Kỳ 1: Tối định mệnhKỳ 2: Tai nạn kinh hoàng
Phóng to |
Thanh bảo: “Sau những lần tuyệt vọng, tôi lại thấy mình cần phải sống” - Ảnh: Q.Việt |
Tìm cái chết trong tuyệt vọng
Cô gái Trần Thị Thanh ngồi trước mặt tôi mới 22 tuổi, bé nhỏ, gầy gò, nhưng lại có những câu nói nghiền ngẫm của người đã trải nhiều sóng gió cuộc đời. Câu chuyện giữa lằn ranh sinh - tử của cô được bắt đầu bằng chính nhật ký, một nhật ký đặc biệt mà mỗi đêm cô tự ghi vào đầu mình.
“Vậy là mình đã xa nhà 11 ngày rồi! Cái thằng mà mình tưởng là người yêu thương, trao thân cho nó, hóa ra lại là thằng đểu cáng, táng tận lương tâm vùi dập mình vào chốn nhơ nhớp này. Nếu mình gặp lại nó thì mình sẽ làm gì, làm gì? Nhưng chắc mình sẽ không thể gặp nó nữa đâu. Nếu không trốn thoát được thì chắc mình phải chết, chứ bị đày đọa như thế này làm sao mà sống nổi. Nhưng mình sẽ chọn cái chết nào đây? Thật kinh khủng! Chẳng bao giờ đời mình lại nghĩ có lúc phải chọn lựa điều này...”.
Từng từ, từng từ nghèn nghẹn, u uất như chắt ra từ nỗi lòng cay đắng, cô gái kể chính xác cách đây đúng 297 ngày, đã bị thằng tưởng là người yêu lừa từ quê Lào Cai xuống Hà Nội, rồi sang Trung Quốc. Cô sơn nữ rơi vào động mại dâm ở Quảng Châu vẫn ngỡ mình đang đi du lịch. Đến khi bị tú bà là người đồng hương ở Bắc Ninh ép phải làm những việc cay đắng mà không mấy người con gái dám nghĩ đến thì cô sốc, sốc nặng đến gần như điên loạn. Ba lần tìm cách trèo tường, bỏ trốn, cô đều bị bắt lại, và cứ lần sau lại bị đánh đập tàn bạo hơn lần trước. Thậm chí mụ tú bà còn đe dọa: “Nếu bỏ trốn nữa, tao sẽ điện cho bọn giang hồ Hà Nội tìm xử bố mẹ mày, lấy tạng đem qua đây bán để bù tiền tao phải mua mày”.
Đau đớn, tuyệt vọng, Thanh đã luẩn quẩn nghĩ đến cái chết! Cái chết mà cô cho rằng đó là lối thoát duy nhất của cuộc đời mình. Sau trận đòn vì tội bỏ trốn lần thứ ba, Thanh “may mắn” được ở nhà một buổi tối vì không thể đi tiếp khách được với cơ thể bầm dập, tứa máu. Tú bà không cho cô dùng giấy bút, vì có lần cô viết giấy quẳng xuống đường, hi vọng có người Việt hoặc ai đó biết tiếng Việt đọc được sẽ cứu cô. Thanh xé một mảnh áo trắng, rồi lấy chính máu đỏ trên người mình viết nguệch ngoạc lên tờ giấy: “Tôi là người Việt Nam. Nếu ai thấy xác tôi thì xin giúp hoặc báo công an đưa xác tôi về nước. Kiếp sau xin tạ ơn”.
Xong, cô nhét tấm vải vào túi áo, rồi lần lên sân thượng ngôi nhà bốn tầng. Tú bà và đám ma cô khóa ba lớp cửa ra dưới nhà nhưng không chú ý đến sân thượng. “Mình đã đứng trên ấy gần nửa tiếng. Gió mạnh lắm. Dưới đường xe cộ qua lại thật đông. Người ta đi lại vui vẻ như thế mà mình lại chọn cái chết sao? Nhưng nếu không chết thì làm sao chịu nhục được? Phải chết, chết thôi. Chắc cũng không biết đau đớn đâu...”. Và khi nhật ký được viết lại trong đầu này thì Thanh đã không chết. Cô kể cô nhắm mắt gieo mình từ sân thượng lúc 21g. Cô lao thẳng người xuống, tay trái vẫn ôm ngực áo, sợ gió thổi bay tờ vải có dòng chữ viết bằng máu mình. Chớp mắt, cô thấy có gì đó quất ngang vào người mình đau điếng, rồi lại thêm một cảm giác đau thốc vào tận tim óc nữa và tối sầm lại. Tất cả đen như mực, cô không biết gì nữa!
...Ngơ ngác tỉnh lại, Thanh thấy mình lại nằm đúng căn phòng của mụ tú bà đã nhốt cô. Đó là lúc 5g sáng. Cô không chết, chỉ bất tỉnh, mê man cả đêm. Lúc đầu cô chỉ thấy đau, chẳng nhớ gì. Mãi sau mới nhớ ra mình đã nhảy xuống, nhưng tại sao mình vẫn còn mở mắt nằm đây? Đến khi mụ tú bà và đám ma cô sấn sổ vào phòng, cô mới hiểu mọi chuyện. Cô đã nhảy đúng vào cây đèn đường. Chính cái cần mắc bóng đèn vươn ra đã đỡ cô lại trước khi rơi xuống đất. Chẳng hiểu có điều gì đó nhiệm mầu hay ngẫu nhiên mà cuộc sống của cô đã được chính thanh sắt vô tri cứu mạng. Đám tú bà ở các nhà kế bên đã ra đưa cô vào, rồi gọi điện cho chủ cô. Họ quyết định cô chết hay bị thương nặng cũng không đưa vào bệnh viện vì sợ cảnh sát điều tra lôi thôi. Mụ tú bà chỉ gọi một bác sĩ quen đến kiểm tra. Ông ta đã thốt lên: “Số mạng cô gái này thật kỳ lạ. Thường ngã từ độ cao đó nếu không chết thì nhẹ nhất cũng bị gãy chân tay. Nhưng cô ta lại chẳng sao cả”.
Sau một ngày đêm nằm liệt vì đau ê ẩm, tú bà đã ép cô tiếp khách ngay sáng hôm sau. Vừa hoàn hồn sau cú gieo mình tìm cái chết, Thanh lại nghĩ đến tuyệt vọng trong chính lúc phải nằm chịu đựng khách giày vò. Lúc này tú bà có vẻ bớt tàn bạo với cô nhưng lại canh chừng kỹ hơn. Và cô cũng nghĩ ra một cách... Cứ ít hôm cô lại than đau đầu. Tú bà nghĩ cô bị ảnh hưởng sau lần nhảy lầu nên đưa thuốc cho uống. Tuy nhiên, ả cũng cẩn thận, mỗi lần chỉ đưa vài viên. Thanh xé mép áo ngực cũ không còn mặc nữa, nhét từng viên thuốc giấu vào đó. Sau vài lần than nhức đầu, cô đã có 29 viên thuốc. Đến ngày cô bị “đèn đỏ”, nghỉ tiếp khách, tú bà cho ở nhà nhưng vẫn để một ma cô canh chừng. Thanh nằm lì góc phòng, giả ngủ và lặng lẽ nuốt từng viên thuốc. Đến viên thứ 23, cô không thể nuốt nổi nữa, lát sau thấy người mệt lả, rồi mê dần đi.
Và phải sống, phải sống
...Trong mưa xuân giăng bụi, Thanh thấy mình đang quây quần với bố mẹ và các em ở nhà. Trước hiên nhà, hoa đào núi đã hé nở. Bố cô âu yếm: “Lần này con về luôn với bố mẹ, đói khổ có nhau, không đi đâu nữa nhé... Đúng lúc đó cô giật mình, bừng tỉnh giấc mơ vì cảm giác đau thắt ở bụng. Ông bác sĩ và mụ tú bà đang đổ nước gì đó như có mùi xà phòng vào miệng để cô ói ra. Thanh ói mật xanh mật vàng, lơ mơ, đau bụng quằn quại suốt hai ngày rồi cũng tỉnh. Mụ tú bà đay nghiến: “Giờ mày muốn ở lại đây hay để tao bán lấy chồng miền núi?”. Thanh nói ở lại. Cô biết ở lại thì còn có ngày về, ít ra là sau khi đã bị chán chê.
Giấc mơ sum họp bố mẹ trong lúc cận kề cái chết làm cô bừng tỉnh, tìm thấy tia sáng trong đường hầm tối. Sau lần tự tử thứ hai bất thành, Thanh không bao giờ nghĩ chuyện cùng đường nữa. Cô cố gắng tồn tại để hi vọng ngày về. Thế rồi một bi kịch lại ập đến với cô nhưng cũng là giải thoát. Những khách không sử dụng bao cao su làm Thanh có thai. Mụ tú bà bắt phá ngay. Trừng trị cô gái hay “sinh chuyện”, ả chỉ cho cô nghỉ năm ngày rồi bắt làm lại trả nợ tiền thuốc men. Thanh bị nhiễm trùng nặng. Ông bác sĩ cũ chẩn đoán cô bị nhiễm trùng máu, nếu không vào bệnh viện có thể chết. Tú bà lạnh lùng lắc đầu vì sợ cảnh sát, ấn cô lên xe: “Tao tha cho mày, về nhà đi”. Nhưng thật ra ả không muốn cô chết trong nhà mình. Thanh lơ mơ về biên giới VN trong tình trạng sốt 40 độ. Nhiều lúc cô đã lịm đi, muốn nhắm mắt, buông xuôi tất cả cho quên tủi nhục, đau đớn! Nhưng rồi hình ảnh bố mẹ ở nhà lại giúp cô tỉnh lại, cô phải sống.
Về đến nhà, Thanh quỵ xuống trong vòng tay bố. Cô nằm li bì suốt 10 ngày rồi tỉnh dần. Bố lo lắng, quanh quẩn bên con. Cô mỉm cười nói: “Con đã hứa là phải sống, phải sống mà”.
____________________
Sập giàn giáo trên cao, anh thợ hồ tưởng chừng đã chết sau chấn thương sọ não nghiêm trọng. Nhưng cuối cùng đã tỉnh lại một cách kỳ diệu sau 3 tháng 10 ngày hôn mê...
Kỳ tới: 3 tháng 10 ngày trong bóng tối
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận