24/01/2013 08:28 GMT+7

Sống trong "địa đạo"

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - “Ngõ chung kiểu cha chung không ai khóc nên không ai cắm bóng điện. Ngõ không có chỗ vấp nên cứ thế mà đi. Nhìn quen rồi. Người mới đến không dám đi vào vì tối quá”, anh Thành (ngõ 94 Hàng Buồm) giải thích về con ngõ tối hun hút không ánh sáng dù là ngày hay đêm nơi mình ở.

Ở phố cổ không biết bao nhiêu con ngõ như thế. Ngõ nhỏ thành “địa đạo” dài hàng trăm mét, có ngõ chạy dích dắc chia thành 2-3 nhánh, mỗi nhánh lại dẫn lên những dãy nhà xếp chồng lên nhau.

Kỳ 1: Nhật ký một đêm phố cổ

YwBhhYJL.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thị Chài (15 Hàng Điếu) chuẩn bị bữa trưa. Góc bếp được đặt ở lối đi chung - Ảnh: My Lăng

Những ngõ nhỏ tối tăm

Ban ngày đi vào những con ngõ này như đi vào hầm tối. Thứ duy nhất để phân biệt hai bên tường là ánh sáng lờ mờ hắt ra từ những ô cửa thông gió nhỏ xíu của những nhà dọc một bên đường đi. Nếu không, phải bật đèn pin trong điện thoại mà đi.

Ông Nguyễn Xuân Tùng, 70 tuổi, ngõ 47 Hàng Đường, vừa dẫn khách đi “tham quan” con ngõ vừa nói: “Ở đây từ đầu ngõ vào phải có ba ngọn đèn bảo vệ, không thì tối om. Các nhà hằng tháng đều chia nhau đóng tiền. Ngõ này may mắn còn có tí giếng trời chứ nhiều ngõ quanh năm suốt tháng ánh nắng không bao giờ lọt vào được, vừa sâu vừa tối hun hút; người mới ốm dậy chả phân biệt được đêm hay ngày. Có ngõ phải bật điện suốt ngày suốt đêm 24/24 nhưng cũng có nơi cứ tối mù tối mịt. Mình ở chật chội, tối tăm quen chứ tụi trẻ bây giờ không chịu được. Con trai út tôi mới cưới vợ xong đã ra ngoài thuê nhà ngay”.

Ông Tùng dẫn khách đi thăm cái bếp - có lẽ là độc nhất vô nhị ở Hà Nội vì nó nằm lọt thỏm ngay trong ngõ phố cổ, trong lòng “địa đạo” và khá rộng. Khói than ám chặt vào bờ tường khiến cả căn bếp từ tường, trần bếp đến vật dụng đều nhem nhuốc, đen kịt màu đen của than, bồ hóng, nhìn như một cái nhà bếp nào đó ở miền quê. “Nhà tôi nấu than tổ ong 20 năm nay rồi. Có khi nấu củi nhưng không thường xuyên vì họa hoằn mới có củi”, ông Tùng cho biết. Sát ngay gian bếp nhà ông là hai nhà vệ sinh tự hoại và một nhà tắm công cộng. “Đây là nhà xí của những hộ không làm được trong nhà, đi xong là khóa lại. Mỗi hộ đều có nhà tắm trong bếp, như nhà tôi vậy. Cũng hơi bất tiện, có khi đang nấu nướng khói bay cả vào phòng tắm...”, ông Tùng chia sẻ.

Không phải ai cũng may mắn có bếp đàng hoàng như nhà ông Tùng. Một lần, khoảng 5g chiều, khi ngồi uống nước ở ngõ 25 Hàng Buồm, chúng tôi bắt gặp một phụ nữ ngoài 50 tuổi đang xào rau muống trên bếp than tổ ong ngay cạnh cột điện ngoài đường. Hỏi chuyện, bà bảo xào vội ít rau cho đứa cháu nội đi học thêm. Dọc lối đi đầu ngõ là than tổ ong xếp thành cột. Cái ấm nước to để chứa nước trong ấm nhỏ nấu ngoài này chiết mang vào ấm đó đổ. Nhà bà gần 20m2, có đến bốn thế hệ cùng ở. Đó cũng không phải là hình ảnh duy nhất.

djgKxqL1.jpgPhóng to
Góc bếp của gia đình ông Nguyễn Xuân Tùng (47 Hàng Đường) luôn tối tăm, nhem nhuốc. Bên cạnh là nhà vệ sinh của một số hộ gia đình - Ảnh: My Lăng

Sống hẹp trong phố cổ

Nhà hẹp. Người đông. Những sinh hoạt thường nhật của người dân phố cổ tràn cả ra lối đi chung. Con ngõ nhỏ - lối đi chung là nơi đã “cõng” một phần không gian sinh hoạt của nhiều gia đình sống trong lòng “địa đạo”. Suốt dọc bờ tường của lối đi được khoét lõm để chứa cái bếp, đựng cái tủ bát đũa, là nơi để máy giặt... Như nhiều gia đình ở ngõ 15 Hàng Điếu, bà Nguyễn Thị Chài (69 tuổi) đã tận dụng không gian của một bên tường trong đường đi, tầng trên làm chạn bát đĩa, tầng dưới là bếp.

“Nhà tôi xây trộm lúc ban đêm trong ngày nghỉ, phường không làm việc, không đi kiểm tra. Chúng tôi chả muốn ở như vậy đâu nhưng chật chội quá nên phải chịu thôi”, bà Chài bảo. Con đường đi vốn chỉ rộng gần 1m chật chội là thế, bà vẫn còn tranh thủ làm được cái chuồng con con âm vào tường, nuôi thêm được bốn con gà, nuôi hết lứa này đến lứa khác. Tầng trên chuồng gà là chỗ để nồi niêu xoong chảo, xô chậu... “Nhà chỉ có 12m2, năm con người, chỗ ngủ còn chật vật thì lấy chỗ đâu mà làm bếp” - bà Chài nói như giải thích.

Khi mà đến cái bếp, lọ muối, hũ mắm... cũng phải đặt ở đường đi thì chỗ ngủ trở thành vấn đề mà các ông bố bà mẹ đau đầu nhất khi các con trưởng thành, lập gia đình. Nhà bà Vũ Thị Thân hiện có sáu người sống trong 10,5m2. Nhưng có thời điểm cái không gian ấy chứa đến 10 người.

Năm 1984, khi con cái lớn, ông Ngô Ngọc Diệp (65 tuổi, ở 56 Hàng Buồm) đã xin Nhà nước cơi nới làm thêm trần bêtông rộng một nửa diện tích nhà ở, trên dựng tôn chống nóng. Căn nhà ông chỉ rộng 26m2 nhưng có tới ba cặp vợ chồng, ba thế hệ. Căn nhà của ông nhìn vào không thể phân biệt đâu là phòng ngủ, phòng khách, phòng ăn hay phòng vệ sinh.

Tất cả chỉ là một. Thế nên chỉ riêng chuyện ngủ cũng làm ông bà nát óc tính toán. Khi con trai lấy vợ, ông phải kê giường xếp ngủ. Vợ chồng cậu con trai được phân chiếc giường đôi, còn vợ chồng con gái chỉ có chiếc giường đơn vì anh con rể đi làm xa, thỉnh thoảng mới về. Rồi đến lúc con dâu sinh cháu đầu lòng, chỗ ngủ của ông Diệp là chiếc ghế dài thường ngày để tiếp khách. Vợ chồng ông phải cơi nới thêm cái tum, ngủ trên đó. “Bất tiện nhất là lúc con cái đi làm về - ông Diệp tâm sự - Nhìn đâu cũng thấy toàn người là người”.

Ông kể ngày trước ít người còn sinh hoạt tắm rửa, nấu nướng, giặt giũ chung ở phía dưới hết. Bây giờ đông quá, các nhà đều đưa vào khép kín, bếp núc, nước nôi sinh hoạt đều bê lên phòng. Bếp gas cũng mang lên gác. “Muốn lắp điều hòa nhưng không có tiền. Mà có tiền thì cửa gỗ, khe hở tứ lung tung thế lắp làm sao. Nhà tôi bao nhiêu năm nay vẫn dùng quạt. Cứ có người trong nhà là phải bật quạt, không thì bí không thở được. Giờ nhiều nhà lắp điều hòa quá, tất cả máy lạnh phả hơi ra, mát người ta nhưng lại nóng mình” - ông mỉm cười khi nói về cuộc sống của mình. Ở trong con ngõ quanh năm không có ánh sáng trời này, quần áo phải dùng máy sấy rồi treo lên dọc cầu thang, mùa hè cũng như mùa đông.

Câu chuyện về không gian sống ngột ngạt không phải là chuyện của một vài gia đình, ở một vài con ngõ phố cổ. Biết bao tình huống dở khóc dở cười và không thể tin nổi lại hiển hiện ở phố cổ. T.V., 28 tuổi, nhà ở phố Hàng Hòm, không dám kể cho bạn bè biết chuyện về ngày rước dâu của mình. Nhà có hai mẹ con, diện tích gần 20m2, không có gác xép. Phòng khách cũng là phòng ngủ, phòng ăn. Ngày nhà trai đến xin rước dâu, T.V. phải đứng trong... phòng vệ sinh đợi chú rể nắm tay dẫn ra.

Phố cổ còn những con ngõ dài hơn trăm mét, thông từ phố này sang phố khác. Có khi chỉ là một ngõ nhưng có đến hai số nhà. Chị Hằng, một người dân sống trong số nhà 25 - 27 Hàng Ngang, cho biết: “Khi con gái tôi thi đỗ, giấy gửi về không nhận được, đợi lâu quá con bé lên mạng tìm kết quả. Lúc đó mới biết đỗ, đến trường đóng tiền học rồi xin tờ giấy xác nhận kết quả để gửi về cơ quan. Trong tờ giấy này ghi giấy báo lần hai nhưng thực tế nhà tôi không nhận được lần nào cả. Ở đây chuyện thư từ, kiện hàng gửi qua đường bưu điện bị thất lạc là chuyện bình thường. Không chỉ ở nhà tôi đâu, nhà số 14-16 Hàng Vôi, 24-26 Hàng Đào cũng chung đường, đầy chuyện buồn cười như vậy”.

---------------------------------------

Kỳ tới: Ngõ “siêu nhỏ”

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên