã đóng góp 15% thành viên của Knesset - tên gọi Quốc hội Israel - và một con số còn lớn hơn thế cho lực lượng sĩ quan và phi công của quân đội Israel.

Sự trỗi dậy của nông trang một phần là kết quả của những đột phá trong công nghệ và nông nghiệp do các nông trang và trường đại học của Israel thực hiện. Bất lợi của quốc gia khi có một phần lãnh thổ bị sa mạc hóa đã được chuyển hóa thành của cải. Nhìn vào Israel hôm nay, hầu hết du khách sẽ ngạc nhiên khi biết 95% diện tích của đất nước này bị xếp vào nhóm bán khô hạn, khô hạn hoặc rất khô hạn dựa vào lượng mưa hằng năm. Thật vậy, khi mới lập quốc, sa mạc Negev xâm lấn sâu lên phía bắc, giữa Jerusalem và Tel Aviv. Vẫn là vùng đất lớn nhất Israel, nhưng tiến trình xâm thực của sa mạc Negev đã bị đảo lộn khi vùng đất phía bắc của nó đã phủ đầy các cánh rừng và các cánh đồng nông nghiệp do con người trồng. Phần lớn điều này đạt được là nhờ các chính sách thủy lợi sáng tạo từ thời của Hatzerim. Ngày nay Israel dẫn đầu thế giới về tái chế nước thải: hơn 70% lượng nước được tái chế, tỉ lệ gấp ba lần tại Tây Ban Nha, quốc gia đứng vị trí thứ hai.

Nông trang Mashabbe Sade, cũng trong sa mạc Negev, còn đi xa hơn: những thành viên nông trang đã tìm ra cách sử dụng nước tái chế không chỉ một mà những hai lần. Họ đã đào giếng sâu bằng chiều dài mười sân bóng đá và phát hiện nguồn nước vừa ấm vừa mặn. Điều này không có vẻ gì là tuyệt vời, cho đến khi họ tham khảo ý kiến từ giáo sư Samuel Appelbaum của Trường đại học Ben-Gurion tại Negev: ông nhận ra đây là nguồn nước hoàn hảo để nuôi cá nước ấm. Các nông trang viên bắt đầu bơm nguồn nước nóng 37OC vào trong các bể chứa cá rô phi, cá chẽm và cá vược để sản xuất thương mại. Sau khi được dùng trong bể cá, chỗ nước chứa chất thải của cá giờ lại là nguồn phân bón hoàn hảo cho các rặng cây chà là và ôliu. Các nông trang cũng tìm ra cách trồng rau và cây ăn trái được tưới trực tiếp bằng nguồn nước ngầm.

Một thế kỷ trước, Israel đã được Mark Twain và nhiều du khách khác miêu tả là vùng đất phần lớn cằn cỗi. Giờ đây nơi này có khoảng 240 triệu cây xanh do hàng triệu người cùng trồng. Tháng 12-2008, Đại học Ben-Gurion chủ trì một hội nghị chống sa mạc hóa lớn nhất thế giới do Liên Hiệp Quốc tài trợ. Các chuyên gia đến từ 40 nước háo hức được tận mắt chứng kiến tại sao Israel là quốc gia duy nhất mà sa mạc đang dần bị đẩy lùi.

Con đường tiên phong mới là sáng tạo ra cái mới

Câu chuyện nông trang chỉ là một phần của quỹ đạo chung trong cuộc cách mạng kinh tế Israel. Từ năm 1950 đến hết năm 1955, kinh tế Israel tăng trưởng khoảng 13% mỗi năm. Những năm 1960, mức tăng trưởng hằng năm tiếp tục đạt khoảng 10%. Nền kinh tế Israel không chỉ mở rộng mà còn trải qua điều mà các nhà kinh tế gọi là “cú nhảy vọt”, diễn ra khi một nước đang phát triển thu hẹp khoảng cách thu nhập theo đầu người với những quốc gia giàu có ở thế giới thứ nhất.

Những khoản đầu tư khổng lồ của Israel dành cho các dự án như hệ thống dẫn nước quốc gia Israel, dẫn nước biển Galilee từ phía bắc xuống vùng Negev khô hạn ở phía nam đã giúp kích thích tốc độ tăng trưởng cao. Sự phát triển thần tốc của nhà cửa ở các nông trang đã tạo ra tăng trưởng trong xây dựng và các ngành dịch vụ. Bộ trưởng quốc phòng Shimon Peres và Al Schwimmer, một người Mỹ từng buôn lậu máy bay và vũ khí vào Israel trong suốt cuộc chiến độc lập, đã nuôi giấc mơ tạo dựng ngành công nghiệp hàng không của Israel. Khi họ trình bày ý tưởng với Chính phủ Israel vào những năm 1950, phản ứng họ nhận được đi từ sự hoài nghi đến giễu cợt. Vào thời điểm đó, hàng hóa thiết yếu như sữa và trứng vẫn còn khan hiếm, và hàng ngàn người tị nạn mới đến vẫn phải sống trong lều, nên không có gì ngạc nhiên khi hầu hết các vị bộ trưởng đều nghĩ rằng Israel không đủ khả năng và cũng khó thành công với nỗ lực đó. Nhưng Peres đã thuyết phục được David Ben-Gurion rằng Israel có thể bắt đầu sửa chữa các máy bay còn lại từ Thế chiến II. Họ thành lập một doanh nghiệp lớn nhất ở Israel khi đó là Bedek. Ngày nay Bedek trở thành Israel Aircraft Industries, doanh nghiệp dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực hàng không.

Nhưng điều ấn tượng lớn hơn là quốc gia non trẻ Israel, chỉ mới hơn 60 tuổi, đã chuyển đổi bản thân từ một quốc gia tỉnh lẻ và bị cô lập để trở thành một quốc gia thịnh vượng về mặt công nghệ cao chỉ ba thập kỷ sau.

Các doanh nhân Israel ngày nay cảm nhận được “việc bạn sáng chế ra cái gì đó đã là cách hợp pháp để tạo ra lợi nhuận” như Erel Margalit, một trong những doanh nhân hàng đầu Israel, nói. “Bạn không chỉ mua bán hàng hóa, bạn không chỉ là một người làm về tài chính. Bạn đang làm điều gì đó cho nhân loại. Bạn đang sáng chế một loại thuốc mới hay con chip mới. Bạn giống như một falah (“nông dân” trong tiếng Ả Rập), một nông dân trong cánh đồng công nghệ cao. Bạn chân lấm tay bùn. Bạn làm cùng với những đồng chí trong đơn vị quân đội. Bạn nói chuyện về một cách sống - không nhất thiết là việc bạn kiếm được bao nhiêu tiền, mặc dù rõ ràng nó là về chuyện đó”. Với Margalit, sự sáng tạo và công nghệ chính là phiên bản thế kỷ 21 của việc vác cày ra đồng. “Con đường tiên phong mới, bài kể chuyện của những người theo chủ nghĩa phục quốc chính là việc tạo ra những thứ mới”, ông nói. Đề tài này có thể truy ngược từ quan điểm sáng lập của Israel. Những người lập nên nhà nước hiện đại này - hay những doanh nhân quốc gia - đã xây dựng một “quốc gia khởi nghiệp” đầu tiên trong lịch sử.

“Đất đai cằn cỗi, láng giềng thù địch. Hành trình cổ xưa từ Ai Cập đến Israel, dân tộc Do Thái chúng ta đã phải băng qua sa mạc khổng lồ, thì nay, khi quay về, ngôi nhà của chúng ta vẫn là hoang mạc. Chúng ta đã phải xây dựng mọi thứ từ đầu. Như những con người nghèo khó trở về ngôi nhà trên mảnh đất tồi tàn của mình, chúng ta phải khám phá sự giàu có trong khan hiếm. Vốn liếng duy nhất mà chúng ta có thể sử dụng chính là con người”.

SHIMON PERES (nguyên tổng thống Israel)

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: “Chào bán” nền kinh tế Israel Kỳ 2: Tinh thần chutzpah Kỳ 3: Ngang hàng Harvard, Princeton và Yale Kỳ 4: Nhà nước mở cửa

DAN SENOR - SAUL SINGER (TRÍ VƯƠNG dịch)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên