07/03/2013 08:25 GMT+7

Để trở thành một Giáo hoàng

NGUYỄN NGUYỄN
NGUYỄN NGUYỄN

TT - Ở Vatican, ngay trước cửa đền thờ Thánh Phêrô có hai bức tượng lớn ở hai bên, đó là tượng của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, hai vị được coi là cột trụ của Giáo hội. Phía trong đền thờ có phần mộ của Thánh Phêrô.

Ngài đã chịu tử đạo vào khoảng năm 64 dưới thời Hoàng đế La Mã Néron. Là vị Giáo hoàng đầu tiên của Giáo hội Công giáo, nhìn ngôi đền thờ nguy nga tráng lệ như thế ít ai nghĩ rằng Phêrô xuất thân chỉ là một người lao động chân tay.

Kỳ 1: Giáo hoàng được bầu chọn như thế nào?Kỳ 2: Bầu Giáo hoàng: Những cú vận động hành lang

VluT5jmb.jpgPhóng to
Chiếc nhẫn ngư phủ của Giáo hoàng - Ảnh: Reuters

Từ ngư dân thành Giáo hoàng

Trước khi trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, Phêrô vốn là một ngư dân trên biển hồ Galilee có tên là Simon. Khi Chúa Giêsu đi ngang liền gọi ông: “Hãy theo ta, ta sẽ làm cho anh trở thành người đi đánh lưới người” - nghĩa là thay vì đi chài cá sẽ đi chài người.

Không biết có phải là do đã chán nghề “bám biển” hay vì lời mời gọi nghe có vẻ lạ tai, Simon liền bỏ chài lưới mà đi theo Chúa. Cũng bởi chuyện này mà các Giáo hoàng sau này luôn được trao một chiếc nhẫn ngư phủ, là một phần trong bộ lễ phục của Đức Giáo hoàng, người kế vị thánh Phêrô dẫn dắt hội thánh Công giáo.

Mặt nhẫn chạm nổi hình thánh Phêrô đang thả lưới, gợi nhớ lại mẻ cá lạ lùng mà Phêrô cùng các bạn đã đánh được sau khi nghe Chúa bảo: “Hãy quăng lưới ở phía bên phải của thuyền”. Chiếc nhẫn này tượng trưng cho quyền kế vị Thánh Phêrô của Giáo hoàng và nó sẽ bị hủy đi khi vị Giáo hoàng qua đời hoặc thoái vị.

Simon là người có cá tính và niềm tin mạnh mẽ, ông đã đại diện cho các tông đồ tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Giêsu: “Thầy là Đức Kitô con Thiên Chúa hằng sống”. Chính vì thế Chúa Giêsu đã đổi tên cho ông thành Phêrô, nghĩa là đá, và Chúa nói: “Trên viên đá này, thầy sẽ xây Giáo hội của thầy”. Đồng thời Chúa hứa sẽ trao cho ông chìa khóa nước trời để ông có quyền tha tội cũng như kết tội.

Vì vậy mà trong các hình ảnh về Thánh Phêrô, ông luôn cầm trong tay chiếc chìa khóa - biểu tượng của việc ông canh giữ cửa thiên đàng.

Thánh Phêrô đã đi truyền giáo ở Roma, là trung tâm của đế quốc La Mã, và cuối cùng chịu tử đạo ở nơi đây, trên ngọn đồi Vatican ngày nay. Vì thế kể từ đó Vatican trở thành thủ phủ của các tín đồ Công giáo trên toàn thế giới.

Giáo hoàng phải giỏi ngoại ngữ

So với Thánh Phêrô thì các Giáo hoàng ngày nay có rất nhiều khác biệt. Giáo hoàng là người lãnh đạo của một tôn giáo có số lượng tín đồ đông vào hàng thứ nhì thế giới - chỉ đứng sau Hồi giáo: 1,3 tỉ. Số người Công giáo hiện vào khoảng 1,2 tỉ, trong đó số giám mục khoảng 5.100 vị, hơn 400.000 linh mục. Bởi thế mà người Việt Nam đã dùng danh xưng Giáo hoàng để dịch từ papa: giáo có nghĩa là giáo hội, hoàng có nghĩa là ông vua. Thật ra từ papa trong tiếng Latin và papas từ tiếng Hi Lạp có nghĩa đơn giản là “cha, ba, bố” mà thôi.

Ngày nay, để có thể gánh vác trọng trách này, vị Giáo hoàng không những phải có một tâm hồn đạo đức, một trí tuệ siêu việt, một trình độ học vấn cực cao mà còn cần có một sức khỏe bền bỉ.

Đơn cử trường hợp của Đức Giáo hoàng Benedict XVI vừa từ nhiệm. Ngài lên ngôi Giáo hoàng lúc đã 78 tuổi, cái tuổi mà những người bình thường đã nghỉ hưu. Con đường của ngài để trở thành vị Giáo hoàng thứ 265 bắt đầu từ việc trải qua nhiều năm học tập ở chủng viện, ở các đại học, rồi trở thành linh mục, với hai bằng tiến sĩ thần học, làm giáo sư giảng dạy tại các đại học và chủng viện, thần học gia, thông thạo các cổ ngữ (Hi Lạp, Do Thái và Latin) và sinh ngữ (Đức, Pháp, Anh, Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha). Ngài từng giữ chức tổng giám mục, hồng y, tổng trưởng thánh bộ giáo lý đức tin và cuối cùng trở thành Giáo hoàng ở tuổi 78.

Làm Giáo hoàng, bên cạnh những trách vụ tôn giáo, trọng trách gìn giữ truyền thống của Giáo hội Công giáo từ 2.000 năm nay, bảo đảm tính hiệp nhất của Giáo hội hoàn vũ, đồng thời dẫn dắt con thuyền Giáo hội vượt qua những thử thách của thời đại. Ngài còn là nguyên thủ của quốc gia Vatican.

Vatican là một nhà nước theo kiểu chế độ quân chủ chuyên chế, nghĩa là quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp đều nằm trong tay Đức Giáo hoàng. Quốc gia nhỏ bé này đã thiết lập quan hệ ngoại giao với rất nhiều nước trên thế giới. Riêng đối với Việt Nam, tuy chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức nhưng hai bên đã có những cuộc viếng thăm cấp cao: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và mới đây là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (22-1-2013) cũng đã hội kiến với Đức Giáo hoàng Benedict XVI; các phái đoàn cấp cao của Vatican cũng đã nhiều lần đến Việt Nam nhằm hướng đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao trong tương lai. Chính Đức Benedict XVI cũng đã có nhã ý muốn đến thăm nước ta.

Làm Giáo hoàng thì cũng là người của công chúng, nghĩa là nhất cử nhất động, từng câu từng chữ, bất cứ lúc nào cũng có thể bị đem ra bình luận khen chê, thậm chí biểu tình chống đối. Điển hình như trong chuyến viếng thăm châu Phi cuối tháng 3-2009, nói chuyện với các phóng viên trên đường tới thủ đô Yaounde của Cameroon, Đức Giáo hoàng nghỉ hưu Benedict XVI nói: “HIV/AIDS là một bi kịch mà không thể dùng tiền để xử lý, cũng không thể dùng việc phân phát bao cao su nhằm khắc phục - việc đó chỉ làm tăng thêm vấn đề mà thôi”.

Sau khi báo chí đăng phát biểu trên thì ngài đã bị “ném đá” dữ dội, từ các chính trị gia cho đến các báo lớn trên thế giới. Cộng đồng Facebook kêu gọi một chiến dịch xuyên quốc gia mang tên “Condom cho Giáo hoàng Benedict XVI”, dự tính sẽ mua và gửi đến Giáo hoàng hàng triệu bao cao su.

Và cuối cùng thì Giáo hoàng cũng chỉ là một con người như mọi người. Ngài cũng có những lúc vui lúc buồn, cũng có những thành công và thất bại. Và sự vĩ đại của một Giáo hoàng không phải ở việc ngài có học thức cao đến đâu, mà là ở chỗ ngài đã phục vụ cho sự phát triển của nhân loại như thế nào. Đó cũng là niềm mong đợi của tất cả các tín đồ Công giáo trong cuộc bầu Giáo hoàng sắp diễn ra tới đây.

Đó cũng là mẫu người mà Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn trước khi lên đường sang Roma tham dự mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng đã mong muốn có ở vị Giáo hoàng tương lai: “Tôi tin rằng vị Giáo hoàng tương lai vẫn là người bước theo Chúa Giêsu đấng cứu độ, trên con đường hòa nhập vào gia đình nhân loại, yêu thương đến cùng, khiêm tốn phục vụ cho sự sống mới và sự phát triển toàn diện của con người. Và là người bước đi trong đường lối đối thoại và hợp tác mà Cộng đồng Vatican II đã mở ra. Do đó tôi nghĩ vị Giáo hoàng của thập niên thứ hai thế kỷ 21 phải là người thấu hiểu tình hình và văn hóa Đông Tây, nắm bắt những thách đố của xã hội Âu - Á...”.

NGUYỄN NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên