30/09/2013 13:53 GMT+7

Cán bộ "ba biết" với dân

ĐỨC TUYÊN - THANH TÚ
ĐỨC TUYÊN - THANH TÚ

TT - “Biết cười, biết lắng nghe, biết xin lỗi” - đó là phương châm của những cán bộ tại tỉnh Đồng Tháp khi phục vụ người dân.

safPbe5p.jpgPhóng to
Cán bộ tại phòng tiếp dân phường Mỹ Phú, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp giao trả hồ sơ cho người dân - Ảnh: T.Tú

7g30 ngày 11-9, chúng tôi có mặt tại phòng tiếp dân (một cửa) của UBND thị trấn Sa Rài, Đồng Tháp. Lúc này đã có chín người dân đem giấy tờ đến chờ giải quyết. Hai hàng chữ đỏ trên nền vàng được gắn ngay ngắn tại khu một cửa của UBND thị trấn: “Toàn thể cán bộ công chức UBND thị trấn quyết tâm thực hiện nhiệm vụ với phương châm ba biết: biết cười, biết lắng nghe, biết xin lỗi. Thực hiện tốt ứng xử văn hóa nơi công sở”.

Cười riết thành quen

Khi thấy người lạ bước vào, dù đang bận kiểm tra những bộ hồ sơ của người dân đem đến trước đó, nữ cán bộ Lý Thị Nu vẫn ngước lên với nụ cười thật tươi, hỏi: “Chú đến chứng giấy tờ hay cần việc gì để con giúp?”. Rồi chị hướng dẫn khách sang phòng phó chủ tịch UBND thị trấn.

Phó chủ tịch UBND thị trấn Nguyễn Thị Ánh Liên đang tiếp vợ chồng ông Bé, người dân địa phương. Ông Bé là thương binh, tỏ vẻ khá căng thẳng, trình bày hơi to giọng về chuyện nhà đất. Người cán bộ trẻ nhã nhặn cười, giải thích cặn kẽ về việc xây dựng nhà tình nghĩa cho ông. Cuối cùng, ông Bé hiểu ra và vui vẻ bắt tay nữ phó chủ tịch để về nhà đem những loại giấy tờ cần thiết bổ sung hồ sơ. “Tui cám ơn cô nhiều lắm” - ông Bé cười nói rồi đi ra cửa. Vợ ông theo sau, ra đến hành lang, bà còn ngoái lại chào: “Cám ơn cô” với phó chủ tịch Ánh Liên đang đứng tiễn ngay cửa phòng.

Bà Liên cho biết hiện dân số của thị trấn là 11.080 khẩu. Ngoài ra, người dân một số xã lân cận cũng đem hồ sơ, giấy tờ đến đây chứng thực sao y nên công việc tương đối lớn. Mỗi ngày “một cửa” của thị trấn Sa Rài phải tiếp nhận và giải quyết hàng trăm bộ hồ sơ, chứng từ. “Riết thành quen, dù công việc có nhiều như thế nào thì cán bộ trực tiếp tiếp nhận hồ sơ, gặp gỡ, tiếp dân đều thực hiện nhiệm vụ “ba biết” với bà con. Những loại giấy tờ cần chứng nhận như sao y, chứng giấy tờ, đơn xin việc..., chúng tôi chỉ thực hiện trong vòng 2-4 phút là xong để trả lại cho dân. Riêng những hồ sơ cần kiểm tra chứng từ, xác minh cũng sẽ giải quyết cho bà con chỉ trong buổi sáng, rất ít khi phải hẹn đến chiều” - bà Ánh Liên nói.

“Cán bộ giờ vui vẻ gặp tụi tui”

Tại phòng tiếp dân của UBND huyện Tân Hồng (huyện giáp với biên giới Campuchia), cán bộ Trần Thanh Sĩ đang chuyện trò cùng vợ chồng ông Đặng Văn Đức. Ông Đức, 76 tuổi, ngụ xã Bình Phú, đến khiếu nại về việc giải quyết tranh chấp đất đai. Vụ việc đã kéo dài nhiều năm, bản thân ông vẫn chưa đồng ý hoàn toàn với hướng giải quyết của UBND huyện nhưng trước thái độ niềm nở, giải thích cặn kẽ, rõ ràng của cán bộ nên vợ chồng ông vui vẻ ra về và chờ kết quả giải quyết của cấp cao hơn.

Ông Đức cho biết mấy năm trước, mỗi lần muốn gặp cán bộ huyện phải mất năm lần bảy lượt đi lại mới được “giáp mặt”. “Không hiểu sao khoảng hai năm nay, các cán bộ giờ đều mau lẹ, vui vẻ, ân cần gặp tụi tui. Nghe cán bộ giải thích, hiểu ra, dù việc chưa được giải quyết dứt điểm nhưng tui thấy vui và yên tâm chờ” - ông nói.

Cũng tại huyện Tân Hồng, nơi tiếp dân của phòng đăng ký và cấp quyền sử dụng đất, ông Võ Thanh Tùng, ngụ ấp Rọc Muống, xã Tân Công Chí, đang chờ hoàn tất thủ tục chuyển sổ đỏ phần đất 1,3ha mà ông vừa mua. Ông Tùng tỏ ra hài lòng: “Bây giờ hổng còn rắc rối, phải đi lại nhiều lần như trước đây nữa, tui chỉ cần lên chỗ một cửa nộp hồ sơ, huyện ký giấy, mình đóng thuế là được cấp ngay sổ đỏ mới, rất đơn giản và thuận tiện. Cán bộ cải tiến rồi, dân được nhờ dữ lắm”.

Ông Phan Văn Đồ, ngụ xã Tân Thành B, huyện Tân Hồng, cũng có chung nhận xét này. Tuy nhiên, theo ông Đồ, tình hình nâng cao hình ảnh, chất lượng tiếp dân tại một số nơi vẫn chưa được cải thiện nhiều. “Tui thấy dường như ở nơi càng gần “mặt trời” thì cán bộ làm việc càng tốt. Tui mong sao ở đâu cán bộ cũng tốt lên như ở đây (UBND huyện Tân Hồng) thì dân được nhờ dữ lắm” - ông Đồ nhận xét.

“Tui nhắc nhở em cháu làm ở bộ phận một cửa, khâu tiếp dân phải luôn nhã nhặn, kính trọng đối với dân. Mình dù là cán bộ thì cũng là con cháu của bà con” - ông Nguyễn Hồng Thái, phó bí thư thường trực Đảng ủy thị trấn Sa Rài, tâm tình. Theo ông Thái, từ đầu năm 2012, UBND thị trấn Sa Rài đã quán triệt nhiệm vụ “ba biết” đến tất cả cán bộ, lãnh đạo của thị trấn. Mỗi thứ sáu hằng tuần, chủ tịch UBND thị trấn đều dành cả ngày để tiếp dân. Ông Thái nói: “Chúng tôi muốn lắng nghe mọi tâm tư, nguyện vọng của bà con ngay khi họ có nhu cầu trình bày chứ không để bà con phải đợi đến những buổi tiếp xúc cử tri mới được nói. Mọi bức xúc của bà con cần được nhanh chóng giải quyết, tránh để gây bực bội, âm ỉ lâu trong lòng”.

Chị Nguyễn Thị Út - cán bộ công tác ở khâu một cửa của phường Mỹ Phú, TP Cao Lãnh - thừa nhận chuyện bị người dân to tiếng, phàn nàn tại bàn làm việc thỉnh thoảng cũng xảy ra. Nguyên nhân là hồ sơ lẽ ra đã được xử lý nhưng do các lãnh đạo bận họp đột xuất hoặc đi công tác, chưa ký kịp nên không thể trả hồ sơ ngay cho bà con. “Mình phải hết sức bình tĩnh, niềm nở, tận tình giải thích và xin lỗi bà con chờ lãnh đạo họp xong sẽ giải quyết công việc ngay. Khi thấy mình tỏ ra có thiện chí và nhận lỗi, bà con sẽ hiểu được vấn đề và thông cảm” - chị Út nói.

Không bằng lòng với kết quả đạt được

Năm 2012, tỉnh Đồng Tháp đứng đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Và để giữ được vị thế “quán quân” này, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Vĩnh Tân cho rằng những vấn đề quan trọng nhất mà tỉnh đang tiếp tục tập trung là nâng cao chất lượng cũng như hình ảnh của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến xã. Tỉnh Đồng Tháp đã và đang chi hơn 30 tỉ đồng nhằm nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh và huyện phải “học cười”, học cách hiểu và đồng cảm với dân song song với học tập nâng cao trình độ...

Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Trung thừa nhận so với yêu cầu vẫn còn một số cán bộ, công chức có phong cách ứng xử chưa phù hợp. Để tiếp tục tạo chuyển biến trong vấn đề này, tỉnh có kế hoạch: những công chức không đủ tiêu chuẩn, không đáp ứng yêu cầu công việc sẽ được bố trí nhiệm vụ khác hoặc cho hưởng chế độ thôi việc theo quy định.

Theo ông Lê Minh Hoan - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cải cách hành chính còn rất nhiều việc phải làm, không thể tự bằng lòng với kết quả đạt được, sức ì trong bộ máy là điều đáng quan tâm nhất hiện nay. Nhận thức và thực hiện một “chính quyền phục vụ” chứ không phải là một “chính quyền quản lý” cần có thời gian để thẩm thấu sâu rộng trong bộ máy công quyền. Mục tiêu của nền hành chính tại Đồng Tháp sắp tới là luôn tối đa hóa tiện ích để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn nữa.

ĐỨC TUYÊN - THANH TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên