Phóng to |
Đây là hình ảnh của chị Bồ Kim Khánh và anh Vũ Ngọc Thương, hiện đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Bình Dương. Khoảnh khắc này tôi đã ghi nhận được khi anh chị cùng nhau đi picnic trong công viên. Hạnh phúc sẽ đến với bạn khi bạn dám mở lòng đón nhận.
Chị Kim Khánh chia sẻ: khi biết mắt bị mù, chị rất tuyệt vọng. Nhưng anh Thương đã nói với chị rằng anh sẽ là đôi mắt của cuộc đời chị... Đó là nguồn động lực rất lớn cho chị vượt qua mọi thử thách. Nhiếp ảnh gia khiếm thị: Huỳnh Hữu Cảnh |
Thuật ngữ Sensory photography (nhiếp ảnh bằng cảm giác) đã xuất hiện từ năm 2006 trên thế giới, được hình thành trên cơ sở mong muốn của người khiếm thị nhằm ghi lại những hình ảnh và kể lại những câu chuyện mà cộng đồng này trải qua trong cuộc sống... Ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên những thành viên của Hội Người mù tỉnh Bình Dương sử dụng phương pháp nhiếp ảnh bằng cảm giác để thể hiện những khoảnh khắc và những câu chuyện của chính mình, của cộng đồng. Họ đã có những bức ảnh đẹp, những câu chuyện nhân văn.
Thay vì được nhìn thấy những bức ảnh làm ví dụ minh họa, người khiếm thị được người hướng dẫn đọc ảnh bằng cách miêu tả lại những bức ảnh bằng những ngôn từ dễ hiểu, dễ tưởng tượng, phần thực hành thì được sờ vào hiện vật và nhân vật mà mình muốn chụp rồi tính khoảng cách, tiến hành chụp ảnh. Việc sử dụng máy ảnh cũng được đơn giản hóa các thao tác trong nhiếp ảnh, chỉ chú trọng đến các nút bật máy, tắt máy, nút chụp và khung hình đứng, khung hình ngang. còn việc chụp ảnh cận, trung hay viễn đều phụ thuộc vào việc di chuyển của người khiếm thị. Trong khi thực tập chụp ảnh, người khiếm thị được người hướng dẫn nhận xét ảnh và hướng dẫn cách di chuyển sao cho bố cục ảnh cân đối, không bị mất đầu, mất chân tay hay lệch lạc về bố cục. Việc lấy khoảng cách tới nhân vật cho chính xác là rất quan trọng. họ phải nghe tiếng của nhân vật, phải mường tượng ra vị trí, góc độ chụp, nhiều trường hợp phải sờ trực tiếp vào nhân vật để có bức hình đẹp.
Photovoice (Kể chuyện qua hình ảnh) là một dự án của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường kết hợp với nhóm sinh viên tình nguyện Trường đại học Ngoại thương cơ sở 2, cộng đồng người khiếm thị tại tỉnh Bình Dương và tám người khiếm thị thực hiện dự án. Trong hai trang báo này, các tác giả kể về tác phẩm được chọn của mình.
Phóng to |
Đây là hình bé T.V. đang được trị liệu vận động trong phòng tâm vận động (TVĐ) của Trường tiểu học chuyên biệt Trí Tâm. Tvđ là một hoạt động trị liệu có ý nghĩa, đặc biệt đối với những trẻ có khó khăn về vận động, nhận thức, ngôn ngữ. Từ những hoạt động mà trẻ được tự chọn trong phòng Tvđ, nhà trị liệu đặt câu hỏi bé đang gặp vướng mắc những vấn đề gì? Ý muốn của trẻ là gì? Có những hoạt động như ngồi, nhún trên quả banh gai hoặc banh trơn to, xây dựng và phá vỡ khối mút hình vuông, trẻ vừa hoạt động vừa nhìn gương để nhận biết, khám phá cơ thể mình. Trong bức hình này, bé T.V. đang cố gắng leo lên những nấc thang thể hiện ý muốn phát triển toàn diện của trẻ và trẻ tìm được cảm giác từ đôi chân của mình mang lại.
Hoạt động Tvđ đã cho tôi nhận biết: chúng ta không nên gò bó, rập khuôn trẻ, đặc biệt là trẻ có những khó khăn, theo ý của người lớn, giáo viên, mà hãy để trẻ bộc lộ những ý muốn của trẻ để giúp trẻ phát triển toàn diện. Tác giả: Huỳnh Hữu Cảnh |
Phóng to |
Trong ảnh là cụ Phan Văn Giải, khu phố 4, phường Phú Mỹ, TP Thủ Dầu Một. Chiến tranh, bom đạn đã cướp mất vợ con cụ. Lúc trước mắt còn tốt cụ đan lác bán, nhưng giờ già mù chỉ còn nhờ xã hội giúp đỡ. Sáng, cụ nhờ hàng xóm mua đồ ăn, tự nấu, tự lo cho bản thân. Cụ thích làm thơ. Hội người mù vận động hội viên mua đất, xây nhà tình thương cho cụ. Tác giả: Đỗ Văn Cầu |
Phóng to |
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cũng như bao thanh niên khác, ông Trần Văn Lập (sinh năm 1948, ngụ 83/3 KP Thạnh Lợi, phường An Thạnh, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) hăng hái lên đường cứu nước.
Năm 1970, trong một trận chống càn ở tỉnh Long An, ông đã bị đạn pháo của địch làm mù hai mắt và nhiều thương tích trên người. Sau ngày 30-4-1975, ông được Nhà nước cho hưởng chế độ thương binh loại 1/4. Hiện ông đã lập gia đình và có ba người con. Năm 2007 được Hội người khiếm thị thị xã Thuận An cho vay vốn, ông đầu tư vào chăn nuôi. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và siêng năng chăm sóc nên đàn gà sinh sản tốt và chóng lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Đàn gà với số lượng hơn 100 con nhiều kích cỡ, chen nhau mổ từng hạt lúa hứa hẹn một mùa thu hoạch. Tác giả: Hồ Thanh Tùng |
Phóng to |
Do tai nạn, tôi bị mù từ năm 1989, mất đi một giác quan quý giá của con người. Cuộc sống của tôi gặp muôn vàn khó khăn. Nhưng với ý chí “tàn nhưng không phế”, bản thân tôi đã vượt qua nhiều khó khăn, vừa lao động vừa tranh thủ thời gian học chữ Braille. Sau một thời gian chịu khó phát triển kinh tế gia đình, gia đình tôi có cuộc sống khá ổn định.
Sau những giờ làm việc vất vả, tôi dành thời gian để chăm sóc khu vườn của mình và sống vui với cảnh thiên nhiên. Trong ảnh là vườn nhà tôi. Tác giả: Trần Văn Em |
Phóng to |
Nơi tôi sinh sống thuộc xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Xã tôi có hơn 300 hộ là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Khmer. Trước đây khi mới giải phóng họ còn những phong tục tập quán riêng, có những lễ hội sau khi thu hoạch lúa như múa Lâm Thol, cũng như khi có người mất thì phải chia tài sản, lễ cưới cũng khác người Việt. Nhưng qua thời gian sinh sống gần gũi, họ có cuộc sống chung với người Việt, họ đã biết lo cho con ăn học và không còn canh tác bằng cách du canh du cư. Điều đó đã giúp cho người Khmer và người Việt trở nên gần gũi và hòa đồng hơn. Tác giả: Nguyễn Thị Hoa |
Phóng to |
Chị Lê Thị Kiều Nga, sinh năm 1985, người mù bẩm sinh đến từ tỉnh Trà Vinh, mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Chị ở chung với chị em ruột làm công việc nội trợ. Khi trưởng thành chị luôn có ý nghĩ là anh chị em ruột đều có gia đình phải lo toan cuộc sống riêng, chị không muốn sống nhờ anh chị em và muốn đi học nghề.
Điểm đến tìm việc là Hội Người mù huyện Bến Cát với việc học nghề xoa bóp và bấm huyệt… Thông qua công việc, chị đã làm quen và kết hôn với anh Trương Hoàng Điệp cũng là nhân viên ở đây. Tôi chụp bức ảnh này để kể về một người phụ nữ quyết tâm đi tìm công việc cho bản thân mình. Hiện nay hai vợ chồng làm ăn bằng nghề nghiệp của mình và có thu nhập từ 1,8-3,5 triệu đồng, đủ để trang trải cho một gia đình nhỏ. Tác giả: Trương Văn Thới |
Phóng to |
Trong khoảnh khắc mà tôi đã chụp lại là vườn cao su của gia đình mình và muốn nói lên sự vất vả của công nhân cạo mủ cao su. Đây là em Nguyễn Thị Thanh Thủy, đã làm công việc cạo mủ cao su trên 10 năm. Công việc của em phải dậy rất sớm, từ 1g-2g sáng có mặt tại vườn cao su cho đến khoảng 11g-12g trưa mới xong việc.
Tôi nghĩ mỗi người có một hoàn cảnh và công việc khác nhau, tùy theo công việc và hoàn cảnh mà mình phải phấn đấu vươn lên để thành công trong công việc mình làm. Tác giả: Nguyễn Thanh An |
Phóng to |
Ông Nguyễn Công Phúc (sinh năm 1946) là một cựu chiến binh. Ông nhập ngũ năm 1967, sư đoàn 250. Năm 1968, ông tham gia chiến dịch Mậu Thân ở Quảng Trị và chiến dịch Nam Lào (1971), tham gia tiến về giải phóng Sài Gòn ngày 30-4-1975. Tôi chụp bức ảnh này để giới thiệu cho mọi người một cựu chiến binh đã vào sinh ra tử, nhưng khi trở về đời thường ông vẫn tham gia công tác tại Hội Cựu chiến binh xã và vẫn giữ được phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ.
Tôi rất cảm phục ý chí kiên cường của ông và hi vọng ông sẽ có một cuộc sống tràn ngập hạnh phúc. Tác giả: Trần Văn Thân |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận