12/11/2012 08:00 GMT+7

Ông Phú Đồ Sơn

NGUYỄN VĂN HẢI
NGUYỄN VĂN HẢI

TT - Ở tuổi gần 80, cựu đại tá công an Đinh Đình Phú được cả nước biết đến với tên gọi “ông Phú Đồ Sơn”.

Đó là cái tên bình dị gắn liền với vụ “ăn” đất đầy tai tiếng của các quan chức thị xã Đồ Sơn (nay là quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng) mà ông là người đầu tiên đưa ra ánh sáng.

Vụ tham nhũng đất đai Đồ Sơn

RCtqXgwz.jpgPhóng to

Sau 7-8 năm, vẫn còn một số hộ dân Đồ Sơn chưa được giao đất tái định cư, tiếp tục sống trong những căn nhà tạm bợ bên đường 353 (phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn) - Ảnh N.V.Hải

Trở lại Đồ Sơn thăm ông, chúng tôi mang theo nhiều “gửi gắm” của bạn đọc và của những người tâm huyết với cuộc chiến chống tham nhũng. Họ muốn biết từ sau vụ án Đồ Sơn, cuộc sống của ông Đinh Đình Phú và gia đình như thế nào, những việc ông và nhiều người dân Đồ Sơn đấu tranh quyết liệt dạo ấy, giờ đã được giải quyết ra sao...

Đấu tranh phải dựa vào dân, vào đồng đội

Trong căn nhà cũ nằm trên mé đồi, gần như vẫn giữ nguyên dáng vẻ của gần tám năm trước, khi những phóng viên Tuổi Trẻ về gặp ông tìm hiểu vụ Đồ Sơn, ông Đinh Đình Phú hào hứng kể: Sau phiên phúc thẩm lần hai, những người vi phạm pháp luật bị xử tù, dân Đồ Sơn rất phấn khởi và lấy lại niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, đối với công cuộc chống tham nhũng. Có bốn cấp thì ba cấp bị xử lý: từ phường, thị xã đến thành phố cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật.

"Ông Đinh Đình Phú là một cựu chiến binh rất tâm huyết, khi còn đương chức đã từng hoạt động chiến đấu trên nhiều lĩnh vực, gặp không ít khó khăn, nhưng khi về hưu không hề nhụt chí, vẫn thể hiện được ý chí của một cán bộ cách mạng lo cho nước, cho dân, cho uy tín của Đảng...

Ông Phú và người dân Đồ Sơn đã vượt qua được các rào cản, trở ngại trong quá trình đấu tranh chống tiêu cực ở địa phương. Chỉ tiếc là đến nay, dự án liên quan đến những tiêu cực đất đai ở Đồ Sơn vẫn chưa được giải quyết dứt điểm để nhân dân yên tâm sinh sống, làm ăn

Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư"

Thế nhưng, Đồ Sơn dạo ấy không chỉ có những điều vui. Ông Phú nhớ lại: “Ngay tại đám tang ông Lưu Kim Thái (bị cáo trong vụ án Đồ Sơn, tự vẫn ngày 13-6-2007 trước khi tòa án tiến hành xét xử sơ thẩm lần thứ hai), có người tuyên bố chi mấy chục triệu đồng thuê xã hội đen thanh toán tôi. Dân báo cho tôi ngay, đồng thời cho biết người này hình như là một cán bộ của thị xã Đồ Sơn. Không ngại gì, tôi điện thoại luôn cho bên tổ chức thị ủy hỏi rõ cán bộ thị xã có người như thế này, thế kia không, cuối cùng xác định đích thực người đó công tác bên thị ủy... Thời gian đó, một số đối tượng xã hội cũng thường rình rập tìm cách khủng bố tôi, may là tôi có hai con công tác bên ngành công an nên bọn chúng chưa dám manh động gì. Tôi cũng dặn dò các con tôi cẩn trọng, việc đến đâu xử lý đến đó, không khéo lại mắc mưu bọn họ...”.

Ông chia sẻ “người chống tham nhũng phải biết tự bảo vệ mình” và ông đã tìm ra một cơ chế “tự bảo vệ” hiệu quả - đó là dựa vào sức mạnh của đồng đội, của nhân dân.

Trước đây, khi chống tiêu cực trong vụ Đồ Sơn đang ở cao trào, chính quyền thị xã thẳng tay giải tán câu lạc bộ (CLB) cán bộ hưu trí của thị xã.

“Một kinh nghiệm sâu sắc là cuộc đấu tranh nào cũng phải có chỗ dựa là nhân dân, là đồng đội, nên chúng tôi tìm cách khôi phục hoạt động của CLB này. Tôi đến gặp anh Lê Khắc Nam (chủ tịch quận Đồ Sơn, nay là phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng), dẫn ra nhiều điều luật, quy định để thuyết phục các anh cho thành lập lại CLB cán bộ hưu trí vào năm 2007”, ông Phú cho biết.

Từ chỗ CLB mới đầu chỉ có 30, 40 người, đến kỷ niệm năm năm tái lập CLB vừa rồi, số hội viên đã lên tới gần 140 người, trong đó có những cán bộ từ cơ sở đến trung, cao cấp về nghỉ hưu tại quận Đồ Sơn. Chủ nhiệm CLB là một vị nguyên chủ tịch thị xã Đồ Sơn về hưu đã lâu, ông Đinh Đình Phú là phó chủ nhiệm thường trực, còn một phó chủ nhiệm khác nguyên là đại tá Quân khu 3 nghỉ hưu.

Phải là “diệt tham nhũng”

Ở Đồ Sơn, sau cuộc chiến chống tham nhũng, dân nói “mới thành công có một nửa” - đó là xử lý những người vi phạm theo pháp luật. Nhưng một nửa còn lại vẫn chưa làm được, đó là các khu đất tái định cư vẫn chưa được thu hồi theo tinh thần kết luận của Thanh tra Chính phủ, vẫn còn có những hộ dân ở lay lắt trên đồi, ven đường như trước.

zdqawqOJ.jpgPhóng to
Ảnh: N.V.Hải

Ở tuổi 78, mỗi khi gặp những việc nổi cộm, ông Đinh Đình Phú đều gửi ý kiến đến các vị lãnh đạo trung ương. Thời chống Mỹ, ông Phú công tác ở Trung ương Cục miền Nam. Năm 1975, ông về công tác tại Công an TP Hải Phòng, làm trưởng phòng bảo vệ chính trị (phòng phản gián) rồi nghỉ hưu năm 1991 với hàm đại tá.

Vị đại tá già dẫn chúng tôi trở lại “thực mục sở thị” các khu đất liên quan trong vụ Đồ Sơn trước đây, mới thấy mọi thứ cơ bản vẫn ngổn ngang như 7-8 năm trước, chỉ có phần hạ tầng dự án hoang phế hơn, những đoạn đường nhựa loang lổ, những cột đèn gỉ sét, cỏ dại mọc cao hơn xưa, lút cả tầm mắt người nhìn. Mấy túp nhà, túp lều dựng tạm của một vài người dân thấy đất bỏ không lâu ngày, tiếc của nên ra đây lấn chiếm.

Quy hoạch thì treo đó, đất chưa giao lại cho dân, dân không có đất làm nhà, phát triển kinh tế nên bức xúc. “Với tư cách phó chủ nhiệm thường trực CLB cán bộ hưu trí, tôi làm căng lắm, chỉ ra từng việc, nhưng các đồng chí ở quận nói tất cả việc quyết định thế nào là do thành phố, quận không có quyền gì”, ông Phú tiếp tục câu chuyện dang dở.

Nói tới nói lui, câu chuyện cuối cùng lại quay về chủ đề chống tham nhũng. Vị đại tá già bộc bạch thẳng thắn: “Không bắt sâu thì sâu sẽ ăn hết rau, nên buộc phải bắt sâu”. Ông nói ở cơ sở, dân biết rõ các vị lãnh đạo địa phương người nào thế nào, biết cái nhà lầu này, cái xe hơi kia từ đâu mà có...

Giọng đầy sôi nổi ông bảo: “Nói chống tham nhũng - chống sao được, phải là diệt tham nhũng - ngay từ khẩu hiệu đã không đủ mạnh mẽ. Đảng đã chỉ rõ đối tượng tham nhũng là một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức, có quyền cơ mà. Không nhỏ là bao nhiêu - những người có chức, có quyền tha hóa biến chất - đến nỗi tham nhũng trở thành một nguy cơ. Vậy mà không diệt, chỉ chống thôi là sao? Tôi cho là đừng hô khẩu hiệu toàn dân chống tham nhũng nữa, mà phải quyết liệt diệt tham nhũng.

Vậy đối sách như thế nào? Bây giờ nói chỉnh đốn Đảng về tư tưởng và tổ chức - tôi nói thẳng chỉnh thì đúng rồi, nhưng còn đốn ai? Tôi cho rằng đấu tranh với tham nhũng giờ là trận cuối cùng. Trận thứ nhất là chiến thắng chủ nghĩa thực dân cũ (thực dân Pháp), trận thứ hai là chiến thắng chủ nghĩa thực dân mới (đế quốc Mỹ), giờ là trận chiến cuối cùng - mà kẻ thù là chính trong chúng ta chứ không phải ai khác...”.

Nút thắt hậu vụ án Đồ Sơn

Trả lời Tuổi Trẻ vì sao các khu đất liên quan trong vụ án Đồ Sơn bị bỏ hoang nhiều năm nay, ông Vũ Đình Hưng - phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, cho biết UBND quận gặp khó khăn trong việc thu hồi các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã giao trái luật cho dân.

Theo ông Hưng, nút thắt để giải quyết các vấn đề tồn tại trên chính là việc xây dựng khu dân cư Ngọc Xuyên để giao đất tái định cư, bố trí nơi ở mới cho người dân.

Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Ngọc Xuyên (tại phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn) được UBND TP Hải Phòng phê duyệt năm 2008 với tổng diện tích 36.193m², được chia thành 183 lô, có tổng vốn đầu tư gần 26,7 tỉ đồng. “Do gặp nhiều vướng mắc, tổng vốn đầu tư cho dự án đã được nâng lên gần 40 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ 2008-2014”, ông Hưng cho biết. Tuy nhiên, đến nay nhà thầu mới triển khai được các gói thầu liên quan đến lập hồ sơ thiết kế bản vẽ, san nền, hè, đường, cấp thoát nước...

Diễn tiến vụ chia chác đất công ở Đồ Sơn

* Tháng 3-2003, Thị ủy Đồ Sơn họp ra nghị quyết về việc giao đất ở và đất tái định cư cho các hộ dân phải di dời giải tỏa trong dự án đường 353, trong đó đặt ra việc dành 25% quỹ đất để bố trí cho cán bộ lãnh đạo thị xã và 10% dành cho đối ngoại.

* Ngày 10-3-2004, công dân Đinh Đình Phú gửi lá đơn đầu tiên lên TP Hải Phòng đấu tranh việc này.

* Ngày 11-8-2005, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can các ông Vũ Đức Vận (nguyên bí thư Thị ủy Đồ Sơn), Hoàng Anh Hùng (nguyên chủ tịch UBND thị xã) và Lưu Kim Thái (nguyên phó chủ tịch UBND thị xã, trước đó là trưởng phòng quản lý đô thị của UBND thị xã) về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Đến ngày 22-9-2005 tiếp tục khởi tố ông Chu Minh Tuấn, nguyên giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP Hải Phòng, về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

* Ngày 20-2-2006, cơ quan điều tra chuyển hồ sơ sang Viện KSND tối cao đề nghị truy tố bốn người trên, tuy nhiên gần ba tháng sau, ngày 8-5-2006, Viện KSND tối cao lại quyết định đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự cho ông Chu Minh Tuấn.

* Ngày 28-8-2006, tại phiên tòa sơ thẩm (lần thứ nhất), TAND TP Hải Phòng tuyên phạt cảnh cáo ba bị cáo.

* Ngày 1-9-2006, Thủ tướng có công văn hỏa tốc kiến nghị xem xét lại sự việc.

* Ngày 12-9-2006, viện trưởng Viện KSND tối cao đã kháng nghị theo hướng hủy án sơ thẩm, điều tra lại. Kháng nghị này được Tòa án chấp thuận trong phiên xử phúc thẩm (lần thứ nhất) vào ngày 9 và 10-10-2006. Ngày 12-10, Viện KSND tối cao hủy quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Chu Minh Tuấn, đồng thời chỉ đạo kiểm điểm đối với kiểm sát viên ra quyết định đình chỉ này.

* Quá trình điều tra lại vụ án, ngoài khôi phục điều tra với ông Tuấn, ngày 5-3-2007, Bộ Công an đã khởi tố thêm một số quan chức của Sở Tài nguyên - môi trường Hải Phòng và hai phường Vạn Hương, Vạn Sơn của thị xã Đồ Sơn.

* Ngày 19-6-2007, phiên tòa sơ thẩm (lần thứ hai) xét xử tám bị cáo trong vụ án Đồ Sơn (bị cáo Lưu Kim Thái đã tự vẫn trước ngày xét xử). Tòa tuyên phạt hai bị cáo Vận, Tuấn mức 7 năm tù, Hùng 6 năm 6 tháng tù... Ngày 20-9-2007, phiên tòa phúc thẩm (lần thứ hai) của TAND tối cao quyết định bác các đơn kháng cáo xin giảm án, giữ nguyên bản án sơ thẩm (lần thứ hai) đối với cả tám bị cáo.

Bạn đọc muốn gặp lại nhân vật nào, muốn biết số phận của những con người, câu chuyện, sự việc nào báo chí từng phản ánh, vui lòng “đặt hàng” với Tuổi Trẻ bằng cách gửi email về địa chỉ chuyenaybaygio@tuoitre.com.vn.

NGUYỄN VĂN HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên