06/05/2013 10:48 GMT+7

20 năm "sống không bằng chết" đi tìm công lý

KHẮC TÂM
KHẮC TÂM

TT - Ngày 3-5, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo vụ việc liên quan đến khiếu nại của ông Huỳnh Hữu Đức và ông Lâm Ương (tỉnh Sóc Trăng).

Theo đó, Thủ tướng đồng ý kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, giao chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức thực hiện kiến nghị của Thanh tra Chính phủ; kiểm điểm nghiêm túc tập thể, cá nhân sai phạm (kể cả trách nhiệm bồi thường vật chất) và có hình thức xử lý theo quy định pháp luật. Kết quả giải quyết vụ việc phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6-2013.

9EfEyvjC.jpgPhóng to
Ông Huỳnh Hữu Đức với hồ sơ khiếu kiện - Ảnh: Kh.Tâm

Đây là vụ việc gì?

Từ tóc đen đến tóc bạc

Chuyện bị chính quyền thị xã Sóc Trăng (nay là thành phố Sóc Trăng) cưỡng chế thu hồi đất sai luật xảy ra kéo dài gần 20 năm qua, nhưng ông Huỳnh Hữu Đức (ngụ số 448/30/19, quốc lộ 1, khóm 5, phường 2, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) vẫn nhớ như in từng sự kiện, cho dù đó là chi tiết nhỏ nhất. “Khoảng thời gian đó, gia đình tôi đã trải qua biết bao tủi nhục, nếm biết bao nhiêu tủi hờn. Bây giờ Thủ tướng đã chỉ đạo chính quyền phải sửa sai, bồi thường, xử lý cán bộ làm sai, gia đình tôi đã thật sự được minh oan”, ông Đức nói.

Ông Đức chua xót ví von: “Chỉ việc đòi lại mảnh đất của gia đình, tôi đã dai dẳng đeo đuổi, từ lúc tóc còn đen đến khi đòi được công lý, nỗi ức được minh oan thì nay tóc đã bạc trắng”.

Năm 1954, bà Khương Thị Xém (mẹ ông Đức) có thuê của ông Lý Ny hai thửa đất hoang hóa (hơn 4 công) ở đường Kênh Xáng (khóm 5, phường 8, TP Sóc Trăng) để khai phá. Hằng năm bà Xém đều nộp tô cho ông Lý Ny.

Sau ngày 30-4-1975, gia đình bà Xém được giữ nguyên canh tác phần đất đó và đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước. Liền kề đất của bà Xém là hộ ông Lâm Ương (ngụ số 20 Cao Thắng, khóm 5, phường 8, TP Sóc Trăng). Gia đình bà Xém đang canh tác ổn định thì năm 1994, bà Trần Kim Ty làm đơn đòi lại phần đất mà bà Xém và ông Ương đang canh tác, vì bà Ty cho rằng đây là đất của ông Lý Ny (cha chồng bà Ty). Bà Xém đồng ý trả lại một phần diện tích đất sản xuất, chỉ xin giữ lại đất thổ cư và trả hoa lợi cho bà Ny.

Thế nhưng bà Ny không đồng ý. Trong lúc đang tranh chấp thì chính quyền địa phương lại hợp thức hóa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Ny. Có “giấy đỏ” trong tay, ngày 14-9-1995, UBND thị xã Sóc Trăng đã huy động lực lượng cưỡng chế, tháo dỡ nhà cửa, hoa màu của gia đình bà Xém. Hộ ông Lâm Ương cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Không cầm lòng để mất đất mà mình có công gầy dựng, bà Xém cùng các con cất lại nhà, tiếp tục làm rẫy để sống qua ngày. Cuối năm 1996, UBND thị xã Sóc Trăng lại đưa người xuống cưỡng chế, tháo dỡ nhà lần hai. Sau khi lực lượng chức năng rút đi, gia đình bà Xém tiếp tục cất nhà, bám đất và làm đơn gõ cửa các nơi.

Trong lúc gia đình bà Xém đang đi gõ cửa kêu oan, đầu tháng 5-1997 chính quyền thị xã lại một lần nữa đưa lực lượng gần 60 người đến tháo dỡ nhà cửa, đem đồ đạc đi mà không cần lập biên bản, không giao quyết định cưỡng chế. Quá bức xúc, bà Huỳnh Thị Huỳnh (chị dâu ông Đức) ra ngăn cản liền bị bắt giam 117 ngày, ông Huỳnh Tài Bá (anh trai ông Đức) cũng bị giam ba ngày. Vườn cây, hoa màu mà gia đình bà Xém đổ mồ hôi vun trồng cũng bị chặt phá, san ủi sạch sành sanh.

Ông Đức lau nước mắt, nhớ lại: “Sau ba lần cưỡng chế, gia đình trắng tay, chúng tôi sống không bằng chết. Không còn chỗ nương thân, gia đình tôi dựng chòi lá tạm cũng bị chính quyền ngăn cản. Mẹ tôi mới đưa cả nhà gồm bảy nhân khẩu trú ẩn dưới bụi tre, sống tạm qua ngày. Những đêm mưa to gió lớn mọi người ướt như chuột lột, thức trắng. Uất ức vì quyền lợi bị xâm phạm, cuộc sống thiếu trước hụt sau nên mẹ tôi lâm bệnh mà chết. Anh em tôi phải ly tán mỗi đứa một nơi, đi làm thuê để kiếm sống. Con và mấy đứa cháu của tôi cũng không được đến trường. Chị dâu tôi sau khi ra tù, phải nằm bệnh viện điều trị gần 20 ngày vì bị sưng phù. Bản thân tôi là thầy giáo, dạy Trường tiểu học An Hiệp C, cũng sống dở chết dở. Họ đề nghị Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Mỹ Tú (nay là huyện Châu Thành, Sóc Trăng) kỷ luật, buộc tôi thôi việc. Rất may lãnh đạo phòng sáng suốt trả lời tôi không có vi phạm pháp luật thì lấy lý do gì để kỷ luật”.

Mẹ chết thảm anh chị ngồi tù..., ông Đức đi tìm công lý

Xem tiếp trang sau

Không cam lòng chịu nỗi oan ức, ông Đức vừa dạy học vừa làm đơn cầu cứu các nơi. Năm 2004, UBND tỉnh Sóc Trăng bác đơn khiếu nại của ông. Nhiều lúc ông Đức định buông xuôi, nhưng mỗi khi nhớ đến cái chết thảm của mẹ, nỗi oan bị tù đày của chị dâu, anh trai... ông lại không cam lòng. Nhiều đêm, sau khi soạn giáo án, chấm bài xong, ông lại thức đến khuya để thảo đơn gửi các cơ quan trung ương bởi tin rằng công lý sẽ chiến thắng.

Năm 2009, Bộ TN-MT vào cuộc, đối thoại trực tiếp với ông. Sáu tháng sau, bộ có công văn trả lời chính quyền thị xã Sóc Trăng làm sai. Tới nước này, địa phương mới tính đến chuyện khắc phục hậu quả, nhưng chỉ thừa nhận cưỡng chế sai quy trình, hỗ trợ gia đình ông Đức 50 triệu đồng. Ông Đức lại khiếu nại. Năm 2012 Thanh tra Chính phủ vào cuộc, chính quyền mới đồng ý bồi thường phần đất, nâng số tiền lên 500 triệu đồng. Ông Đức vẫn không đồng ý. Sau lần đối thoại thứ hai, mức bồi thường thiệt hại cho gia đình ông Đức được nâng lên trên 770 triệu đồng.

“Bây giờ mọi chuyện đã được sáng tỏ. Thú thật khi nhớ lại chặng đường đi đòi công lý, tôi không sao chợp mắt được. Trải qua gần 20 năm, gia đình tôi nếm biết bao đắng cay, có lúc bị người đời xa lánh. Mẹ tôi vì buồn mà chết, gia đình ly tán, anh chị bị tù tội, con cháu thất học... những mất mát này thật khó có thể bù đắp được. Vậy mà khi bồi thường thiệt hại cho gia đình, họ (chính quyền-PV) tính chi li từng chút. Có đứng vào hoàn cảnh của gia đình tôi, có lẽ họ mới hiểu được nỗi đau thấu lòng mà chúng tôi đã gánh chịu”, ông Đức chạnh lòng nhớ lại.

Ngày 7-3-2013, các cơ quan chức năng của TP Sóc Trăng đã mời ông Đức để đối thoại xung quanh việc chiết tính chi trả bồi thường thiệt hại. Theo đó, cơ quan chức năng thành phố này đề xuất sau khi nhận được tiền, ông Đức phải làm đơn rút lại đơn tố cáo tại thanh tra tỉnh, không còn khiếu nại, tố cáo cán bộ liên quan đến việc cưỡng chế trước đây đối với gia đình ông. Sáng 5-5, tiếp xúc chúng tôi, ông Đức cho biết đến nay ông vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. Còn liên quan đến việc tố cáo, yêu cầu xử lý cán bộ làm sai, theo ông Đức, ông dự tính sẽ viết đơn yêu cầu, nhưng ngày 3-5 Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo rồi nên ông tin tưởng pháp luật sẽ được thực thi.

Một lãnh đạo UBND TP Sóc Trăng cho biết sau buổi làm việc với ông Đức và ông Ương, địa phương đã hoàn tất các thủ tục chuyển về tỉnh. Phần tiền chi trả bồi thường được tỉnh trợ cấp, khi nào tỉnh phân về, TP Sóc Trăng sẽ tiến hành chi trả ngay cho ông Đức và ông Ương.

Chiều 5-5, ông Võ Thanh Nhàn - chủ tịch UBND TP Sóc Trăng - cho biết đã nhận được văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ xung quanh việc xử lý cán bộ sai phạm trong vụ cưỡng chế tháo dỡ nhà cửa, hoa màu của gia đình bà Xém. Tuy nhiên, do những cán bộ liên quan trực tiếp vụ cưỡng chế này hiện đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác nên UBND TP sẽ xin ý kiến ban thường vụ thành ủy và tỉnh ủy về hướng xử lý số cán bộ này. “Khi có chỉ đạo chính thức của cấp trên chúng tôi sẽ tiến hành xử lý nghiêm và báo cáo Thủ tướng” - ông Nhàn nói.

Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Cha giết con - oan thấu trời xanh! Kỳ 2: Đang say giấc ngủ du lịch bỗng dưng... trắng tay Kỳ 3: Ở tù oan 16 năm 3 tháng Kỳ 4: Nghe quyết định bắt mà chết đứng giữa nhà

___________

Kỳ tới: Hai lần bị tuyên án tử hình

Trong số báo hôm nay, tòa soạn ưu tiên đăng thông tin mới nhất về vụ khiếu kiện oan sai ở Sóc Trăng. Bài “Hai lần bị tuyên án tử hình”, như đã rao hôm qua, sẽ đăng vào số báo ngày mai. Mong bạn đọc thông cảm.

TÒA SOẠN

KHẮC TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên