Phóng to |
Chiếc xe vào bãi vàng chở theo bao phận người trai tráng lao vào cuộc mưu sinh nhọc nhằn và hiểm nguy - Ảnh: HỮU KHÁ |
Cơn mưa chiều muộn một ngày cuối tháng 6 giăng kín cả thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn). Con đường lấm bùn đất đỏ nơi góc chợ thị trấn lố nhố người, đứng ngồi vật vã. Ông Cúc, một phu vàng đã giải nghệ ở thị trấn, người đã bỏ lại thời trai trẻ trong các hầm sâu của bãi vàng, chua chát nói: “đã mấy chục năm rồi, góc chợ này là nơi đưa tiễn các phu vàng vào bãi. Rất nhiều thanh niên trai tráng từ đây trở vào bãi vàng và không bao giờ trở về nữa”.
Tuyển phu
Trời nhá nhem tối, chúng tôi vừa đặt chân tới thị trấn cũng lúc chiếc xe khách chở nhóm thanh niên mười mấy người đỗ xịch bên vệ đường. Từ manh mối giới thiệu của người lái xe ôm, tôi được dẫn đến gặp chị Hai. Trước khi đi, người lái xe ôm tên Hải dặn: “Gặp chị Hai thì dễ nhưng để chị “duyệt” cho vô bãi vàng là khó lắm đó. Mày người gầy teo vậy chắc gì bà đã cho vô bãi. Gặp bà mày cứ nói là có vợ rồi nhé. Mày nói có vợ, con nhỏ, nhà nghèo muốn vào bãi kiếm tiền bà cho đi liền. Chớ nói chưa vợ, thanh niên mà gầy ốm bà sợ “bắt” trúng phải con nghiện”.
19g, tôi hòa vào đám thanh niên đang đứng ngồi trước cổng chợ để chờ chị Hai. Theo giới xe ôm, ở phố núi Khâm Đức này nhắc đến chị Hai ai cũng biết. Chị Hai tên thật là Đào, là người dân tộc Thái (quê ở Nghệ An). Với dân thị trấn, chị Hai là người thật bụng nhưng rất lạnh lùng. Việc gì chị Hai đã nói là làm. Với các chủ bãi vàng cũng vậy, chị Hai là người có uy tín. Chị Hai là mắt xích quan trọng trong đường dây tuyển phu, không có chị ta đừng hòng đưa được người vào bãi. Ai lên đây, muốn vào bãi làm phu tất nhiên phải qua tay chị.
19g30, chúng tôi được đưa đến gặp chị Hai (bà Đào) trong quán nước xập xệ nơi con đường tối om cuối thị trấn. Vừa gặp, bà Đào lướt nhìn từng đứa ra vẻ đồng ý rồi nói chắc nịch: “Vào đó phải cố gắng mà làm, làm không nổi bỏ xác trong đó tau thêm mang tiếng”. Tiếp theo đó, bà Đào hạ lệnh: “Giờ đi ngay trong đêm”. Bà Đào phán khiến cả đám thanh niên e ngại vì trời đang đổ mưa lớn. Cả đám láo nháo nhai bánh mì chị Hai phát cho mỗi người một ổ trong khi chờ lên đường. Bỗng dưng bà Đào chửi trong điện thoại: “Mẹ, sao xe đến muộn thế mày. Nhanh lên”.
Phải đến 20g30, chiếc xe Uran ba cầu mới lù lù xuất hiện giữa bóng đêm. Tài xế và hai thanh niên trên xe nhảy xuống chạy tới chỗ bà Đào nhận mệnh lệnh gì đó rồi bảo chúng tôi lên xe. Mỗi đứa được phát cho chiếc áo mưa và cái bao lớn để gói balô áo quần. Chúng tôi nhảy lên ngồi sau thùng xe, chiếc Ural lao thẳng trong đêm tối. Vì sao phải đi giữa đêm tối? Các lái xe ôm ở thị trấn cho biết đi trong đêm để tránh sự “dòm ngó” của cơ quan chức năng bởi dân phu vào bãi đa số lý lịch không rõ ràng.
1 phu 2 triệu đồng
Chiếc Ural như con ngựa bất kham nhảy chồm băng qua con đường dằn xóc. Chạy được một đoạn tài xế đột ngột dừng lại. Tiếng ai đó ngồi trước ca bin chửi như ra lệnh: “Đ.M mưa, nước lớn, xe không qua ngầm được. Lui”.
Chiếc Ural quay đầu. Trở về ướt sũng giữa cơn mưa rừng trong chiếc áo mưa rách toác, cả chục thanh niên được lùa vào nhà nghỉ T. A. Đây là điểm tập kết phu vàng của chị Hai khi họ được đưa từ miền Bắc vào. Nghe lời dặn của cô chủ quán tốt bụng lúc chiều tối, chúng tôi cẩn thận rà khắp chiếc giường để khỏi đụng phải kim tiêm. Chúng tôi được ghép vào ở với ba thanh niên lạ mặt nói giọng Bắc trên hai chiếc giường ọp ẹp. Căn phòng ẩm thấp, chuột chạy lộp xộp.
Ba thanh niên nói giọng Bắc cho biết có hai người ở huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An). Một người đã có vợ con, còn người kia vừa học xong lớp 12. Anh Tiến, người có vợ, tâm sự: “Ở quê nghèo không có việc gì làm. Nghe nói trong này làm phu vàng có thu nhập ổn. Mình có vợ nên muốn đi một vài năm kiếm đồng vốn trở về. Mười ngày trước bà Đào ra quê, tổ chức ăn uống rồi tuyển bọn mình.
Bà Đào nhờ một thanh niên trong làng đứng ra tìm người. Gia đình nào cần tiền bà sẵn sàng cho ứng trước nhưng tối đa không quá 10 triệu đồng. Bà nói cứ yên tâm đi, vào trong bãi tiết kiệm được tiền gửi về nhà bởi trong bãi không cần chi tiêu gì cả. Nghe bà nói chắc vậy nên cha mẹ, vợ tôi đồng ý để tôi đi. Trước khi lên đường bà ứng trước cho vợ tôi 7 triệu tiền lương”.
Còn Hải vừa học xong lớp 12, nghe nói làm phu vàng dễ ăn nên cũng đi theo. Hải nói ở quê cày cấy gì em cũng làm được, nhưng ngặt nỗi đất đai ít ỏi quá làm không đủ ăn. Đi làm độ một hai năm mang tiền về quê rồi xin đi học trung cấp nghề.
Nghề “bắt” phu vàng dễ ăn nên có rất nhiều người nhảy vào. Thị trấn này vào mùa cao điểm tuyển phu, nhiều cuộc giành giật diễn ra có khi đổ máu.
Theo Hải thì tất cả người hành nghề này đều là phụ nữ. Ông Nguyễn Văn Phương, một chân rết chuyên đi tuyển phu vàng, cho biết bà Đào ly dị chồng đã gần chục năm nay. Bà lang thang khắp nơi rồi về trụ lại ở thị trấn Khâm Đức mở quán bán hàng ăn. Ít lâu sau, bà nổi lên thành người chuyên đi “săn” thanh niên ở các làng quê vùng núi phía Bắc để cung ứng lao động cho các bãi vàng lậu.
Nhưng ở thị trấn này, nói đến người tuyển phu có máu mặt nhất phải kể tới bà Lan. Bà Lan rất uy tín, làm ăn chưa bao giờ thất hứa với ai. Các chủ bãi có nhu cầu “bắt” bao nhiêu phu vàng cứ gọi bà một tiếng là có liền. Bảo đảm là quân khỏe mạnh, ít người trốn, bởi có trốn cũng không thoát khỏi tay bà và đàn em của bà. Cứ mỗi lần các chủ bãi cần phu là bà Lan lại lên đường, ra tận miền núi các tỉnh “bắt” phu.
Gia đình nào cho con hoặc chồng đi sẽ được ứng trước ít tiền. Cứ mỗi chuyến xe đưa hàng chục phu vào bãi là bà đếm đầu người lấy 2 triệu đồng/người.
Trong khi những người mới như chúng tôi nằm chờ hết mưa để vào bãi vàng kiếm sống thì những người dân ở thị trấn nói bao năm nay họ chứng kiến hàng ngàn thanh niên trai tráng như chúng tôi từ các làng quê khắp nơi được bà Đào, bà Lan và hàng chục “nhà tuyển phu” khác đưa vào bãi.
Ông Cúc nói ông biết tận tường nỗi đau khổ của các phu vàng khi dấn thân vào đây. Nhưng hết lứa này đến lứa khác, họ cứ đổ vào bãi vàng như những con thiêu thân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận