19/04/2013 11:11 GMT+7

Đóng tàu lớn ra khơi

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TT - Đà Nẵng đang xây dựng một thế hệ tàu cá công suất lớn để vươn khơi đánh bắt xa bờ. Chỉ bốn tháng đầu năm nay đã có tám con tàu với công suất từ 400-880 CV được đóng mới.

Đó là một thế hệ tàu lớn vừa có thể chống trả được cuồng phong của biển cả, vừa hiên ngang đối trọng với các tàu cá nước ngoài.

zB42NwXu.jpgPhóng to
Tàu cá ĐNa 90444 của ngư dân Lê Văn Sang với công suất gần 1.200 CV là con tàu có công suất lớn nhất tại Đà Nẵng hiện nay - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Trưa 18-4, cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) nhộn nhịp đón những con tàu “khủng” vào tiếp nhiên liệu, lấy nước đá, thực phẩm... để chuẩn bị cho chuyến ra khơi. Những con tàu lừng lững trực chỉ vùng biển Hoàng Sa để bắt đầu cho một vụ lưới vây đầy hứa hẹn.

Tự tin vươn khơi

Nhìn bà Nguyễn Thị Như Hoa (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) đang đưa những hộp cơm cho đám bạn trên tàu ĐNa 90152 (công suất 450 CV) hẳn chẳng ai nghĩ người phụ nữ này là chủ hai con tàu thuộc dạng “khủng” của Đà Nẵng. Chỉ vào chiếc tàu ĐNa 90152 đang tiếp nhiên liệu, bà Hoa cười xuề xòa: “Tàu cỡ ni chừ cũng thuộc dạng thường. Tui mới đóng chiếc ĐNa 90508 với 615 CV vừa hạ thủy cách đây ít ngày. Chừ đang đánh ở vùng Hoàng Sa”.

"Đà Nẵng không chỉ ưu ái đầu tư về tiền bạc mà còn có các chính sách giúp ngư dân yên tâm bám biển như lắp đặt miễn phí Icom cho tất cả tàu có công suất từ 90 CV trở lên, đóng bảo hiểm cho gần 3.000 ngư dân, tổ chức đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng miễn phí cho gần 300 ngư dân.

Với những chính sách “đặc sản” của TP dành riêng cho ngư dân, chắc chắn sẽ có thêm nhiều tàu cá công suất lớn của Đà Nẵng tiếp tục được đóng mới để ra khơi đánh bắt ở những ngư trường lớn"

Ông Phạm Ngọc Anh

Chuyện bà Hoa nâng cấp tàu cá để đứng vào hàng “top ten” của Đà Nẵng cũng oái oăm. Hồi tháng 6-2012, con tàu 130 CV của bà đang đánh bắt ở vùng gần Hoàng Sa thì có tin báo bão. Thuyền trưởng kéo hết ga cố chạy nhưng con tàu công suất lẹt bẹt ấy cũng không thoát được cơn cuồng phong của biển. Chuyến đó tàu cá bị sóng gió dập tơi bời phải bỏ ngư cụ, lỗ đến gần trăm triệu đồng.

“Đó là chưa kể mấy lần bị tàu Trung Quốc đuổi chạy, vừa lỗ, vừa tủi thân” - bà Hoa nhìn ra biển giọng chợt buồn. Vậy là vợ chồng bà quyết định đi vay ngân hàng, nâng cấp tàu lên 450 CV. Chưa dừng ở đó, hồi tháng 2-2013, con tàu 615 CV trị giá 3,6 tỉ đồng cũng được bà Hoa cho hạ thủy và giờ đang hiên ngang đánh bắt ở biển Đông. Tàu dài 21m, rộng gần 7m, có năm khoang đủ chứa hơn 50 tấn hải sản. Cabin có hai tầng, vừa có chỗ ngủ nghỉ cho bạn đi tàu, vừa có chỗ để vận hành máy móc.

“Mình có tàu lớn đi biển có gió bão cũng yên tâm. Có gặp tàu cá Trung Quốc cũng chẳng ngại” - bà Hoa tự tin nói. Cũng theo bà Hoa, những ngư dân Đà Nẵng nhờ chính sách hỗ trợ kinh phí đóng tàu của TP ra đời đúng lúc, kịp thời cung ứng tiền cho những tàu mới ra đời. Như tàu ĐNa 90508 (615 CV) của bà được TP hỗ trợ 600 triệu đồng.

Dù là chủ của hai tàu cá nhưng bà Hoa vẫn còn phải “kính nể” khi nhắc đến một người phụ nữ khác. Đó là bà Lê Thị Huệ (46 tuổi, ở làng biển Thanh Khê Đông, TP Đà Nẵng). Ngày 18-2 vừa qua, con tàu ĐNa 90521 mới cóng với công suất 880 CV của bà Huệ đã ra thẳng Hoàng Sa để đánh chuyến biển đầu tiên. Con tàu được đầu tư gần 3 tỉ đồng và được đánh giá là một trong những tàu có công suất lớn nhất của Đà Nẵng. Bà Huệ đã khiến nhiều người phải kinh ngạc bởi chỉ trong vòng một năm bà đóng liền hai tàu công suất “khủng”.

Trước con tàu ĐNa 90521 là tàu ĐNa 90442 với công suất 605 CV. Giờ đây, hai con tàu của bà Huệ đang hành nghề giữa biển khơi. Bà mừng khấp khởi: “Sau gần tháng đánh bắt, tàu 880 CV cập bến chuyến đầu thu được 700 triệu đồng, mỗi bạn đi tàu được 15 triệu đồng. Hi vọng chuyến này sẽ ổn định như vậy. Đầu tư lớn phải thu hoạch được lớn thì mới bõ công chớ”.

Cùng thuộc thế hệ tàu cá đời mới, công suất lớn này còn phải kể đến con tàu của ngư dân Lê Văn Ninh (Liên Chiểu, Đà Nẵng) hạ thủy đợt tháng 2 vừa rồi có công suất 659 CV trị giá hơn 3 tỉ đồng. Hiện tàu cũng đang hành nghề lưới vây ở vùng biển Hoàng Sa.

y8kAmIwC.jpgPhóng to
Thuyền trưởng Trần Văn Minh (đứng) chuẩn bị ra khơi trên con tàu ĐNa 90152 với công suất 450 CV - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Tàu sắt đầu tiên

Vừa trở về từ ngư trường Hoàng Sa, anh Lê Văn Sang (trú phường Thuận Phước, Đà Nẵng), thuyền trưởng tàu hậu cần nghề cá ĐNa 90444 với công suất 1.200 CV, hào hứng thông báo: “Chuyến này đi trúng. Tụi tui thu mua được gần 20 tấn cá, bán thu về 700 triệu đồng”. Đó là chưa kể con tàu này cung ứng 15.000 lít dầu trên biển cho các tàu cá của miền Trung. Mới 28 tuổi nhưng Sang đã trở thành hiện tượng của TP Đà Nẵng.

Con tàu của Sang hạ thủy vào giữa năm 2012, lần đầu tiên Đà Nẵng có một tàu hậu cần phục vụ việc cung ứng nhiên liệu, thực phẩm ngay trên biển, đồng thời thu mua hải sản đánh bắt của các tàu cá. “Con tàu giống như một ngôi chợ trên biển Đông vậy, giúp ngư dân mình có thể đánh bắt dài ngày trên biển mà không lo thiếu nhiên liệu, không lo cá ươn, cá hư” - Sang chia sẻ. Không chỉ có vậy, con tàu trị giá hơn 3 tỉ đồng của Sang được xem là tàu hậu cần nghề cá có công suất lớn nhất miền Trung hiện nay.

Mới về đến đất liền, Sang lại tất bật chuẩn bị cho một kế hoạch còn “khủng” hơn con tàu 1.200 CV mà anh đã hạ thủy. Sau một hồi thuyết phục, Sang mới tiết lộ: “Tui đang thuê một số công ty lập dự toán đóng tàu sắt đầu tiên của miền Trung mình”.

Lần này, Sang hùn hạp được gần 2 tỉ đồng nên đã thuê hẳn doanh nghiệp làm hồ sơ dự án để vay ngân hàng và xin UBND TP Đà Nẵng hỗ trợ thêm kinh phí đóng tàu. Theo Sang, chiếc tàu sắt này được đóng sẽ trị giá từ 5-10 tỉ đồng. Hiện anh đang liên hệ với các đối tác là Công ty đóng tàu Sông Thu (Bộ Quốc phòng), một số đơn vị tại Hải Phòng, Nha Trang...

“Nếu được vay hoặc hỗ trợ thì cuối năm nay sẽ bắt đầu đóng tàu sắt. Có tàu này đi biển yên tâm, không lo sóng gió, không ngại các tàu nước ngoài” - Sang tâm sự.

Khởi sắc nhờ chính sách

“Khởi sắc” - ông Phạm Ngọc Anh, trưởng phòng đăng kiểm tàu cá Chi cục Thủy sản Đà Nẵng, đã thốt lên như vậy khi đánh giá về thế hệ tàu cá mới của Đà Nẵng. Theo ông, chỉ tính riêng bốn tháng đầu năm 2013 đã có tám tàu cá của ngư dân Đà Nẵng đăng ký công suất từ 400-880 CV. Đến nay, tàu cá có công suất lớn nhất gần 1.200 CV thuộc về ngư dân Lê Văn Sang. Ông Anh nhận định: “Tình hình kinh tế khó khăn nhưng TP vẫn có những chính sách, ngân sách ưu tiên cho đóng tàu cá công suất lớn.Vì vậy, ngày càng có nhiều tàu lớn ra đời. Chưa bao giờ tàu cá công suất lớn lại sinh sôi nhiều như lúc này”.

Theo ông Anh, tháng 8-2012, UBND TP Đà Nẵng đã có chương trình hỗ trợ đóng mới tàu cá xa bờ nhằm khuyến khích ngư dân vươn ra những ngư trường lớn trên những con tàu lớn. Theo đó, ngư dân đóng mới các tàu có công suất từ 400 CV trở lên sẽ được ngân sách TP hỗ trợ. Tàu có công suất càng lớn càng được hỗ trợ nhiều, mức hỗ trợ từ 500-800 triệu đồng/tàu. Ngư dân phải đảm bảo điều kiện: có hộ khẩu ở Đà Nẵng và cam kết đi đánh bắt xa bờ, trong hai năm không được bán tàu.

“Không có hạn chế về số lượng tàu cá đóng mới được hưởng chính sách này” - ông Anh khẳng định. Năm 2012, TP hỗ trợ 1,6 tỉ đồng để đóng mới tàu cho các ngư dân. Đến thời điểm này, Đà Nẵng có 55 tàu cá có công suất từ 400 CV trở lên.

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên