18/06/2013 17:30 GMT+7

Chứa chan hạt lúa Việt trên cánh đồng Myanmar

NGUYỄN VĂN THANH(chủ tịch Viettranimex)
NGUYỄN VĂN THANH(chủ tịch Viettranimex)

TT - Trong căn phòng đậm dấu ấn Myanmar với vật dụng trang trí làm từ đá và gỗ Myanmar, ông Nguyễn Văn Thanh - chủ tịch HĐQT Công ty Viettranimex - nói về bao nhiêu “kết quả” mà ông thu được sau hơn mười năm “ăn dầm nằm dề” tại Myanmar.

Đó là tình bạn, các mối quan hệ và những cơ hội làm ăn đang được mở ra... Hãy nghe câu chuyện của ông.

0ls852oT.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Văn Thanh (thứ hai từ trái) hướng dẫn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Myanmar Thein Sein thăm cánh đồng hợp tác VN - Myanmar nhân dịp thủ tướng sang thăm Myanmar tháng 12-2011 - Ảnh: CTV
wHYXHm8u.jpgPhóng to
Nông dân Myanmar tìm hiểu giống lúa mới của Viettranimex- Ảnh tư liệu

Kết quả mỹ mãn!

Làm ăn với Myanmar từ những năm trước năm 2000, nhưng nếu không có cuộc gặp gỡ “định mệnh” với ông U Myint Hlaing (bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và thủy lợi Myanmar) khi ông sang thăm VN, hoạt động của chúng tôi đã không chuyển sang một ngã rẽ khác, hiểu biết và gắn bó hơn với đất nước này.

Đó là vào tháng 9-2010. Tôi vẫn còn nhớ như in lời tâm sự của ông U Myint Hlaing khi chúng tôi ngồi trao đổi tại phòng chờ sân bay Tân Sơn Nhất trước khi ông về nước: “Tôi rất mong muốn nông nghiệp Myanmar cũng được như nông nghiệp VN”. Từng qua lại Myanmar, tôi nhận thấy nông nghiệp quốc gia này có nhiều nét tương đồng với VN. Do đó trước khi chào từ biệt bộ trưởng, tôi đã long trọng hứa: “Nếu ngài tạo điều kiện, trong vòng hai tháng tới tôi sẽ đưa những chuyên gia giỏi nhất cùng giống lúa và các điều kiện sản xuất sang Myanmar để sản xuất lúa giống”.

Với sự hỗ trợ của Bộ NN&PTNT VN cùng Tổng công ty Giống trung ương, tôi và đoàn chuyên gia VN sang Myanmar đúng hẹn và được ông Hlaing hỗ trợ nhiệt tình, cho thực hiện dự án phát triển lúa giống ngay. Tuy nhiên, bắt tay vào thực hiện mới phát sinh nhiều khó khăn bởi đặc điểm khí hậu tại Myanmar là ngày nắng nóng nhưng đêm rất lạnh, độ ẩm thấp. Nông dân Myanmar cũng có phong cách làm việc như nông dân VN vào thời kỳ bao cấp, đó là bắt đầu và kết thúc ngày làm việc theo tiếng kẻng.

Trong thời gian thực hiện dự án, chúng tôi rất lo bởi đích thân tổng thống và bộ trưởng ra thăm liên tục. Thế rồi sau những thất bại ban đầu, sự tận tụy của đội ngũ chuyên gia VN cuối cùng cũng đã được đền đáp: một kết quả mỹ mãn! Một số giống lúa của chúng tôi được đánh giá rất cao nhờ năng suất đạt 9-10 tấn/ha. Có bông lúa đến 1.200 hạt, chưa từng có tại Myanmar. Khi công bố kết quả, tiến sĩ Tin Tut - hiệu trưởng Trường ĐH Nông nghiệp Yezin (Myanmar) - khẳng định: “Giống lúa của các bạn đã vượt trội so với lúa của Philippines, Trung Quốc và một số quốc gia khác. Đặc biệt, lúa của các bạn cho loại cơm thích hợp nhất với nhu cầu của người dân Myanmar”.

Giấy phép khai thác mỏ số 01

Sau những trục trặc ban đầu, dự án khai thác đá cẩm thạch do công ty chúng tôi góp vốn cùng hai doanh nghiệp khác của VN (Viettranimex góp 40% vốn) làm chủ đầu tư đã được cấp phép, với sự hỗ trợ rất lớn từ những mối quan hệ mà tôi và các đối tác trong liên doanh xây dựng được. Đến thời điểm này, các khâu ban đầu như giấy phép chuyển tiền, máy móc thiết bị, máy xúc, máy ủi, máy phát điện... đã được hoàn tất để chuẩn bị khai thác. Dự kiến vào tháng 8-2013, chúng tôi sẽ khai thác mẻ đá đầu tiên. Với giấy phép khai thác mỏ số 01 được cấp cho nước ngoài, chúng tôi hi vọng thời gian tới sẽ cho ra lò các sản phẩm đá quý thương hiệu VN để xuất đi các nước.

Những năm gần đây, nhiều doanh nhân Việt đã bắt đầu đổ xô sang Myanmar tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh. Và trong các cuộc nói chuyện, tôi được nghe không ít lời “phàn nàn” về thủ tục khó khăn và các chi phí không thể đưa vào sổ sách, những lo ngại về rủi ro thị trường... Bản thân chúng tôi cũng từng trải qua những khó khăn này. Tuy nhiên, tôi cho rằng hiện tượng “thoáng trên, tắc dưới” là chuyện có thể hiểu được, do các cơ quan công quyền chưa chuyển mình kịp với chính sách mở cửa mạnh mẽ của Chính phủ Myanmar. Nhưng nếu vì những rào cản này mà các doanh nghiệp VN ngần ngại, chậm chân là sẽ đánh mất cơ hội vàng để giành được chỗ đứng tại thị trường này.

Theo tôi, các doanh nghiệp VN hoàn toàn có thể dùng chiến thuật “du kích”, cử các cán bộ giỏi sang mở văn phòng đại diện hay phòng trưng bày sản phẩm, từng bước đặt chân vào thị trường này để chờ cơ hội thuận lợi hơn. Cơn “sốt” giá thuê đất cũng như khách sạn, văn phòng tại TP Yangon gần đây cho thấy “nhiệt độ” kinh tế Myanmar đang tăng lên với sự đổ xô vào của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia có tiềm lực tài chính hùng mạnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp VN có một lợi thế rất lớn mà không phải nhà đầu tư quốc gia nào cũng có được, đó là tình cảm mà người dân, doanh nhân và cả lãnh đạo Myanmar dành cho VN.

Doanh nghiệp Việt được xếp hàng đầu

Có một người bạn Myanmar vốn là quan chức trong cơ quan chính phủ này nói với tôi rằng doanh nghiệp VN luôn đứng đầu trong danh sách lựa chọn cho các dự án nếu đủ tiềm lực về tài chính và làm ăn nghiêm túc. Tôi tin người bạn ấy nói thật. Người Myanmar vốn trung thực.

Đến Myanmar vào thời điểm này, các bạn sẽ khó hình dung những khó khăn trong suốt thời gian chúng tôi làm dự án lúa giống. Sau nhiều năm bị bao vây cấm vận, đời sống tại Myanmar vào thời điểm ấy cực kỳ khó khăn do thiếu đủ thứ, từ nhu yếu phẩm đến phương tiện sinh hoạt, đi lại. Ngay tại TP Yangon, việc tìm được một nơi ăn chỗ ở đàng hoàng cũng là một chuyện khó khăn.

Tuy nhiên, có gắn bó với đất nước này chúng tôi mới hiểu hết tình cảm người Myanmar dành cho đất nước và con người VN. Tôi còn nhớ vào tháng 3-2012, nhân một cuộc họp nội các, Bộ trưởng Hlaing kêu chúng tôi luộc một số bắp vừa thu hoạch được, rồi ông cho gói cẩn thận để đem vào mời các thành viên. Tôi nghe kể lại rằng vị bộ trưởng này đã rất tự hào khoe với các thành viên trong nội các rằng “bắp này được trồng bằng giống VN và ăn rất ngon”.

Trong suốt thời gian chúng tôi làm dự án, Bộ trưởng Hlaing thường xuyên đến thăm và mỗi chuyến thăm như vậy, trên xe của vị bộ trưởng luôn mang theo đủ loại trái cây như chuối, xoài, có hôm còn mang cả bia đến mời các chuyên gia VN. Có thể nói Bộ trưởng Hlaing cùng nhiều quan chức Chính phủ Myanmar đã dành những tình cảm chân thành nhất cho đoàn VN, dù bên cạnh chúng tôi còn có nhiều dự án đến từ các quốc gia khác.

Ngay cả TS Tin Tut cũng dành nhiều tình cảm và đánh giá cao những nỗ lực của các chuyên gia VN. Tâm sự với chúng tôi, vị hiệu trưởng này nói: “Các bạn đến với chúng tôi rất thật lòng. Các kỹ sư, chuyên gia của các bạn lăn lộn trên những cánh đồng, hợp tác với chúng tôi để nghiên cứu ra các loại giống tốt nhất cung cấp cho người dân Myanmar. Trong khi đó, các tập đoàn Trung Quốc chỉ quan tâm đến thị trường chúng tôi chứ không quan tâm đến việc chuyển giao giống lúa, công nghệ...”.

________________

Kỳ tới: “Vào Myanmar: thời cơ có một không hai”

(Trò chuyện với cựu đại sứ đặc mệnh toàn quyền VN tại Myanmar, ông Chu Công Phùng)

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Phép mầu “open government” Kỳ 2: Xứ sở thân thiện Kỳ 3: Doanh nhân Việt đang “bay” đến Yangon Kỳ 4: “Nhanh lên, đừng nản lòng”

NGUYỄN VĂN THANH(chủ tịch Viettranimex)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên