Phóng to |
Các ngư dân của tàu QNG 95357 vận chuyển số hàng hóa vừa mua tại đảo Đá Tây ra tàu - Ảnh: TR.MẠNH |
Công ty này là đơn vị thành viên của Tổng công ty Thủy sản VN được Bộ NN&PTNT giao nhiệm vụ cung ứng các dịch vụ cho tàu thuyền của ngư dân bằng giá bán tại đất liền, giúp ngư dân bám biển.
Rẻ như đất liền
10g44 ngày 24-4, ông Chu Minh Sơn, trưởng ban quản lý DVHC đảo Đá Tây, nhận được tin nhắn từ phòng kế hoạch Công ty Biển Đông với nội dung: “Agribank: TK 1700311001xxxxx: +64.200.000 VND (Le Thi Lai nop tien: mua dau tau QNG 95357)”. Ngay lập tức, ông Sơn kiểm tra lại sổ sách các nguồn hàng trong kho dự trữ của công ty trên đảo. Hàng hóa vẫn còn dồi dào, phong phú do mới có thêm chuyến tàu vận chuyển từ đất liền ra.
"Ngày trước đang đánh bắt hết nước ngọt phải vào các đảo có bộ đội để xin. Bộ đội lúc nào cũng cho nhưng bản thân các anh cũng thiếu nước nên không có nhiều. Nay đảo Đá Tây cấp nước miễn phí, còn bán thêm nhiều hàng hóa khác nên chúng tôi rất yên tâm đi biển" Ông Trà Văn Sang(thuyền trưởng tàu BT 98700) |
13g cùng ngày, tàu QNG 95357 đã cập bến Trung tâm DVHC đảo Đá Tây. Đại diện tàu là ông Nguyễn Tấn Kỷ cùng một thành viên khác làm thủ tục lên đảo để mua hàng hóa gồm: mì ăn liền, đường, bia, thuốc lá... còn lại là dầu chạy máy. Sau khi tính toán, ông Sơn đưa bảng kê giá cho đại diện tàu QNG 95357 và nói: “Giá dầu tại đây chúng tôi bán đúng với giá tại đất liền hôm nay là 21.400 đồng/lít, trừ tiền mua thực phẩm, tàu các anh sẽ lấy 2.231 lít dầu”. Ông Nguyễn Tấn Kỷ tính toán lại con số rồi ký vào biên nhận. Ông Sơn giao biên nhận cho thủ kho xuất hàng và công nhân vận chuyển hàng xuống xuồng chở ra tàu QNG 95357. Riêng dầu sẽ được bơm trực tiếp từ bon tông đang đậu ngoài bến và đã có người trực sẵn. Toàn bộ công đoạn mua hàng chỉ mất chừng một giờ. Tàu QNG 95357 đã sẵn sàng ra khơi tiếp tục chuyến biển.
Ông Nguyễn Tấn Kỷ cho biết tàu QNG 95357 là tàu câu mực xuất phát từ Quảng Ngãi gần hai tháng trước. Đến nay tàu đã câu được trên 20 tấn mực xà phơi khô. Chuyến đi này thắng đậm nên mọi người thống nhất sẽ ở lại thêm một tháng nữa để câu mực, tuy nhiên do nhiên liệu chỉ đủ cho chuyến về và lương thực cũng như các loại thực phẩm khác đã hết, chủ tàu quyết định ghé vào đảo Đá Tây để mua cũng như xin nước ngọt. “Ở đảo có nhiều hàng hóa mà mua đơn giản lắm, chúng tôi chỉ cần tính toán lượng hàng cần mua và ước tính số tiền rồi gọi điện về cho người nhà ra ngân hàng chuyển khoản vào tài khoản của Công ty Biển Đông. Sau khi có tin báo đã chuyển khoản thành công là chúng tôi liên hệ lên đảo và nhận hàng” - ông Kỷ cho biết.
Cạnh tàu QNG 95357, tàu QNG 95354 từ huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cũng đang đậu sau khi tiếp nhiên liệu và thực phẩm. Các thuyền viên đang tranh thủ lật lại những giá mực khô trên nóc tàu. Thuyền trưởng Nguyễn Bút cho biết tàu đã vào Đá Tây từ hôm trước nhưng đang đỗ lại do nghề câu mực tránh những đêm trăng tròn. Sau hai tháng lênh đênh trên biển, tàu mới vào Đá Tây mua thêm 2.000 lít dầu cùng với nước tăng lực, nước yến, gạo, dầu ăn, nước ngọt... “Toàn là các loại thực phẩm thiết yếu cho anh em câu mực đêm đấy. Thuận lợi nhất cho ngư dân chúng tôi là giá dầu và thực phẩm thiết yếu ở đây bán bằng giá ở đất liền” - ông Bút vui vẻ nói.
Từ vài năm nay, Trung tâm DVHC nghề cá đảo Đá Tây của Công ty Biển Đông đã trở thành địa chỉ tin cậy cho hàng ngàn lượt tàu cá ghé vào mỗi năm để nghỉ ngơi và mua đồ tiếp tế. Theo các chủ tàu, trung tâm này không khác một siêu thị giữa biển khơi với đủ thực phẩm thiết yếu mà ngư dân cần như gạo, mì ăn liền, dầu ăn, nước mắm, bột ngọt, các loại nước tăng lực, nước yến, nhiên liệu, nước ngọt... Với những dịch vụ như vậy, nhiều ngư dân đến đảo đều cho biết họ đã có thể kéo dài những chuyến ra khơi.
Ngày càng nhiều ngư dân ghé đảo Đá Tây
Nguồn: Công ty Biển Đông |
Kéo dài những chuyến ra khơi
Ông Nguyễn Bút, với 30 năm trên biển, cho biết nghề câu mực xà trước đây đi hai tháng hết nhiên liệu phải quay về đất liền, nhiều lúc gặp đúng luồng cá cũng đành phải về, dù tiếc hùi hụi. “Nhưng từ ngày có Trung tâm DVHC đảo Đá Tây, chúng tôi có thể kéo dài thời gian đánh bắt thêm ít nhất một tháng nữa” - ông Bút nói. Ông Kỷ phân tích thêm thông thường chi phí từ bờ ra ngư trường chiếm đến 40% tổng chi phí chuyến đi nên mỗi lần ra biển là mỗi lần ngư dân lo. Do vậy, việc giờ đây có thể mua dầu ngay tại ngư trường đã giúp ngư dân giảm đáng kể chi phí.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, chỉ riêng trong hai ngày 24 và 25-4 đã có hơn 10 tàu của ngư dân từ khắp các tỉnh thành như Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận... đánh bắt ở nhiều ngư trường khác nhau ghé đảo Đá Tây mua hàng hóa, tiếp nối những chuyến ra khơi. Ông Trà Văn Sang, 36 tuổi, thuyền trưởng tàu BT 98700 ở đảo Phú Quý, cho biết sự ra đời dịch vụ ở đảo Đá Tây đã giúp đỡ bà con nhiều lắm. “Ngày trước đang đánh bắt hết nước ngọt phải vào các đảo có bộ đội xin. Bộ đội lúc nào cũng cho nhưng bản thân các anh cũng thiếu nước nên không có nhiều. Nay đảo Đá Tây cho nước miễn phí, còn bán thêm nhiều hàng hóa khác nên chúng tôi rất yên tâm đi biển” - ông Sang nói. Ông Sang “tiết lộ” thêm ở đây còn bán cả bia, cà phê...
Theo ông Lương Quốc Vinh - giám đốc Công ty Biển Đông, một số loại hàng hóa như bia, cà phê... Nhà nước không khuyến khích bán, nhưng qua thực tế nhiều năm đi biển ông nhận thấy đây là những hàng hóa cần thiết nên đã “phá lệ” bán cho ngư dân. “Những thứ này là hàng hóa tiêu thụ đặc biệt nhưng đối với ngư dân chúng tôi là hàng thiết yếu” - ông Sang nói và khoe thêm chuyến đi biển này mới kéo dài 20 ngày nhưng đã đánh bắt được số lượng hải sản trị giá hơn 400 triệu đồng, trong khi chi phí 150 triệu. “Nếu đảo có thêm mặt hàng nước đá nữa, tôi tin rằng sẽ có thêm nhiều tàu thuyền ghé đảo” - ông Sang nhận định.
Ông Lương Quốc Vinh cho biết Trung tâm DVHC đảo Đá Tây ban đầu chỉ cung cấp nước ngọt, dần dần hoàn thiện cung cấp các dịch vụ mà ngư dân cần thiết để bám biển. Hiện tại trung tâm trên đảo Đá Tây có hồ chứa nhiên liệu dung tích trên 337m3, các bồn chứa nước ngọt trên 928m3 để cấp miễn phí cho ngư dân.
Không chỉ mua nguyên nhiên liệu, ngư dân còn coi trung tâm như một điểm đến tránh gió bão, nghỉ ngơi để chuẩn bị ra khơi. “Để đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu của ngư dân, hiện Công ty Biển Đông có chín tàu dịch vụ với hơn 30 nhân viên túc trực 24/24 giờ. Vào lúc cao điểm có đến hơn 30 tàu thuyền ghé trung tâm với số thuyền viên lên đến hàng ngàn người” - ông Vinh nói.
Vào đảo như vào đất liền Ông Nguyễn Bút, thuyền trưởng tàu QNG 95354 từ huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), cho biết mỗi chuyến biển của ngư dân câu mực xà kéo dài 2-3 tháng nên rất nhớ đất liền. Từ khi Trung tâm DVHC đảo Đá Tây hoạt động tàu có điều kiện vào đây nghỉ, thuyền viên có điều kiện rời tàu đặt chân lên mặt đất giống như khi vào đất liền. Ngoài ra tại trung tâm này, ngư dân còn được tham gia các hoạt động thể thao như chơi bóng chuyền, cờ tướng cùng với nhân viên của trung tâm. Ngư dân cũng có điều kiện được bác sĩ khám bệnh, cấp thuốc miễn phí tại trung tâm hoặc đưa sang trạm quân y của bộ đội hải quân Đá Tây. Theo ông Lương Quốc Vinh - giám đốc Công ty Biển Đông, đối với những trường hợp bệnh nặng hay cấp cứu, trung tâm sẽ có xuồng đưa ngư dân mắc bệnh sang đảo Trường Sa Đông, nơi có điều kiện chữa trị các bệnh khó hơn.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận