18/10/2013 09:15 GMT+7

Người đẹp "kiến càng"

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - “Có lần đang chở vợ bằng xe máy và dừng đèn đỏ thì có mấy người trẻ đi lên nhìn mặt vợ tôi rồi la lên: Đàn bà chứ không phải đàn ông, thấy chưa! Tôi nghe mà điếng cả người và đó không phải là lần duy nhất”.

Đó là lời kể của anh Nguyễn Văn Lực, huấn luyện viên đồng thời là chồng của vận động viên (VĐV) thể hình Nguyễn Thị Mỹ Linh, một trong những phụ nữ được mệnh danh là “người đẹp kiến càng” của bộ môn thể hình.

Kỳ 1:Sinh ra để... leo dừa Kỳ 2: Quai búa tảo tần Kỳ 3: Người mổ tử thi trên vùng cao

GjNgUlul.jpgPhóng to
Ban ngày luyện tập cho các mùa thi đấu, tối về VĐV Kim Loan thêu tranh - Ảnh: Hữu Khoa

Vượt qua áp lực

Đó mới chỉ là lời nói của những người ngoài đường, không quen biết, còn bạn bè, gia đình và người thân của VĐV Mỹ Linh khi biết chị tham gia môn thể thao đặc biệt dành cho phái mạnh đã can ngăn. “Mẹ tôi nói làm sao chấp nhận được việc mang bộ đồ hai mảnh lên sân khấu cho bao nhiêu người nhìn cơ chứ?” - anh Nguyễn Văn Lực kể. Lời nói của người ngoài, của bạn bè anh, chị không để ý, nhưng lời nói của mẹ chồng thì cả hai không thể không lưu tâm. “Tôi thuyết phục mẹ mình bởi đó là đam mê của Linh. Hơn nữa, tôi là huấn luyện viên của môn này, tôi hiểu vợ tôi và hiểu đam mê, mong muốn của cô ấy” - anh Lực kể về chặng đường trở thành vận động viên thể hình của vợ như thế.

Trong khi đó, tại phòng tập thể hình của trung tâm thể thao Lan Anh, VĐV Mỹ Linh đang cùng con gái và hai học trò miệt mài tập. Cứ sau mỗi lần nâng tạ là những giọt mồ hôi ròng ròng trên mặt: “Mỗi ngày luyện tập phải nâng hàng tấn trọng lượng của tạ lên người nên tốn sức vô cùng” - chị nói và kéo chiếc khăn lau mồ hôi. Quả thật công việc nặng nhọc như thế không phù hợp với những phụ nữ chân yếu tay mềm.

“Là phụ nữ, đến với thể hình không chỉ cần sự dũng cảm, kiên trì mà còn phải có sức khỏe nữa” - chị Linh vừa nói vừa nâng những quả tạ lớn có trọng lượng lên tới hàng trăm ký và hướng dẫn từng động tác khó cho hai học trò. Những cơ bắp trên vai, tay và chân chị nổi lên trông không kém bất cứ VĐV thể hình nam nào. Sự kiên trì mà chị Linh nói đó chính là việc cả ngày VĐV chỉ gắn với phòng tập, đôi khi lên tới cả 10 giờ/ngày. Nếu không có sức khỏe thì không thể tập để phát triển những múi cơ, không có sự khéo léo rất dễ bị tai nạn trong quá trình luyện tập. Mà chỉ tai nạn một chút, phải nghỉ tập vài ngày là chuyện bình thường

Các nữ VĐV thể hình cũng phải từ bỏ rất nhiều sở thích của con gái. 25 tuổi, đã theo thể hình được gần 10 năm, Nguyễn Thị Kim Loan, VĐV thể hình của đội tuyển quốc gia có nước da thật sáng, nụ cười rất tươi tắn. “Tất cả những món ăn vặt, thói quen của phụ nữ đều bị loại bỏ khỏi đời sống của tôi” - Loan nói. Đó là cá kho tộ, là đồ chua, đồ ngọt, là những món chiên xào đều bị cấm tiệt nếu vào thời gian luyện tập cho một giải đấu. “Thời gian luyện tập này tùy thuộc giải đấu lớn hay nhỏ nhưng thông thường thì 3-5 tháng. Một năm càng nhiều giải đấu thì càng phải luyện tập nhiều. Cái vất vả nhất là thể hình luôn đòi hỏi luyện tập đều đặn nhưng chẳng dễ coi đây là một nghề” - Loan chia sẻ. Giai đoạn ép cân để thi đấu mới là cực hình. Bình thường Loan luôn giữ cân ở hạng 50kg, nhưng cũng có những giải đấu với trọng lượng là 47kg. Để đạt được trọng lượng như thế phải ép cân, giảm ăn, giảm uống. “Những lúc đó rất mệt, chỉ muốn nằm nghỉ, không muốn cả nói chuyện” - Loan hóm hỉnh nói.

Kim Loan đến với thể hình từ khi là cô gái mới lớn đang tham gia trong đội tuyển của tỉnh với bộ môn đua xe đạp và đẩy gậy. Cô chỉ có một mình khi rời quê theo đoàn tự lập từ rất sớm. Đến nỗi Loan bảo chẳng có nhu cầu đi chơi hoặc mua sắm, dạo phố hay cà phê như nhiều cô gái cùng lứa tuổi khác. “Đi tập, nấu ăn, đi ngủ. Ngày nào cũng như ngày nào. Đôi khi cũng rủ bạn bè đi đâu đó nhưng thật lòng mình không có nhu cầu để đi”. Có lúc Loan đã tự hỏi như vậy. Và giải pháp gần đây mà Loan đã thực hiện mỗi khi có thời gian rảnh rỗi là thêu tranh: “Thế mà cũng đã thêu được ba bức rồi đấy” - Loan khoe.

VĐV Mỹ Linh nói nếu cứ nghĩ về những điều người khác nói, người khác cảm nhận thì có thể chị cũng giống như các VĐV khác không thể can đảm theo nghề. Bởi “Quan niệm chung của xã hội là phụ nữ phải chân yếu tay mềm, liễu yếu đào tơ, còn mình cơ bắp trồi lên cả đám, đi đứng, làm gì cũng mạnh, họ không thích”. Những người xung quanh không thích thì họ nói, không chỉ nói bóng gió mà có bạn bè, người thân nói thẳng với chị: “Đàn bà gì chỉ có ăn rồi xách giỏ đi tối ngày, không lo gì cho gia đình con cái”. Hoặc có những người bạn thì chê đàn bà “vai u thịt bắp”... Nhưng lâu dần mọi thứ cũng sẽ quen. “Cũng có người đã hỏi tôi, ủa, em là con trai mà sao lại có ngực? Thật lòng những người đặt ra câu hỏi đó cũng chẳng biết đã làm tổn thương tôi đến thế nào. Nhưng tôi chỉ nghĩ rằng mình đang làm công việc này vì màu cờ sắc áo của dân tộc. Ở mỗi giải đấu, khi tên mình được xướng lên cùng với cờ, với quốc ca được vang lên đó là niềm hạnh phúc khôn tả” - VĐV Kim Loan thổ lộ.

N245rQMl.jpgPhóng to
Vận động viên thể hình Mỹ Linh tại phòng tập thể hình Lan Anh - Ảnh: Hoàng Điệp

Nếu không có ông xã...

Bắt đầu sự nghiệp thể thao từ các bộ môn võ thuật và Mỹ Linh quyết định gắn bó trọn cuộc đời mình với thể thao lúc chuyển sang bộ môn thể hình khi chị đã sinh hai đứa con và bước sang ngưỡng 33 tuổi. Đối với một sự nghiệp đó có thể được coi là muộn. Nhưng lúc đó, nhận được sự ủng hộ hết sức từ chính người đầu gối tay ấp nên chị vững tin hơn với lựa chọn của mình. “Tôi nghĩ nếu không có một ông xã như chồng tôi thì tôi rất khó có được những thành tích như ngày hôm nay” - chị Mỹ Linh nói.

“Mỹ Linh rất cá tính và mạnh mẽ. Những phụ nữ như Linh không nhiều, nhưng mạnh mẽ như cô ấy thì không khó khăn nào cô ấy không thể vượt qua”, anh Lực nói. Để vợ chuyên tâm luyện tập thể thao, anh phải chấp nhận vợ xách giỏ ra khỏi nhà từ 6g và tối mới về nhà.

Anh Lực cho biết anh là người lo khẩu phần ăn của vợ mỗi khi vào mùa thi đấu, mỗi ngày chị Linh phải ăn đủ 2kg tôm sú, 2kg thịt gà, 2kg táo, các loại rau củ và chất xơ... nhưng tất cả đều ăn nhạt. “Nếu không có ý chí thì riêng chuyện ăn kiêng người ta cũng không thể thực hiện được bởi rất khó chịu. Nhưng vợ tôi đã kiên trì thực hiện được điều đó suốt 13 năm qua. Nhiều khi nhìn vợ ăn nhạt mà thương ghê lắm” - anh Lực nói. Và để đối phó với lượng thức ăn khổng lồ nhưng không muối, không đường như vậy đôi khi các VĐV phải ăn lẫn các loại thức ăn với nhau, ví dụ nhai lẫn táo với tôm để có vị chua chua ngọt ngọt cho dễ nuốt. “Linh dồn hết tâm sức cho thể thao thì tôi phải lo chăm sóc cô ấy, từ việc tính ăn bao nhiêu thức ăn một ngày rồi chế biến đồ ăn để cô ấy thêm thời gian luyện tập và nghỉ ngơi” - anh Lực thổ lộ. “Và đương nhiên người chia sẻ mọi việc nhà, đưa Mỹ Linh đến bác sĩ mỗi khi bị chấn thương không ai ngoài ông xã” - VĐV Mỹ Linh đầy hạnh phúc nói.

Kỳ tới: Những bàn tay sắt

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên