26/11/2012 10:01 GMT+7

Một balô, một bản đồ

LƯU ĐÌNH TRIỀU
LƯU ĐÌNH TRIỀU

TT - Hết ngày dài lại đêm thâuChúng tôi đi trên đất châu ÂuĂn như mèo và ngủ như trâu.

sKITuKDZ.jpgPhóng to
Venice được xây dựng trên một quần đảo và đến thế kỷ 19 mới có đường chính nối vào đất liền đem đến một trạm xe lửa, rồi sau đó là một đường cho xe hơi. Tuy nhiên đi lại bên trong thành phố vẫn hoàn toàn trên những con đường khá hẹp (ảnh trái) và kênh đào - Ảnh: L.Đ.T. - Thành Nam

Kỳ 1: Vé trong tay, Euro là của bạn

Lời chế lại câu thơ của nhà văn Kipling vang lên lúc gần 1g sáng, trong căn phòng trọ 9m2 thuộc khu ngoại ô Paris lạnh lẽo. Cả đám cười ồ. Nhẩm tính 12 ngày làm “ta balô”, chúng tôi đã có 60 giờ 20 phút để ngồi xe lửa, chừng vài giờ đồng hồ “quá giang”xe buýt, tàu điện ngầm, còn lại cứ tì tì cuốc bộ ròng rã.

Một balô trên lưng, một bản đồ cầm tay và thỉnh thoảng... hỏi đường, mỗi ngày trung bình chúng tôi có thể tự tạo ra một tour đi bộ trên dưới chục cây số.

“Công nghệ đi lại”

Euro là của bạn, nhưng bạn phải biết làm chủ nó bằng “công nghệ đi lại”! Tôi nhủ thầm với chính mình khi vừa xách vali nhảy mau xuống một trạm dừng, rồi hộc tốc chạy tìm một chuyến tàu khác nhảy lên. Đó là lần lên nhầm tàu khi di chuyển từ thành phố Linz về Vienna (Áo).

Đến bất kỳ nhà ga nào ở châu Âu cũng luôn gặp một chợ đời nhộn nhịp. Nếu cứ xăm xăm dạo chợ, lữ khách sẽ không có đường ra. Do đó, theo “công nghệ “được truyền đạt từ những người đi trước, vừa đến ga là phải có phút lặng, tìm chỗ... đứng. Từ đó sẽ tiến hành các thao tác: tìm phòng hướng dẫn thông tin, soi các bảng điện tử về chuyến tàu đến - đi ở đường ray nào. Rồi cứ thế kéo vali mà chạy tìm cổng lên/xuống đường ray của tàu mình.

Tại những ga không trang bị hoặc có mà ít thang cuốn, khách phải ì à ì ạch vác vali leo lầu. Nếu lên nhầm cầu thang, bi kịch khuân vác sẽ xảy ra. Còn lần đi từ Pháp sang Đức, chúng tôi cứ phải xách vali lên xuống liên tục để tìm chỗ ngồi vì các toa tàu không thông suốt. Ở ga hoặc ở nhà trọ, theo lịch trình tự soạn, gửi hành lý lại (khoảng vài đồng euro/vali gửi ở ga), rồi thì mỗi người một balô trên lưng, bắt đầu bài ca đi bộ kết hợp xe buýt, xe điện hay metro.

Thành Nam, nhiều năm liền đi châu Âu, lại là thầy dạy tiếng Anh, được giao trọng trách là người dẫn đường cho nhóm. Đến ga,thành phố nào, công việc đầu tiên của Nam là tìm mua bản đồ. Song bản đồ không phải lúc nào cũng có sẵn loại lớn hay có thêm “phụ đề” tiếng Anh.

Praha là nơi thử thách cao độ lữ khách vì bản đồ toàn tiếng Tiệp, các bảng chỉ đường cũng thế và người dân lại ít biết tiếng Anh. Tình huống “đường xưa lối cũ” đi tới đi lui vì vậy vẫn hay xảy ra trong tour đi bộ.

KVyGFuki.jpgPhóng to
Louvres là một viện bảo tàng nghệ thuật và lịch sử nằm bên bờ sông Seine - Paris được xây dựng vào năm 1190. Đây là một địa điểm thu hút nhiều lữ khách tìm đến thả bộ trong khu vực rộng lớn của bảo tàng, nếu mỏi chân khách có thể ngồi nghỉ, thư giãn ngoài trời hay trong quán cà phê - Ảnh: L.Đ.T.

Chậm bước cùng thành phố đi bộ

Venice (Ý), thành phố được tạo dựng trên 117 hòn đảo, với 150 kênh đào, nước bao quanh nên có tên là “thành phố nước”. Nhưng cả Venice không có chiếc xe nào, muốn tham quan trong thành phố chỉ có đôi chân nên mới có tên “thành phố đi bộ”.

Từ nhà ga Santa Lucia bước ra đã nhìn thấy “đại lộ nước” (Grand Canal), cùng trạm “xe buýt dưới nước” (vaporetti) trước mặt. Mua chiếc vé 7 euro và theo xe - một phà lớn, chúng tôi làm một vòng, trước khi bắt đầu tour đi bộ, kéo dài đúng một buổi.

Từng xem nhiều phim, ảnh về Venice, ấn tượng đọng lại là những chiếc thuyền mũi cong truyền thống Gondonla, lướt nhẹ nhàng trên con kênh nhỏ, nước trong xanh. Còn giờ đây, trong mắt tôi hiện ra một bộ mặt khác của Venice.

Ngoài đường lớn ở sát đại kênh đào song bị đứt quãng, còn lại chỉ là những con đường nhỏ như hẻm ở nhà. Đường rộng 2-3m, thậm chí 1m cũng có, trải đá, chạy đan dọc trong khu vực trung tâm. Ở một số đường nhỏ có nhiều shop thời trang be bé, bày biện rất lịch sự, sang trọng và nếu soi về giá thì chi phí cả chuyến đi xuyên châu Âu của tôi có khi chỉ mua được... một tấm áo. Những ngôi nhà trên phố hẹp cũng rất nhỏ về bề ngang, nhưng được tô vẽ màu sắc rực rỡ. Nhiều ngôi nhà tô đậm thêm nét lãng mạn của thành phố bằng khóm cây xanh, chùm hoa rũ trên bancông, cửa sổ. Qua tìm hiểu được biết dù kinh tế thế giới vẫn còn suy thoái, những căn hộ be bé này vẫn có giá trên 10.000 euro/m2.

Thú vị nhất là vừa qua, vừa ngắm cầu Rialto. Cao 11m, dài chưa tới 50m, làm bằng đá trắng, được trang trí bằng nhiều gương mặt được chạm trổ với tuổi thọ trên 400 năm, Rialto nối liền hai bờ của kênh đào lớn. Đứng trên thành cầu nhìn xuống, nhìn vào, nhìn xa là có thể “tóm gọn” khung cảnh của Venice lãng mạn và kỳ ảo này: những con thuyền, những con tàu lướt trên sông nước mênh mang; những tòa nhà cổ kính, hoành tráng mấp mé chực chờ chìm trong nước, quảng trường rộng nằm sát kênh đào với nhà thờ, quán ăn, cà phê ngoài trời và thi thoảng những chú bồ câu lững thững dạo chơi...

Cứ mê mải ngắm nhìn và chạnh nhớ: ôi kênh Nhiêu Lộc ở Sài Gòn của ta vừa được cải tạo, nâng cấp nhưng không biết đến khi nào có được gương mặt nước và khung cảnh xung quanh như thế này nhỉ?

Đâu rồi bảo tàng sôcôla?

Nghe nói ở Bonn (Đức) có Bảo tàng sôcôla lớn nhất nước Đức nói riêng và trên toàn thế giới nói chung, nên sau khi tham quan mấy điểm di tích ở Cologne xong, chúng tôi ra tàu trực chỉ Bonn. Để rồi vừa dạo qua nơi ở của nhà soạn nhạc cổ điển Beethoven xong, mới tá hỏa khi nắm lại thông tin: bảo tàng nằm ở Cologne. May là hai thành phố này cách nhau chỉ khoảng nửa tiếng đồng hồ ngồi tàu cao tốc. Lại nghe Bảo tàng sôcôla Cologne mang hình dáng một con tàu nằm bên bờ sông Rihne, nên cả nhóm cứ hỏi đường ra sông mà trực chỉ. Rihne xinh đẹp hiện ra trong trời chiều mới quyến rũ làm sao.

Người dẫn đường nhanh chóng mở bản đồ ra, à nó nằm tay phải, cách chừng 2-3km. Để cho chắc, anh tiến ngay đến một xe cảnh sát đậu gần đấy hỏi đường. Cảnh sát Đức trông nghiêm đến thế nhưng lại cười thật tươi và rất nhiệt tình, vừa đưa tay chỉ hướng, vừa xổ mấy câu tiếng Anh: qua hai cây cầu là tới thôi nhưng ở bờ bên kia sông.Thế là đi. Gặp cầu thứ nhất, sẵn đèn xanh qua bờ bên kia luôn cho tiện. Chao ôi, sông Rihne rộng chi mà rộng thế, đường dẫn lên cầu lại dài và dốc nên vừa đi vừa thở. Mất khoảng nửa giờ là đã đến bến bờ mơ ước. Thêm một lần hỏi đường lại, chớ nhìn trên bản đồ không ra nó nằm ở bờ bên nào cả. Người thứ nhất rồi đến người thứ hai đều trả lời như đinh đóng cột, kèm tay chỉ... qua bờ bên kia! Sông Rihne ơi, lần tái ngộ này sao thấy mi rộng khủng khiếp, rộng khiến từng bước chân như muốn khuỵu xuống.

Từ ngoài nhìn vào, con tàu sôcôla lộng lẫy thật, nhất là ở tầng trên nhìn qua lớp kính trong, thấy những thỏi kẹo to đùng, vàng chóe như những nén vàng ngày xưa. Đúng là bảo tàng sôcôla, vì đủ loại sản phẩm đa dạng, đẹp mắt, lại có cả biểu diễn quy trình sản xuất. Thật thú vị và ngọt ngào, đủ để quên chuyện chocolate ở bến bờ nào...

_________________

Kỳ tới: Tìm lại dấu xưa

LƯU ĐÌNH TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên